Trên mạng xã hội, các thế lực thù địch gần đây đăng các bài viết xuyên tạc một số nội dung tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, qua đó mong muốn gây rối, tạo khó khăn trong công tác quản lý, điều hành đất nước, với mục đích cuối cùng là chống phá Quốc hội, Đảng và Nhà nước ta.
Một số trang mạng xã hội đưa tin sai sự thật, cắt ghép ảnh tạo tin giả, thông tin xuyên tạc về kỳ họp Quốc hội. Ảnh chụp từ màn hình |
Cụ thể, sau khi đưa thông tin sai lệch, cắt ghép hình ảnh, tạo tin giả về một số vụ việc được dư luận quan tâm xung quanh kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đối tượng thù địch xuyên tạc rằng: “Không còn những tiếng nói trung thực, Quốc hội trở nên đìu hiu”, hoặc “Không chịu sửa Luật Đất đai, Đảng và nhóm lợi ích lại chiến thắng nhân dân”…
* Kết quả kỳ họp đáp ứng yêu cầu thực tiễn, được cử tri và nhân dân đồng tình, đánh giá cao
Tại hội nghị Báo cáo viên tháng 12, tổng kết công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức mới đây, Phó tổng thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần đã báo cáo thông tin chuyên đề Những kết quả quan trọng của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Ngần nêu rõ: “Có thể khẳng định, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra và sự quan tâm của cử tri, nhân dân, được cử tri và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Các nội dung nghị sự, các quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của nhiệm kỳ khóa XV”.
Điều 69 Hiến pháp năm 2013 xác định vị trí, tính chất của Quốc hội trong bộ máy nhà nước là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với vị trí và tính chất như vậy, Quốc hội có các chức năng cơ bản là: thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Các chức năng nói trên của Quốc hội được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội được quy định tại điều 70 Hiến pháp năm 2013. Như vậy, hoạt động của Quốc hội được quy định chặt chẽ, theo đúng quy định. Những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đều không có cơ sở. |
Theo đó, sau 22,5 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23-10 đến ngày 10-11-2023; đợt 2 từ ngày 20-11 đến ngày 29-11-2023), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn tập trung thảo luận, giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao. Trong các phiên họp của kỳ họp, đã có 1.103 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ; có 1.099 lượt đăng ký với 601 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 121 lượt đại biểu tranh luận tại 29 phiên thảo luận tại hội trường.
Đặc biệt, trong 2,5 ngày của phiên chất vấn, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký và 152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ và các vị bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 với 21 lĩnh vực thuộc 4 nhóm nội dung: kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội. Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV triển khai Phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức này. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn đúng với tính chất “giám sát sau giám sát”, có ý nghĩa quan trọng trong việc đặt ra giải pháp thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của nửa nhiệm kỳ còn lại. Qua chất vấn cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, tạo sự chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn, trong đó xác định rõ địa chỉ, phạm vi thời gian và trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, kịp thời khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém, tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn.
Có thể thấy, các đại biểu Quốc hội đã đại diện cho tiếng nói nhân dân cả nước để tích cực và trách nhiệm trong việc đề đạt, nêu ý kiến đề xuất, kiến nghị, chất vấn với số lượng và chất lượng đều được cụ thể hóa. Việc các thế lực thù địch tung các luận điệu xuyên tạc, cho rằng “Quốc hội trở nên đìu hiu” hoàn toàn không có cơ sở, qua đó cho thấy mục đích của các clip chống phá là nhằm tiêm nhiễm nội dung xấu, độc vào những người chỉ nghe và tin theo thông tin một chiều, sai lệch.
* Bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật trình Quốc hội
Cũng theo thông tin chuyên đề Những kết quả quan trọng của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại hội nghị Báo cáo viên tháng 12, tổng kết công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, về vấn đề lập pháp, các đại biểu Quốc hội đã phân tích, thảo luận đối với nhiều vấn đề quan trọng, nhất là các chính sách mới được đề xuất, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, bảo đảm thể chế đầy đủ, kịp thời các nghị quyết của Trung ương, các đòi hỏi của thực tiễn trên tinh thần quán triệt nguyên tắc: những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn có nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, có thể thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 2 dự án luật này, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định chưa xem xét, thông qua tại Kỳ họp này để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp gần nhất.
Như vậy, có thể thấy, lý do Quốc hội chưa thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông tin rõ ràng, minh bạch và công khai trên các phương tiện truyền thông và cử tri cả nước. Do đó, người dân hoàn toàn không nên nghe những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề này. Với ý đồ thâm độc, chúng sẵn sàng tung những thông tin sai trái, cắt ghép hình ảnh, dàn dựng clip, tạo tin giả trên các nền tảng mạng xã hội để không ngừng kích động tâm lý người dân đối với những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm.
Không khí thảo luận tại kỳ họp Quốc hội dân chủ, sôi nổi Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng sát thực tế, phù hợp tâm tư, nguyện vọng của cử tri cả nước. Một trong số đó là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức thảo luận tại hội trường về kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023, qua đó thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội. Đại diện HĐND của 63 tỉnh, thành phố cũng đã tham gia dự thính để theo dõi trực tiếp một số phiên họp toàn thể của Quốc hội. Ngoài ra, công tác điều hành của chủ tọa các phiên họp khoa học, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả, sát diễn biến thực tế, hướng đại biểu tập trung vào những vấn đề trọng tâm, được cử tri và dư luận quan tâm để từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ hiệu quả, tạo được không khí thảo luận dân chủ, sôi nổi… |
Lâm Viên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin