(ĐN)- Chiều 20-5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai”.
Các đồng chí: Cao Tiến Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai; tiến sĩ Phạm Ngọc Lợi, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai Cao Tiến Dũng và tiến sĩ Phạm Ngọc Lợi, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo. Ảnh: Phương Hằng |
Dự hội thảo có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh Đồng Nai và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ, giảng viên Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, tiến sĩ Phạm Ngọc Lợi nêu rõ, công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai luôn xác định công tác dân vận có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Đồng Nai là tỉnh có đặc thù về tôn giáo, đồng bào tôn giáo chiếm gần 70% dân số toàn tỉnh, các cấp ủy luôn quan tâm thực hiện đầy đủ chính sách pháp luật về tôn giáo. Đồng Nai còn dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, với 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Tình hình kinh tế - xã hội của Đồng Nai khá ổn định, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. 100% xã, đơn vị cấp huyện đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới...
Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chung tham luận tại hội thảo. Ảnh: Phương Hằng |
Tuy nhiên trong quá trình hội nhập, với tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường làm nảy sinh nhiều vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở các cấp trong hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai. Như, công tác tập hợp quần chúng trong độ tuổi vào các tổ chức đoàn thể chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết.
Một bộ phận cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ sâu sắc về công tác dân vận hay do việc coi nhẹ và chưa thực sự quan tâm đến công tác dân vận. Tỉnh đang triển khai rất nhiều dự án lớn, như Sân bay Long Thành, dự án đường vành đai 3... công tác dân vận của tỉnh càng trở lên cần thiết.
Xuất phát từ tình hình trên, việc nghiên cứu về những vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác dân vận của hệ thống chính trị tại tỉnh Đồng Nai là cần thiết. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được gần 30 báo cáo tham luận, phân tích, ghi nhận, đánh giá cao quá trình thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị ở Đồng Nai.
Đồng thời đưa ra một số khó khăn, thách thức cũng như dự báo một số vấn đề có thể xảy ra trong quá trình thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị tại Đồng Nai, như xung đột trách nhiệm, năng lực xử lý các vấn đề phát sinh...
Những phát hiện, dự báo này giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nhìn nhận toàn diện, dự liệu xử lý, giải quyết trong quá trình thực hiện thời gian tới.
Phương Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin