Báo Đồng Nai điện tử
En

Cán bộ quyết định hiệu quả cải cách hành chính

Công Nghĩa
08:32, 07/03/2024

UBND tỉnh đang quyết liệt tìm giải pháp nhằm đánh giá hiệu quả cải cách hành chính (CCHC) mang tính định lượng rõ hơn. Việc định lượng đúng sẽ là “thước đo” đánh giá từng sở, ngành, địa phương và cả người đứng đầu với công tác này. Từ đó có giải pháp đẩy mạnh CCHC, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cán bộ, công chức UBND phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa) làm thêm giờ chiều phục vụ người dân đến giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: C.Nghĩa

* “Bắt được bệnh” nhưng vẫn đang tìm “thuốc”

Năm 2023, bình quân mỗi ngày Sở Tài nguyên và môi trường tiếp nhận khoảng 1.300 hồ sơ thủ tục liên quan đến đất đai, tỷ lệ giải quyết đúng hạn khá cao. Tuy nhiên, lãnh đạo sở chia sẻ vẫn chưa thể hài lòng vì vẫn còn những cán bộ chưa làm hết trách nhiệm và người dân chưa thực sự hài lòng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đặng Minh Đức đánh giá, vẫn còn một số cán bộ ở các văn phòng cấp huyện, thậm chí là cấp sở chưa thực sự vì dân. Khi gặp hồ sơ khó giải quyết, có trường hợp không tập trung nghiên cứu xử lý, hay xin ý kiến lãnh đạo, dẫn đến trễ hẹn.

Ông Đức dẫn chứng cụ thể: “Có hồ sơ trễ hẹn bị người dân phản ánh lên lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc sở yêu cầu kiểm tra thì xử lý được ngay. Thực tế hồ sơ này không khó, cũng không vướng quy định mà là do tinh thần trách nhiệm của cán bộ làm chưa đến nơi đến chốn”.

Chậm trễ trong phối hợp thẩm định hồ sơ của các sở, ngành, địa phương đang làm ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Phản ánh tình trạng này, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Đoàn Thị Ngọc Vân cho hay, theo quy định của Luật Đầu tư và quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, thời gian các sở, ngành có ý kiến thẩm định hồ sơ một cửa là 15 ngày, nhưng phần lớn đều trễ hạn. Cá biệt có UBND cấp huyện thẩm định hồ sơ trễ 2-3 tháng trở lên, dẫn đến việc sở chủ trì hồ sơ không đủ cơ sở để thẩm định trình hồ sơ báo cáo UBND tỉnh.

Còn Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Trương Thị Kim Huệ cho hay, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép thành lập một trường trung học phổ thông tư thục tại phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa) cách đây một năm. Hồ sơ đề nghị nộp thuế đất để hoàn thành thủ tục xây dựng trường đã nộp tại Bộ phận một cửa của UBND thành phố Biên Hòa nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Bà Huệ cho hay: “Nếu sau 2 năm mà trường này vẫn chưa hoàn thành xây dựng trường, Sở Giáo dục và đào tạo phải tham mưu cho UBND thu hồi giấy phép thành lập trường, trong khi phường Trảng Dài đang rất cần một trường trung học phổ thông”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh: Không được giao khoán cho cấp phó và đùn đẩy trách nhiệm

Cần khắc phục dứt điểm tình trạng thiếu sâu sát lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và giao khoán cho cấp phó, công chức đối với công tác CCHC. Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ ban chỉ đạo CCHC tại đơn vị, địa phương. Tập trung khắc phục dứt điểm tình trạng đùn đẩy trách nhiệm của các phòng, ban chuyên môn, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị, địa phương.

* Siết trách nhiệm người đứng đầu

Đồng Nai đang đứng trước những cơ hội phát triển mới nhưng cũng đứng trước nguy cơ bị “tụt” lại phía sau do nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang có những bứt phá mạnh mẽ trong hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư. Xác định CCHC là khâu đột phá nên thời gian qua, tỉnh đã có những chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Ở một số cuộc kiểm tra, giám sát thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức, chưa kiện toàn củng cố ban chỉ đạo CCHC ở cơ sở để hoạt động hiệu quả, thực chất hơn.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ cho hay, qua kiểm tra còn tình trạng người đứng đầu chưa sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Một số ban chỉ đạo CCHC cấp huyện hoạt động chưa hiệu quả vì chủ yếu dựa vào đề xuất của Văn phòng HĐND - UBND và phòng nội vụ cấp huyện. Trong khi tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính, nhưng ở các phường, xã, việc trang bị các thiết bị còn bất cập; có nơi không trang bị máy tính, máy quét hình ảnh hay có máy tính không có kết nối mạng internet…

Kiến nghị các giải pháp cải thiện CCHC năm 2024, lãnh đạo nhiều sở, ngành, địa phương cho rằng, cần ý thức tự giác và trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Công tác kiểm tra, giám sát là rất cần thiết, nếu phát hiện đơn vị nào xảy ra buông lỏng công tác này thì phải xử lý người đứng đầu và cán bộ có sai phạm.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư cho rằng, UBND tỉnh cần xem xét, bố trí lịch họp với các sở, ngành, địa phương để thống nhất chủ trương xử lý đối với trường hợp có ý kiến thẩm định hồ sơ trễ so với quy định.

Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đặng Minh Đức đề nghị: “Kiểm tra đột xuất là giải pháp tốt, khi có cán bộ sai phạm phải thay ngay, xử lý cả trách nhiệm người đứng đầu”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều