Từ ngày 12 đến 13-12, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân đã thăm cấp nhà nước đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN |
Trong khi truyền thông Việt Nam và quốc tế thông tin đầy đủ, khách quan, trung thực về ý nghĩa, kết quả chuyến thăm thì các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị nhân cơ hội này đưa ra những luận điệu chống phá, xuyên tạc ý nghĩa, kết quả của chuyến thăm; đồng thời, qua đó xuyên tạc quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam - Trung Quốc, cũng như đường lối ngoại giao của Việt Nam.
* Nhiều luận điệu xuyên tạc trên mạng xã hội
Những ngày trước, trong và sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, trên một số trang mạng xã hội, các thế lực thù địch đã có nhiều bài viết xuyên tạc về quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Trang S. dù đang bị Facebook “cấm sóng”, không cho đăng tải video do vi phạm những nguyên tắc cộng đồng đã lập tức mở một trang mới, thực hiện các clip chống phá và dẫn đường link về page cũ vốn có lượng người theo dõi “khủng”. Những ngày gần đây, nhân vật S. này liên tục thực hiện “bàn tròn bình luận” về chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam với các tiêu đề như: “Đánh giá chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình - Chuyến công du của ông Tập tại Việt Nam - ai lợi ai thiệt?”, “Thấy gì khi Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam. Xung đột biển Đông”.
Các trang v., b…, t… ở nước ngoài cũng không đứng ngoài sự kiện truyền thông quan trọng này khi liên tục thực hiện clip bình luận mang nội dung xuyên tạc, chống phá về sự kiện trên.
* “Vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại”
Trong thời gian chuyến thăm Việt Nam từ ngày 12 đến 13-12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các cuộc hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Nội dung tuyên bố chung khẳng định: “Nhằm kế thừa và phát huy truyền thống hữu nghị “mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”, tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại”.
Rõ ràng, mục đích, ý nghĩa cũng như kết quả, thông điệp của chuyến thăm đều hướng đến “hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại”. Chỉ những đối tượng mang tư tưởng chống đối, thù địch mới suy diễn, bịa đặt trắng trợn thực tế quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Mục đích của các đối tượng thù địch không gì khác hơn là tiêm nhiễm, lan truyền những “vectơ” xấu độc để người nghe hiểu sai về bản chất vấn đề, cũng như mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, xuyên tạc về đường lối đối ngoại của Việt Nam, từ đó không ngừng gieo rắc những lời lẽ kích động, chống phá. Đây chính là trường hợp điển hình của âm mưu “diễn biến hòa bình” mà bấy lâu nay các thế lực này vẫn thường xuyên sử dụng.
Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương NGÔ LÊ VĂN nhấn mạnh: “Các cấp cần kiểm soát tốt truyền thông, không để các đối tượng xấu, các thế lực thù địch lợi dụng kích động chống phá quan hệ hai nước”. |
Tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều 14-12, một số cơ quan báo chí đặt câu hỏi với Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng về Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm của cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân; đặc biệt là nội hàm của việc hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng một lần nữa khẳng định: “Hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Hai bên cũng nhất trí cho rằng phát triển quan hệ giữa hai nước cần tuân thủ Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế; kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; kiên trì giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình. Đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới".
Câu trả lời của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cũng là lời khẳng định đập tan mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc của “những nhà quan sát” luôn thường trực quan điểm chống phá, thù địch.
* Một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của nước ta trong năm 2023
Thực tế thời gian qua, mọi thủ đoạn, lý lẽ bịa đặt của các thế lực thù địch chống phá đều thất bại trước sự kiên định, nhất quán về chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam: “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”, “Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương LHQ và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. Và như thế, Tuyên bố chung lần này tiếp tục khẳng định cụ thể chủ trương, chính sách ngoại giao của Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị báo cáo viên tháng 12, tổng kết công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Lâm Viên |
Tại hội nghị báo cáo viên tháng 12, tổng kết công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 vào ngày 8-12 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức theo hình thức trực tuyến, Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn đã thông tin nhanh về chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Theo đồng chí Ngô Lê Văn, năm 2008, Việt Nam - Trung Quốc đã thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đây là khuôn khổ quan hệ đối ngoại cao nhất mà ta thiết lập với các đối tác. Sau 15 năm triển khai khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt - Trung phát triển tích cực, có nhiều điểm sáng và mang tính toàn diện... “Chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Phu nhân có ý nghĩa rất quan trọng, một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của nước ta trong năm 2023. Chuyến thăm có ý nghĩa rất lâu dài đối với quan hệ hai nước” - đồng chí Ngô Lê Văn nêu rõ.
Nhờ thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn, nên “quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao”; “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”… Do đó, mỗi người dân trước những thông tin xấu độc càng cần phải củng cố niềm tin, chung sức đồng lòng cùng Đảng và Nhà nước bảo vệ và phát huy các thành quả cách mạng nói chung và thành tựu đối ngoại nói riêng; đồng thời không tin, không nghe theo những quan điểm xấu độc, thâm hiểm mà các đối tượng thù địch truyền tải.
Lâm Viên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin