Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, một số đại biểu khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng đã cho rằng, điện ảnh là một kênh để tạo nên thương hiệu và quảng bá hình ảnh cho Việt Nam, đồng thời góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch. Tuy nhiên, đây vẫn là điểm yếu mà chúng ta chưa tận dụng để khai thác một cách hiệu quả.
Dẫn thành công của một số bộ phim như: Chuyện của Pao quảng bá cho Hà Giang; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tạo nên thương hiệu cho Phú Yên; phim Đào, phở và piano giúp truyền bá văn hóa lịch sử, đại biểu Quốc hội mong muốn ngành văn hóa, thể thao và du lịch quan tâm hơn đến công tác này, có giải pháp hỗ trợ cho điện ảnh Việt Nam trong việc lồng ghép giữa phim và quảng bá về du lịch. Bởi thực tế, vẫn còn những rào cản về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho nhà làm phim thực hiện những mảng đề tài về du lịch.
Việc thế giới, mà gần với Việt Nam nhất là các nước trong khu vực châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…, “hút” du khách đến nước mình du lịch nhờ phim ảnh từ lâu không còn xa lạ gì. Chẳng hạn như ai đã xem và mê phim Hàn Quốc, du khách nhiều nơi trên thế giới rất muốn đến tháp Namsan, sông Hàn, đảo Nami… Hay thích phim Nhật Bản nhất định phải đi Nhật vào mùa hoa anh đào nở, đến thủ đô Tokyo thưởng thức trà đạo…
Ở Việt Nam, năm 2015, khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được trình chiếu, tỉnh Phú Yên bất ngờ nổi tiếng. Lãnh đạo địa phương sau đó đã thừa nhận, nhờ hiệu ứng của bộ phim mà du lịch của tỉnh Phú Yên đã có bước phát triển đáng mừng, bỏ xa thời kỳ trước đó. Đặc biệt, những địa điểm mà bộ phim đề cập luôn là lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến với Phú Yên.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn |
Hay mới đây, trong bộ phim điện ảnh Lật mặt 7: Một điều ước của đạo diễn Lý Hải, Lễ hội lăng thần Nam Hải của vùng đất Ninh Thuận đã được tái hiện một cách chân thật, độc đáo khiến khán giả tò mò muốn đến ngay với làng chài ven biển để tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân, cũng như tận hưởng không khí của lễ hội. Cũng trong bộ phim này, những cảnh đẹp điển hình của Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng cũng được khéo léo đưa vào phim khiến khán giả thích thú.
Phát triển du lịch từ phim ảnh là hướng đi cần được chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh việc khuyến khích các nhà làm phim tư nhân đầu tư cho dòng phim này, phim nhà nước sẽ được khơi thông về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện tốt hơn nữa nhằm có những bộ phim chất lượng, góp phần quảng bá cho du lịch nói riêng và đất nước, con người Việt Nam nói chung.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin