Khi hòa thượng Thích Thanh Từ, Phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam đón tuổi 100 vào năm 2023, lãnh đạo các tôn giáo khác như: Công giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài… đã dành thời gian đến chung vui với Phật giáo Đồng Nai nhân sự kiện này.
Đoàn Tòa Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đến thăm, chúc mừng lễ Phật đản năm 2024 tại Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh. Ảnh: S.Thao |
Điều này phản ánh thực tế tại Đồng Nai, giữa các tôn giáo luôn có sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần vào sự ổn định, đoàn kết của đồng bào lương - giáo ở địa phương có 70% trong số hơn 3,2 triệu người là đồng bào có đạo.
Gắn kết việc đạo
Một trong những biểu hiện tích cực nhất là các tôn giáo thường xuyên thăm viếng nhau trong các dịp lễ trọng. Mới đây, trong dịp Phật giáo Đồng Nai đón mừng đại lễ Phật đản năm 2024, Tòa Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đã tổ chức đoàn đến thăm, chúc mừng Phật đản Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh. Ngoài ra, ban đoàn kết Công giáo các huyện, thành phố, các chức sắc, chức việc Công giáo cũng tổ chức đến thăm, chúc mừng đối với Ban Trị sự GHPG Việt Nam cùng cấp và chức sắc Phật giáo tại địa phương.
Theo linh mục Nguyễn Tuấn Anh, Tổng đại diện Giáo phận Xuân Lộc, mỗi tôn giáo đều có những sinh hoạt khác nhau nhưng cùng có điểm chung là hướng tín đồ đến xây dựng đạo đức tốt đẹp, kiến tạo cuộc sống gia đình ấm no và hạnh phúc, đóng góp vào sự phát triển của tôn giáo, chung sức vì sự phát triển nơi mình sinh sống và của đất nước.
2,2 triệu người trong tổng số hơn 3,2 triệu dân tại Đồng Nai là tín đồ của 11 tôn giáo. Đồng Nai cũng là nơi sinh sống của 50/53 thành phần dân tộc thiểu số với gần 200 ngàn người. Trong số này có hơn 8,3 ngàn đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số đã trở thành đảng viên và tham gia công tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế và nhất là hoạt động tích cực trong các đoàn thể ở cơ sở.
Vậy nên, thời gian qua, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh cùng Tòa Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đã chung sức vận động, hướng dẫn tín đồ tích cực tham gia vào công tác an sinh xã hội, đóng góp xây dựng địa phương. Qua đó, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của 2 tôn giáo đối với cuộc sống nhân dân, sự phát triển của địa phương.
Theo thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, trong dịp lễ Giáng sinh, tết cổ truyền của dân tộc…, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh đều đến thăm chức sắc của Tòa Giám mục Giáo phận Xuân Lộc để trao đổi về hoạt động của tôn giáo đôi bên. Chia sẻ những điều mà từng tôn giáo quan tâm trong quá trình thực hiện việc đạo, việc đời để qua đó cùng nhau rút ra những điều hay. Việc làm này cũng được Ban Trị sự GHPG Việt Nam các huyện, thành phố, chức sắc các tự, viện thực hiện thường xuyên.
Ngoài ra, theo đại đức Thạch Sa Huỳnh, Trụ trì Hoa Sơn Tự (thành phố Long Khánh), trong dịp Tết của đồng bào Khmer, ngoài đoàn của chính quyền cấp tỉnh, thành phố, các tôn giáo bạn cũng dành thời gian đến thăm hỏi, chia vui với cộng đồng Phật giáo Khmer tại đây. Việc làm này không chỉ mang tính xã giao mà còn thể hiện cho tín đồ mỗi tôn giáo thấy được mối quan hệ gắn bó, quan tâm lẫn nhau ngay từ các chức sắc tôn giáo.
Đoàn kết trong cộng đồng
Cùng với những dịp lễ trọng thì trong sinh hoạt hàng ngày, các tôn giáo, cộng đồng dân cư liền kề với cơ sở tôn giáo cũng duy trì mối quan hệ gắn bó mật thiết.
Tại Đồng Nai, hầu hết các giáo xứ đều xây dựng hệ thống nước sạch để sử dụng cho giáo xứ đồng thời đáp ứng nhu cầu của bà con lân cận của mỗi cơ sở tôn giáo. Người dân đến lấy nước sạch không phân biệt lương - giáo và miễn phí hoặc chi trả theo khả năng của gia đình.
Ngoài ra, hàng tháng, mỗi cơ sở tôn giáo đều có những hoạt động an sinh xã hội trợ giúp người khó khăn. Điểm đáng chú ý là người nhận quà trong danh sách của giáo xứ, nhà chùa không phân biệt tôn giáo. Như mỗi tháng, Giáo xứ Xuân Đức (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) tặng 100 phần quà cho đồng bào khó khăn thuộc các tôn giáo (Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài…) và bà con không tôn giáo.
Còn tại thiền tự Phước Quang (huyện Long Thành) mỗi tháng có 200 phần quà được chuyển đến người dân, trong đó có hơn 40% người nhận quà là bà con khó khăn của nhiều tôn giáo trên địa bàn.
Đặc biệt, theo linh mục Ngô Hùng Tráng, chánh xứ giáo xứ Xuân Đức, ở nhiều nơi, khu dân cư bao quanh nhà thờ là những gia đình có đạo Công giáo. Nhưng riêng ở giáo xứ thì khu dân cư liền kề với giáo xứ là đồng bào thuộc rất nhiều tôn giáo khác hoặc không tôn giáo. Để việc di chuyển của khu dân cư liền kề thuận tiện hơn trong quá trình đến lấy nước sinh hoạt, giáo xứ không xây hàng rào bao quanh phía sau mà mở rộng để bà con đi lại dễ dàng.
Linh mục Ngô Hùng Tráng cho hay: “Tôi cảm thấy rất vui khi gia đình nào nằm liền kề với giáo xứ có tiệc cưới, đám giỗ thì dù là lương hay giáo đều mời linh mục, cộng đoàn giáo xứ đến tham gia. Ngược lại, mỗi khi giáo xứ có các lễ trọng, linh mục, cộng đoàn giáo xứ cũng mời những gia đình lân cận giáo xứ đến chung vui. Nhờ đó, mối quan hệ giữa giáo xứ với bà con sống liền kề tương tự như những hàng xóm trong khu dân cư”.
Bà Nguyễn Thanh Vân (ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2) cho hay, đối với gia đình bà, ngoài vai trò trong hoạt động tôn giáo ở nhà thờ, mỗi chức sắc, chức việc ở giáo xứ còn là người hàng xóm thân thiết “tắt lửa tối đèn có nhau”.
Văn Truyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin