Báo Đồng Nai điện tử
En

'Có những con đường hàng km chỉ đủ đi bộ, khi xảy ra cháy thì xe cứu hỏa vào thế nào?'

Thanh Hải
08:05, 20/06/2024

Thực trạng trên tồn tại và xảy ra là một trong những nguyên nhân mà thời gian qua, tình hình cháy, nổ diễn biến hết sức phức tạp, nhiều vụ cháy tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư... gây thiệt hại nghiêm trọng.

Chiều 19-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ chiều 19-6. Ảnh: CTV
Đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ chiều 19-6. Ảnh: CTV

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; việc tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là cần thiết.

Đặc biệt, nhiệm vụ thể chế hóa nội dung về công tác cứu nạn, cứu hộ và xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho đến nay còn hết sức hạn chế, chưa khuyến khích được doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội tham gia.

Đặc biệt là thời gian qua, tình hình cháy, nổ diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều vụ cháy đã xảy ra tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư, gây ra những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đời sống xã hội, đến nền kinh tế… của đất nước.

Như vụ cháy tại nhà dân ở ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 14 người chết, nhiều tài sản bị thiệt hại, các đại biểu đề nghị cần có các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho phù hợp với yêu cầu công tác thực tiễn.

Đưa ra giải pháp để không xảy ra hoặc hạn chế xảy ra, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để ban hành được tiêu chuẩn kỹ thuật phòng cháy, bảo đảm an toàn với từng loại hình cơ sở.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến, thống kê cho thấy, các vụ cháy nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng chủ yếu tại các khu chung cư cũ, nhà cơi nới. Các căn chung cư, nhà cũ "như một cái lồng sắt" với cửa cuốn bít bùng xung quanh, khi xảy ra hỏa hoạn không cách nào để thoát ra.

Theo đại biểu, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì những khu vực đô thị cấp tỉnh như thành phố Biên Hòa với hơn 1,3 triệu dân hoặc các thành phố khác có những con đường hàng km chỉ đi bộ, xe ô tô không thể lưu thông. Trường hợp cháy thì lấy đâu ra nước để chữa cháy, xe cứu hỏa lưu thông bằng cách nào để vào những khu vực này.

Do đó, về lâu dài cần có lộ trình đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy, không để khi xảy ra hậu quả nặng nề, đau xót, không thể nào khắc phục được.

Trong khi đó, các đại biểu khác đề nghị cần quan tâm thỏa đáng đến công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành về phòng cháy, chữa cháy, ở tất cả các khâu, các lĩnh vực như: quy hoạch, sản xuất, thiết kế, thi công; công tác quản lý, sử dụng, vận hành...

Đồng thời cần quan tâm ưu tiên đặc biệt chính sách đưa công tác giáo dục, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào trường học. Làm sao phải đưa vào chương trình học các nội dung về kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để học sinh có thêm kiến thức áp dụng trong thực tiễn để tự bảo vệ bản thân, kỹ năng xử lý các tình huống...

Thanh Hải (ghi)

Từ khóa:

dân cư

vụ cháy

Tin xem nhiều