Thời gian qua, phong trào thi đua dân vận khéo (DVK) trên địa bàn H.Trảng Bom được cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong toàn huyện triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, qua đó xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân nỗ lực hành động vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân.
Bà Trần Thị Liễu thăm hỏi, giúp đỡ người già có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Ảnh: P.Hằng |
Những điển hình DVK trên địa bàn huyện có ở tất cả các lĩnh vực, ở các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng quê hương phát triển.
* Quan tâm giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn
Cách đây 46 năm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Quảng Hòa (xã Quảng Tiến) Trần Thị Liễu cùng gia đình rời quê hương Nam Định vào lập nghiệp tại Trảng Bom. Lúc đầu lập nghiệp ở vùng đất mới, bà và gia đình phải làm đủ nghề để kiếm sống. Nhờ sự cần cù trong lao động, gia đình bà từng bước ổn định về kinh tế. Hiện gia đình bà đã thành lập được cơ sở nuôi trồng nấm linh chi, đông trùng hạ thảo tại ấp Quảng Hòa. Cơ sở của gia đình bà đang tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, gia đình bà còn trích 10-15% lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để làm công tác thiện nguyện.
Đối với vai trò cán bộ hội phụ nữ, bà Liễu luôn suy nghĩ triển khai các hoạt động thiết thực nhằm thu hút, tập hợp đông đảo phụ nữ trong ấp tham gia tổ chức hội.
Trước tiên, để tạo uy tín với hội viên, bà Liễu và con cháu trong gia đình luôn gương mẫu đi đầu trong chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tích cực học tập, tìm hiểu các vấn đề của xã hội, của đất nước, địa phương để chị em trong hội có vướng mắc thì giúp đỡ, giải thích trong khả năng hiểu biết của bà. Như thời gian qua, với vai trò chi hội trưởng phụ nữ ấp, bà đã dành nhiều thời gian, công sức để hướng dẫn chị em Tổ phụ nữ Công giáo, chi hội phụ nữ ấp và bà con khu dân cư về cài đặt phần mềm VNeID; điều chỉnh một số thông tin bị sai trên các giấy tờ hành chính...
Với những hoạt động thiết thực vì cộng đồng, vì tổ chức hội, bà Liễu luôn nhận được sự tín nhiệm của người dân địa phương nói chung và chị em phụ nữ trong ấp nói riêng. Nhiều chị em có mâu thuẫn, xích mích trong gia đình đều nhờ bà Liễu hòa giải, đem lại bình yên trong các gia đình và khu dân cư.
* Trách nhiệm với công việc
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Cảnh sát nhân dân, năm 2015, thượng úy Vi Hữu Toàn về công tác tại Công an H.Trảng Bom. Để nhanh chóng bắt nhịp với công việc, thượng úy Toàn chịu khó nghiên cứu các văn bản, học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước, vận dụng linh hoạt giữa kiến thức được học tập tại trường và kinh nghiệm thực tiễn để tham mưu, đề xuất với lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Trong đó, với nhiệm vụ được phân công là xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, thượng úy Toàn đã đề xuất cho những trường hợp là người chấp hành xong án phạt tù về địa phương được vay vốn từ Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự tỉnh để có vốn sản xuất, chăn nuôi, sớm ổn định cuộc sống, góp phần ngăn chặn nguồn gốc phát sinh tội phạm và tích cực tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, thượng úy Toàn còn được phân công phụ trách địa bàn xã Bàu Hàm - một xã có dân cư sống rải rác, thường xuyên xảy ra trộm cắp tài sản, gây lo lắng cho nhân dân. Anh đã cùng đơn vị hướng dẫn công an xã tham mưu UBND xã củng cố đội dân phòng của xã; phân công các lực lượng tuần tra ban đêm các khu vực vườn, rẫy của người dân, nhất là vào mùa thu hoạch nông sản. Anh tham mưu chế độ chính sách, công cụ hỗ trợ cho lực lượng dân phòng..., tạo điều kiện cho họ yên tâm, tích cực thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, tình hình trộm cắp nông sản trên địa bàn xã giảm, người dân yên tâm lao động sản xuất.
Với những nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, thượng úy Vi Hữu Toàn đã được trao tặng nhiều bằng khen, giải thưởng của Bộ Công an, UBND tỉnh và các cấp, ngành. Trong đó, năm 2023, thượng úy Vi Hữu Toàn được tuyên dương là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cụm Đông Nam bộ lần thứ XVI.
Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Trảng Bom Lê Thanh cho biết, hiện tất cả các cơ quan, đơn vị trong huyện đều đăng ký thực hiện mô hình, điển hình DVK. Các mô hình tập trung vào thực hiện các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, ngoài ra còn có các mô hình trên lĩnh vực kinh tế; văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Các mô hình DVK đã phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đến nay, Trảng Bom có 10/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xã Trung Hòa được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Phương Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin