Mới đây, UBND tỉnh đã công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện năm 2023. Chỉ số của mỗi đơn vị cao, thấp khác nhau nhưng chỉ được xếp thành 2 loại đánh giá xuất sắc và tốt.
Nhân viên công nghệ thông tin Trung tâm điều hành thông minh TP.Biên Hòa đang hỗ trợ các phòng, ban xử lý dữ liệu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: C.NGHĨA |
Việc xếp loại CCHC chỉ với 2 mức xuất sắc và tốt liệu có thực sự phản ánh đúng thực tế và có tạo ra động lực thúc đẩy các sở, ban, ngành, địa phương nỗ lực nhiều hơn trong công tác này? Hơn nữa, trong nhiều năm trở lại đây, không chỉ có chỉ số CCHC mà nhiều chỉ số quan trọng khác của Đồng Nai so với cả nước đang ở mức trung bình và thấp.
Đã thực sự yên tâm?
Từ năm 2020, tỉnh đã ban hành Bộ chỉ số CCHC các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Việc đánh giá chỉ số này được phân thành 2 nhóm, trong đó nhóm 1 gồm 17 sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh và nhóm còn lại là 11 đơn vị UBND cấp huyện (gồm 9 huyện và 2 thành phố Biên Hòa, Long Khánh).
Theo Bộ chỉ số CCHC các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện năm 2020 được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 1810/QĐ-UBND ngày 3-6-2020, việc đánh giá chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện dựa trên 8 nhóm lĩnh vực gồm: công tác chỉ đạo và điều hành CCHC; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng chính quyền điện tử và chính quyền số; đánh giá tác động của CCHC. Bộ chỉ số CCHC của tỉnh áp dụng cũng có nhiều tiêu chí tương đồng với bộ chỉ số của Chính phủ áp dụng nhiều năm nay.
Lo nhiều chỉ số chậm được cải thiện
Năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Nai đứng ở vị trí 29/63 tỉnh, thành trong cả nước. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng ở nhóm tỉnh có chỉ số trung bình thấp; còn chỉ số CCHC (PAR Index) đứng ở vị trí 51/63 tỉnh, thành. Dự kiến đầu tháng 3 năm nay, các bộ, ngành trung ương sẽ công bố các chỉ số xếp hạng năm 2023 của 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Nhìn vào kết quả xếp loại chỉ số CCHC các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện năm 2023 của tỉnh mới công bố rõ ràng là khá “yên tâm” về công tác này. Lý do, các sở, ban, ngành và địa phương đều được xếp loại xuất sắc và tốt trong công tác CCHC, không có đơn vị bị xếp loại trung bình hay yếu.
Chẳng hạn, trong 17 đơn vị cấp sở, ban, ngành được xếp loại thì có 10 đơn vị được xếp loại xuất sắc và 7 đơn vị xếp loại tốt. Còn ở nhóm xếp hạng 11 UBND cấp huyện, kết quả xếp loại cũng chỉ có 2 loại xuất sắc và tốt. Cụ thể, có 5 UBND cấp huyện được xếp loại xuất sắc, 6 UBND cấp huyện xếp loại tốt.
Cần nâng cao các tiêu chí đánh giá
Việc tỉnh sớm ban hành bộ chỉ số CCHC hành chính các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong những năm qua là rất cần thiết nhằm “lượng hóa” mức độ hoàn thành công tác này của từng đơn vị. Sau mỗi năm, các đơn vị, địa phương có cái nhìn tổng thể hơn về mức độ hoàn thành công tác này, từ đó có các giải pháp cải thiện năm sau tốt hơn năm trước. Tuy nhiên, nếu xếp loại CCHC chưa có tính phân loại cao mà chỉ dừng lại ở 2 mức xuất sắc và tốt thì khó tạo ra động lực cho các đơn vị, địa phương cải thiện mạnh mẽ hơn nữa công tác này.
Nếu so sánh mức độ xếp loại CCHC của tỉnh tự xếp loại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện hàng năm với kết quả đánh giá chỉ số CCHC của tỉnh so với các tỉnh, thành phố trên cả nước, thực sự còn nhiều băn khoăn. Trong khi các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện của tỉnh đều được xếp loại CCHC ở mức xuất sắc và tốt thì ở mức đánh giá rộng hơn, nhiều năm qua kết quả này của tỉnh chỉ đạt mức thấp. Cụ thể, năm 2021 Đồng Nai xếp thứ 55/63 tỉnh, thành (giảm 21 bậc so với năm 2020); năm 2022 Đồng Nai đứng thứ 51/63 tỉnh, thành phố, tăng được 4 bậc.
Nhìn vào kết quả xếp hạng CCHC của tỉnh, một tỉnh công nghiệp có đóng góp ngân sách lớn cho cả nước trong những năm gần đây, cho thấy còn nhiều trăn trở. Lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương để “mổ xẻ” những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC ảnh hưởng đến chỉ số xếp loại của tỉnh so với cả nước, từ đó có các giải pháp quyết liệt hơn để cải thiện. Nhiều cuộc kiểm tra, giám sát cũng được tỉnh thực hiện tại các sở, ban, ngành, địa phương nhằm chấn chỉnh kịp thời công tác CCHC, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Đơn cử như năm 2023, HĐND tỉnh đã giám sát công tác CCHC tại 3 đơn vị UBND cấp huyện là: Biên Hòa, Long Khánh và Xuân Lộc. Qua công tác giám sát, ngoài những mặt đã có chuyển biến, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập được các thành viên đoàn giám sát chỉ ra. Chẳng hạn, còn tình trạng hồ sơ dù đã được nhận nhưng vẫn bị trả đi, trả lại. Hay còn tình trạng “cò” hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa, một người cầm nhiều bộ hồ sơ ngồi giải quyết một lúc khiến người khác phải chờ lâu mới tới lượt…
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin