Theo Cục Chính trị Quân khu 7, tính từ tháng 5-2023 đến nay, trên địa bàn Quân khu 7 đã phát hiện khoảng 70 vụ việc mạo danh, giả danh cán bộ, nhân viên quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản được người dân trình báo các cơ quan chức năng.
Cán bộ quân sự của H.Long Thành tuyên truyền, hướng dẫn người dân cảnh giác tình trạng giả mạo cán bộ quân đội lừa đảo |
Do đó, cần phải tăng cường phòng chống, nâng cao cảnh giác; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân để chung tay phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng giả danh, mạo danh quân đội để lừa đảo.
Diễn biến phức tạp
Chủ Cửa hàng phân bón Duy Sáu (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) Nguyễn Duy Sáu cho hay, chỉ trong thời gian một tháng đã có đến 3 lần ông bị các đối tượng giả danh sĩ quan quân đội ở H.Xuân Lộc gọi điện thoại đặt mua gần 10 tấn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho đơn vị.
Thấy có dấu hiệu nghi ngờ và nhiều tình tiết đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, chủ cửa hàng Duy Sáu đã cảnh giác, chủ động liên hệ cho cơ quan chức năng để xác minh và kết quả là không có đơn vị quân đội nào đặt mua số hàng trên.
Bộ CHQS tỉnh khuyến cáo người dân khi nhận điện thoại hoặc tin nhắn tự xưng “chỉ huy, quản lý” của con, em gia đình đang công tác trong quân đội để thông báo liên quan đến vi phạm kỷ luật và đề nghị chuyển tiền đền bù thiệt hại… cần bình tĩnh, thận trọng tìm hiểu, xác minh rõ ràng và tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản khi chưa biết rõ thông tin.
“Tôi rất mong các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng giả danh quân đội để lừa đảo người dân. Từ đó nâng cao cảnh giác, tránh bị đối tượng giả danh cán bộ, nhân viên quân đội lừa đảo, gây thiệt hại tài sản và ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ” - ông Sáu nói.
Tương tự, vào ngày 9-7, một đối tượng xưng là Mạnh Bảo, cán bộ Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) H.Xuân Lộc gọi đến số điện thoại của bà Nguyễn Thị Thiết (chủ Cơ sở dịch vụ nấu ăn Hương Quê, ở ấp Thọ Bình, xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc) đặt 9 bàn tiệc với số tiền gần 19 triệu đồng. Để tạo lòng tin, đối tượng này đặt cọc 500 ngàn đồng và yêu cầu chở số thực phẩm trên đến H.Xuân Lộc sẽ có người nhận và thanh toán số tiền còn lại. Sau khi làm xong 9 bàn tiệc, bà Thiết đưa đến Ban CHQS H.Xuân Lộc mới biết bị các đối tượng lừa đảo, vì đơn vị không có cán bộ nào tên như trên và không có nhu cầu đặt tiệc.
Gần nhất, vào ngày 12-11, đối tượng tự xưng Đỗ Xuân Anh, công tác tại Ban CHQS H.Cẩm Mỹ gọi điện cho bà Nguyễn Thị Th. (chủ một tiệm tạp hóa ở TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ) đặt mua dầu ăn, bột giặt… trị giá khoảng 5 triệu đồng và yêu cầu giao đến trụ sở Ban CHQS H.Cẩm Mỹ.
Đến sáng 13-11, đối tượng này tiếp tục gọi điện đặt thêm 700 hộp cá trị giá khoảng 60 triệu đồng và 5 chai rượu ngoại khoảng 65 triệu đồng. Khi chủ quán cho biết 2 mặt hàng này không có thì đối tượng giả danh cán bộ quân đội giới thiệu nơi bán, đồng thời cho số điện thoại để bà Th. liên hệ. Khi liên hệ, bà Th. được đầu dây bên kia yêu cầu phải đặt cọc bằng cách chuyển khoản trước 31,5 triệu đồng. Thấy có dấu hiệu nghi ngờ, bà Th. đã báo cho Ban CHQS H.Cẩm Mỹ xác minh, kết quả không có cán bộ nào tên Đỗ Xuân Anh đặt mua những mặt hàng trên; đồng thời, giải thích, hướng dẫn bà Th. đến cơ quan công an trình báo.
Đề phòng, nâng cao cảnh giác
Theo Bộ CHQS tỉnh, từ tháng 7-2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 32 vụ mạo danh, giả danh cán bộ, nhân viên quân đội để lừa đảo, trong đó có 3 nạn nhân “sập bẫy” với số tiền gần 300 triệu đồng. Cách thức đối tượng lừa đảo là sử dụng hình ảnh quân nhân mặc quân phục khi giao dịch bằng Zalo để tạo niềm tin khiến nạn nhân mất cảnh giác. Từ đó, chúng dẫn dụ người dân thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.
Trong hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí mới đây, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác, tăng cường phòng, chống nạn mạo danh, giả danh quân đội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo ban CHQS các địa phương và các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền trên phương tiện báo chí, hệ thống truyền thanh đến tận xã, ấp để người dân hiểu rõ, nắm chắc các hành vi, phương thức, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo; kịp thời ngăn chặn, bảo vệ người dân không bị sập bẫy các đối tượng.
Đại tá Nguyễn Như Trúc, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 cho rằng, cùng với tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng như: Tuyên giáo, Thông tin - truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, công an cung cấp, thống nhất các nội dung thông tin, tuyên truyền cho nhân dân để nâng cao hơn nữa nhận thức, hiểu biết và cảnh giác thủ đoạn, phương thức hoạt động của các đối tượng lừa đảo; nhất là các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, điện thoại và những hình thức khác.
Bên cạnh đó, để tránh bị lừa đảo, Quân khu 7 và Bộ CHQS tỉnh đề nghị người dân khi nhận những cuộc điện thoại lạ tự xưng quân nhân hoặc sĩ quan quân đội trao đổi thông tin, đặt hàng, mua bán… phải tìm hiểu, xác minh kỹ trước khi giao dịch. Khi thấy nghi vấn phải báo ngay cho cơ quan quân sự, công an gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
Nguyệt Hà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin