Báo Đồng Nai điện tử
En

Dân vận khéo gắn với bảo vệ môi trường

Phương Hằng
07:35, 02/05/2024

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về bảo vệ môi trường (BVMT), Thường trực Tỉnh ủy đã chấp thuận cho Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ UBND phường Quyết Thắng (thành phố Biên Hòa) tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho người dân trên địa bàn.
Cán bộ UBND phường Quyết Thắng (thành phố Biên Hòa) tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho người dân trên địa bàn. Ảnh: P.HẰNG

Thực hiện mô hình này, nhiều nơi đã có những cách làm hiệu quả.

Một việc làm, nhiều lợi ích

Thời gian qua, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã triển khai cho các hộ dân trên địa bàn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nhưng mới có khoảng 41% số hộ thực hiện.

Từ thực trạng này, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Cao Tiến Dũng cho rằng, phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn đem lại nhiều lợi ích, đó là vừa tiết kiệm tài nguyên, chống rác thải nhựa, vừa gây quỹ hoạt động an sinh xã hội cho tổ chức Đoàn, Hội ở cơ sở; đặc biệt là hình thành ý thức lối sống tích cực của người dân, góp phần hạn chế chất thải rắn, BVMT.

Bên cạnh đó, phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn sẽ giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác; giảm lượng rác chôn lấp; tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô nhiễm môi trường.

Từ ý nghĩa thiết thực của phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn, đến nay nhiều nơi có cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Ban Dân vận Huyện ủy, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Thống Nhất cùng Đảng ủy xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) vừa phối hợp ra mắt mô hình Ngôi nhà xanh tại ấp Lê Lợi 2, thu gom rác thải tái chế gây quỹ cho Hội LHPN xã để hỗ trợ học sinh nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và góp phần BVMT của địa phương.

Bà Vũ Thị Lan, hội viên Hội LHPN xã Quang Trung, chia sẻ mô hình này rất nghĩa, hướng dẫn người dân phân loại, rác tái chế được thì bỏ vào Ngôi nhà xanh, rác không tái chế được thì tiêu hủy để hạn chế ô nhiễm môi trường. Đồng thời, mô hình góp phần nâng cao nhận thức cho người dân bỏ rác đúng nơi quy định, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong hội viên phụ nữ.

Biến rác thải nhựa thành tiền

Mỗi tháng, hội viên phụ nữ xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ) lại tập hợp vỏ lon, đồ nhựa, thùng cạc-tông đã qua sử dụng... đem đến điểm tập kết của xã để bán ve chai. Mỗi lần thu gom, bán được 400-500 ngàn đồng, số tiền này dùng để trao học bổng cho học sinh nghèo và mua thẻ bảo hiểm y tế tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.

Tương tự, tại xã Thừa Đức và xã Sông Ray cũng có các điểm thu gom ve chai do các tổ dân cư thành lập, số tiền bán ve chai đem giúp trẻ em mồ côi, người già neo đơn...

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn.

Theo Hội LHPN huyện Cẩm Mỹ, hiện 13/13 xã, thị trấn của huyện đều có mô hình thu gom rác thải tái chế được để bán ve chai, biến rác thải nhựa thành tiền để gây quỹ hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hình thành ý thức tiết kiệm và nâng cao BVMT cho hội viên phụ nữ.

Vừa thực hiện mô hình dân vận khéo của tỉnh về phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn, phường Quyết Thắng (thành phố Biên Hòa) còn được UBND thành phố chọn làm điểm triển khai tuyến đường và khu phố kiểu mẫu “xanh - sạch - đẹp - văn minh”. UBND phường đã thành lập 4 tổ tuyên truyền, vận động người dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Mỗi khu phố thành lập một tổ, mỗi tổ 5 người (đại diện chi bộ khu phố, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi) đến tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp cho từng hộ gia đình, cá nhân về các nhóm chất thải cần được phân loại, loại túi sử dụng, cách thức và thời gian thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau khi đã
phân loại.

Theo đó, đối với chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế sẽ bỏ riêng vào các loại bao bì thông thường. Nhóm chất thải thực phẩm bỏ vào thùng đựng rác, thời gian thu gom rác được thực hiện theo lịch nhất định. Chất thải thực phẩm sẽ được thu gom hàng ngày sau khi đã phân loại; còn chất thải tái sử dụng, tái chế sau khi đã phân loại có thể bán phế liệu hoặc chuyển giao cho chi hội phụ nữ hoặc Đoàn Thanh niên bán gây quỹ hoạt động cho các tổ chức phụ nữ, thanh niên.

Theo lãnh đạo UBND phường Quyết Thắng, việc làm này bước đầu đã được phần lớn người dân hưởng ứng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đôi lúc việc phân loại rác còn chưa theo quy định. Thói quen của bộ phận người dân chưa thể thay đổi trong ngày một ngày hai; một số ít người dân chưa có ý thức cao trong công tác phân loại rác cũng như BVMT.

Để mô hình phân loại rác thải tại nguồn đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân phường Quyết Thắng quyết tâm khắc phục khó khăn và thực hiện phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong cộng đồng dân cư và từng hộ gia đình. Phối hợp với cơ quan môi trường, công ty dịch vụ môi trường tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Sau thời gian thực hiện thí điểm, có thể áp dụng các biện pháp xử phạt đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện chưa nghiêm.

Phương Hằng

Từ khóa:

Dân vận khéo

Tin xem nhiều