Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp đỡ hội viên làm giàu chính đáng

Phương Hằng
08:24, 17/05/2024

Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng là một trong những phong trào thi đua được các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ triển khai thực hiện sâu rộng.

Ông Trần Quang Hiệp (ngụ ấp 1, xã Xuân Quế) với các sản phẩm nông nghiệp tại Hội chợ Giới thiệu, quảng bá các sản phẩm địa phương do huyện Cẩm Mỹ tổ chức năm 2023. Ảnh: ĐPCC

Việc thực hiện phong trào này đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Nhạy bén trong sản xuất

Ngày đầu bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình, ông Lương Vĩnh Sếnh (ngụ ấp 1, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau nhiều lần mày mò và được tham gia các buổi tập huấn, hội thảo, tham quan mô hình sản xuất do Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức, ông Sếnh quyết định chuyển đổi diện tích đất trồng cây cà phê sang trồng cây hồ tiêu. Năm 2017, với số vốn tích lũy được, ông Sếnh mạnh dạn chuyển đổi cây hồ tiêu sang trồng cỏ chăn nuôi dê, cung cấp dê giống, tiêu thụ dê thương phẩm của các hộ nông dân trên địa bàn.

Với mô hình SXKD dê giống, dê thương phẩm với tổng đàn 3,6 ngàn con/năm, lợi nhuận ông thu được hàng năm sau khi trừ chi phí là 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với thu nhập hơn 7 triệu đồng/người/tháng và 20 lao động mùa vụ thu nhập 300 ngàn đồng/người/ngày.

Gia đình ông Đỗ Lương Ý (ngụ ấp Cam Tiên, xã Nhân Nghĩa) có 4 hécta đất làm nông nghiệp. Lúc đầu, gia đình ông trồng xen canh nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích như: cà phê, điều, cây ăn trái… Từ khi được Hội Nông dân xã, huyện cho tham quan học tập mô hình từ các hội viên nông dân sản xuất giỏi trong và ngoài huyện, ông Ý nhận thấy lợi ích kinh tế của cây sầu riêng đem lại rất lớn nên gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi tất cả các loại cây trồng khác qua trồng cây sầu riêng.

Ông Ý đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lắp đặt hệ thống phun tưới 3 trong 1 (phun tưới tiết kiệm, phun thuốc trên cao mang lại hiệu quả kinh tế và tiết kiệm chi phí công lao động). Tổng sản lượng trung bình đạt 110 tấn/năm, giá bán trung bình 40 ngàn đồng/kg; sau khi trừ chi phí thu được 2,64 tỷ đồng/mùa vụ; thu nhập bình quân 7,3 triệu/người/tháng, giải quyết việc làm cho 25 lao động.

Theo Hội Nông dân huyện Cẩm Mỹ, trong năm 2023, toàn huyện có hơn 6 ngàn hộ đăng ký tham gia Phong trào Nông dân SXKD giỏi, đạt hơn 100% so với chỉ tiêu. Tổng số hội viên, nông dân đạt nông dân SXKD giỏi cấp huyện là 1.015 hộ, đạt trên 100% so với chỉ tiêu đề ra.

Tìm đến những mô hình sản xuất hiệu quả

Sau khi được Hội Nông dân xã cho tham gia tập huấn nông nghiệp và tham quan các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông Trần Quang Hiệp (ngụ ấp 1, xã Xuân Quế) cũng thực hiện chuyển đổi cây trồng từ điều sang sầu riêng. Hiện thu nhập từ sầu riêng đã đem lại cho gia đình ông hơn 1,8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 17 lao động ở địa phương; giúp đỡ cho 12 hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất với số vốn giúp đỡ hàng năm là 50 triệu đồng; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 26 lao động.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Mỹ Trần Hưng Sơn cho biết, trong thời gian tới, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện sẽ tập trung tuyên truyền, vận động thành lập nhiều chi hội, tổ nhóm nghề nghiệp để trao đổi, học tập kinh nghiệm, tạo điều kiện kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm trên tất cả lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt; nhân rộng một vài tổ, nhóm hiệu quả để rút kinh nghiệm. Hiện nay, Hội Nông dân huyện cũng thành lập các tổ, nhóm để hỗ trợ nông dân vay vốn sản xuất từ các kênh ngân hàng chính sách xã hội và quỹ hỗ trợ nông dân. Đồng thời, kết nối các đơn vị liên quan để hỗ trợ nông dân các vấn đề về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân sản xuất ngày càng hiệu quả.

Phương Hằng

Tin xem nhiều