Các đại biểu cho rằng việc khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường nhà ở, bất động sản, được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 ngày 21-6, các đại biểu Quốc hội tán thành với việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của luật từ ngày 1-8-2024.
Song, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về chất lượng văn bản hướng dẫn quy định chi tiết các luật này, khi khối lượng văn bản quá lớn và thời gian thực hiện rất ngắn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN |
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách mới, khắc phục những tồn tại, bất cập của các luật trước đây, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả.
Đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, đột phá, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường nhà ở, bất động sản, được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Vì vậy, việc điều chỉnh hiệu lực sớm của các luật sẽ đảm bảo sớm đưa các quy định mới, đột phá có lợi cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vào thực thi áp dụng trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh. Đồng thời sửa đổi Luật Lâm nghiệp để phân cấp toàn bộ thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng cho HĐND cấp tỉnh. Nếu các quy định này có hiệu lực sớm hơn sẽ rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã lấy ý kiến của các địa phương, để xây dựng các văn bản dưới luật, để khi luật có hiệu lực tổ chức thực hiện được ngay. Nhưng những vấn đề được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra, cũng cần được quan tâm đầy đủ, nhất là nhận diện, đánh giá đầy đủ ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là phản ứng, tâm lý của xã hội.
Chẳng hạn, Ủy ban Kinh tế quan ngại một số quy định có hiệu lực sớm hơn 5 tháng gây khó khăn cho các đối tượng do yêu cầu quản lý cao hơn, điều kiện thi hành chặt chẽ hơn.
Giải trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định rất chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở (hay còn gọi là chung cư mini) với mục tiêu để bán, cho thuê, cho thuê mua, theo đó yêu cầu phải lập dự án xây dựng nhà ở hoặc phải đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; đáp ứng yêu cầu về đầu tư xây dựng.
Quy định này để khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở không đảm bảo yêu cầu trong đầu tư xây dựng, dẫn đến tình trạng cháy nổ như xảy ra thời gian vừa qua, do đó, việc quy định hiệu lực sớm của Luật Nhà ở sẽ khắc phục được các vấn đề của thực tiễn xảy ra trong thời gian vừa qua.
Thanh Hải (tổng hợp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin