Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo chí là cầu nối đặc biệt giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân

Hạnh Dung
07:23, 20/06/2024

Báo chí đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 4 từ phải qua) và Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương,
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh (thứ 4 từ trái qua) trao đổi với các đại biểu bên lề Hội thảo Báo Đảng miền Đông Nam Bộ mở rộng tại Báo Đồng Nai ngày 9-9-2023. Ảnh: Huy Anh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 4 từ phải qua) và Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh (thứ 4 từ trái qua) trao đổi với các đại biểu bên lề Hội thảo Báo Đảng miền Đông Nam Bộ mở rộng tại Báo Đồng Nai ngày 9-9-2023. Ảnh: Huy Anh

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG nhấn mạnh, các phóng viên, nhà báo đã thông tin, phản ánh trung thực, kịp thời, toàn diện nhiều vấn đề, là cầu nối đặc biệt giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân.

Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

 * Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí nói chung và Báo Đồng Nai nói riêng trong sự phát triển của tỉnh?

- Báo chí là kênh thông tin rất quan trọng giúp cho lãnh đạo tỉnh có cái nhìn toàn diện hơn trong quá trình định hướng, triển khai các kế hoạch, nghị quyết. Trong năm 2023, có gần 3 ngàn tác phẩm báo chí viết về Đồng Nai được đăng tải, phát sóng trên các tờ báo, đài trung ương và địa phương.

Báo chí tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân. Người dân phản ánh, báo chí lắng nghe có chọn lọc để truyền tải thông tin đến Đảng, chính quyền. Trên cơ sở đó, Đảng, chính quyền nhận thấy điều gì là cần thiết, phải điều chỉnh cho hợp lý.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Báo Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Báo Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh

Các cơ quan báo chí cũng tuyên truyền, phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp có dự cảm lạc quan về tương lai, tự tin đóng góp, đầu tư, làm ăn kinh doanh trên địa bàn…

Riêng Báo Đồng Nai, thời gian qua, đã có nhiều bài viết hay trên nhiều lĩnh vực như: xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa… đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh, giúp người dân hiểu rõ hơn định hướng phát triển của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG cho rằng, trong thời buổi công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, các cơ quan báo chí với lợi thế thông tin chính xác, đáng tin cậy của mình chắc chắn sẽ xây dựng được niềm tin của bạn đọc so với mạng xã hội.

* Đồng Nai đang được xem là đại công trường xây dựng của cả nước với nhiều dự án trọng điểm quốc gia. Báo chí đồng hành với tỉnh như thế nào trong vấn đề này, thưa ông?

- Quá trình triển khai các dự án lớn, tỉnh Đồng Nai nhận được sự đồng thuận cao của người dân vì lợi ích chung của cộng đồng, sự đồng hành tích cực của các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận giữa người dân với chính quyền. Qua đó, thúc đẩy tiến độ các dự án.

Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã dành dung lượng lớn để tuyên truyền những nỗ lực của các cơ quan chức năng của tỉnh trong quá trình phối hợp, thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh…

 * Nhiều cơ quan báo chí xem Đồng Nai là địa bàn “nóng” cả về phát triển kinh tế lẫn các vấn đề xã hội. Hầu hết các tờ báo lớn đều có văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại Đồng Nai. Điều này có khiến lãnh đạo tỉnh bị áp lực không?

- Ngược lại, điều này tạo động lực lớn đối với lãnh đạo tỉnh. Phóng viên là những người đi nhiều, biết nhiều, so sánh nhiều nên có những nhận định quan trọng, biết được chỗ nào làm tốt, chỗ nào chưa làm tốt để góp ý cho địa phương. Chúng tôi trân trọng những góp ý của các phóng viên, các cơ quan báo chí để thấy rõ những điều cần phải nỗ lực hơn nữa trong quá trình phát triển.

Xử lý kịp thời những thông tin được phản ánh trên mặt báo

* Với những bài viết mang tính phản biện, lãnh đạo tỉnh tiếp nhận và xử lý ra sao?

- Chúng tôi xác định rất rõ, báo chí là tiếng nói trung thực của Nhân dân. Thông tin trên báo chí mang tính đa chiều. Nơi nào, cá nhân nào làm tốt thì được khen và ngược lại. Do vậy, khi tiếp nhận những thông tin mang tính chất phản biện, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát thông tin, căn cứ vào Luật Báo chí để cung cấp kịp thời, chính xác những thông tin liên quan cho báo chí, người dân, tổ chức, cá nhân được biết.

Lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng người phát ngôn của các cơ quan, đơn vị; không để xảy ra tình trạng báo chí đề nghị cung cấp thông tin mà né tránh, không gặp báo chí. Vấn đề nào đã rõ thì cung cấp rõ. Vấn đề nào chưa rõ cũng phải trả lời cho báo chí được biết, không giấu giếm thông tin. Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến những thông tin phản ánh trên báo chí và sẽ theo dõi đến cùng những thông tin trên mặt báo, dù là khen hay chê.

PGS-TS Vũ Quang Hào (Trường đại học Nguyễn Tất Thành) trao đổi với cán bộ, phóng viên Báo Đồng Nai tại buổi bồi dưỡng nghiệp vụ do Báo Đồng Nai tổ chức. Ảnh: H.Dung
PGS-TS Vũ Quang Hào (Trường đại học Nguyễn Tất Thành) trao đổi với cán bộ, phóng viên Báo Đồng Nai tại buổi bồi dưỡng nghiệp vụ do Báo Đồng Nai tổ chức. Ảnh: H.Dung

* Các cơ quan báo chí trong tỉnh cần lưu ý vấn đề gì để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thưa ông?

- Các cơ quan báo chí trong tỉnh phải thường xuyên nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhà báo, phóng viên; tích cực ứng dụng công nghệ vào xử lý tin, bài. Đội ngũ phóng viên phải được bồi dưỡng về mặt lý luận chính trị để hiểu rõ những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để khi viết tin, bài đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực. Việc bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ, đầu tư máy móc, thiết bị cũng cần được chú trọng để phóng viên tác nghiệp hiệu quả hơn.

Đặc biệt, các cơ quan báo chí của tỉnh và các phóng viên phải hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo, hướng đến mục đích cuối cùng là phục vụ nhân dân.

* Lãnh đạo tỉnh có “đặt hàng” gì đối với các cơ quan báo chí trong thời gian tới?

- Tỉnh Đồng Nai mong muốn các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện đúng. Đối với tỉnh Đồng Nai, đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm tuyên truyền về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; những nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng chính quyền vững mạnh, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; cũng như góp ý để giúp Đồng Nai phát triển toàn diện và bền vững.

Bên cạnh đó, báo chí tiếp tục tuyên truyền tiến độ thực hiện các dự án quốc gia trên địa bàn tỉnh; thu hút vốn đầu tư; công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giao thông, kết nối vùng; Đề án Giảm phát thải net zezo; hạ tầng đô thị; nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng giáo dục, y tế…

Riêng Báo Đồng Nai, cần đẩy mạnh tuyên truyền để quảng bá vùng đất, con người Đồng Nai; tích cực tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, lan tỏa những điều hay, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Hạnh Dung (thực hiện)

 

Tin xem nhiều