Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 67 năm Ngày phá Khám Tân Hiệp (1956-2023):
Cuộc vượt ngục lịch sử

Nguyệt Hà
08:21, 02/12/2023

67 năm trước, ngày 2-12-1956, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (CSCMBĐBTĐ) tại Nhà lao Tân Hiệp đã nổi dậy vượt ngục tìm cách trở về với cách mạng, tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù.

Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (giữa) cùng các chiến sĩ cách mạng và con cháu họ tại Đại hội CLB Tiếp nối truyền thống tỉnh. Ảnh: N.Hà

Gần 70 năm trôi qua, cuộc phá Khám Tân Hiệp mãi là dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam Việt Nam. Các CSCMBĐBTĐ ngày ấy giờ người mất, người còn, nhưng mỗi lần được gặp lại nhau, tình đồng chí, động đội, kỷ niệm về ngày 2-12 năm ấy vẫn còn như nguyên vẹn…

* Dấu son không phai mờ

Chia sẻ về kỷ niệm này, Chủ tịch Hội CSCMBĐBTĐ tỉnh Trần Thị Hòa kể lại, cuộc phá Khám Tân Hiệp (Nhà lao Tân Hiệp ngày nay) diễn ra cách đây 67 năm thực sự là cuộc nổi dậy quy mô lớn, có Đảng lãnh đạo, được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong cuộc vượt ngục đó, 462 chiến sĩ đã thoát khỏi sự giam cầm của địch, trở về với Đảng, với nhân dân để tiếp tục đấu tranh. 22 đồng chí mãi mãi nằm lại với đất mẹ, gửi lại tuổi xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hầu hết những người bị địch bắt giam trong Nhà lao Tân Hiệp là đảng viên, là cán bộ tham gia kháng chiến, từ nhiều trại giam của địch ở khắp miền Nam được chúng chuyển đây để phân loại và đưa đi đày ở nơi khác. Để tập hợp lực lượng đấu tranh, tổ chức Đảng trong Nhà lao Tân Hiệp đã lãnh đạo tiến hành cuộc vượt ngục nổi tiếng, trở thành dấu son trong lịch sử đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Theo bà Trần Thị Hòa, tháng 2-1956, Chi bộ Nhà lao Tân Hiệp được thành lập. Đến tháng 7-1956, Đảng ủy nhà lao chính thức thành lập gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Trọng Tâm (Nguyễn Duy Đán) làm bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, hệ thống tổ chức Đảng ở Nhà lao Tân Hiệp đã hình thành tổ đảng và chi bộ ở các trại. Có sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc sinh hoạt và đấu tranh trong nhà lao được tổ chức chặt chẽ và có sự phối hợp nhịp nhàng.

Sáng 1-12, Hội CSCMBĐBTĐ tỉnh tổ chức dâng hương tưởng niệm anh linh các liệt sĩ hy sinh trong trận phá Khám Tân hiệp. Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Tất Độ, Chủ tịch Hội CSCMBĐBTĐ tỉnh Trần Thị Hòa và hội viên của Hội từ các địa phương dự lễ.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu đã dâng hương, tràng hoa và dành phút mặc niệm tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh trong cuộc phá Khám Tân Hiệp và các liệt sĩ bị giam cầm đã hy sinh tại Nhà lao Tân Hiệp trong cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.

Với tâm niệm “Sống vĩ đại, chết vinh quang”, Đảng ủy Nhà lao Tân Hiệp đã bí mật xin chỉ thị của Liên Tỉnh ủy miền Đông, Ban Binh vận Xứ ủy cho phép tổ chức một cuộc phá khám nhằm mau chóng thoát khỏi nhà tù, tố cáo tội ác của Mỹ - ngụy cho nhân dân yêu hòa bình thế giới và nhân dân cả nước được biết.

Trao đổi với các CSCMBĐBTĐ và con, cháu của họ trong Đại hội các CLB Nối tiếp truyền thống tỉnh thuộc Hội CSCMBĐBTĐ tỉnh mới đây, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (từng bị giam tại Nhà lao Tân Hiệp) nhớ lại, vào lúc 17 giờ 50 chủ nhật 2-12-1956, bọn địch gõ kẻng để đổi phiên gác và các tù nhân chuẩn bị vào trại. Đây là lúc sơ hở vì 18 giờ mới đổi phiên, bọn lính bảo an nhận ca gác thường lơ là khi hết giờ canh gác.

Khi đồng chí Nguyễn Văn Chuộng (Sáu Chuộng, một đảng viên được Đảng ủy cử làm tổng đại diện Nhà lao Tân Hiệp) cởi áo trắng phất ra ám hiệu, các mũi xung kích nhanh chóng tiến thẳng đến các mục tiêu đã được phân công. Đội xung kích lập tức triển khai khống chế giám đốc trại giam và bọn giám thị, cắt đứt điện thoại, xung phong cướp kho súng và mở cổng... Đoàn người từ các trại chạy ào ra cổng đông như nước vỡ bờ, vượt qua sân bóng, suối Đồng Tràm, chạy qua các ngả đường, tỏa về các hướng nhằm tránh tai mắt của kẻ thù...

“15 phút đầu, ta hoàn toàn làm chủ tình hình; bọn lính trong nhà tù bị ta tấn công bất ngờ vô cùng hoảng hốt, chỉ lo bảo toàn tính mạng nên chưa kịp chống trả. Hơn 15 phút sau, chúng trấn tĩnh, vội vàng nổ súng truy đuổi. Địch ở một số lô cốt đã dùng súng trung liên bắn xối xả ra hướng cổng trại và các CSCMBĐBTĐ đang chạy khiến nhiều người bị thương và 22 người hy sinh, trong đó có nhà báo Dương Tử Giang” - bà Trương Mỹ Hoa nhớ lại.

Cuộc nổi dậy phá Khám Tân Hiệp diễn ra trong 40 phút lịch sử. Trong cuộc vượt ngục này, đã có 462 tù nhân trong tổng số 1.872 người bị giam giữ tại Nhà lao Tân Hiệp chạy thoát, ta thu được 41 khẩu súng các loại, trong đó có 2 khẩu trung liên.

* Kế thừa truyền thống cha anh

Bà Trần Thị Hòa cho rằng, quá trình vượt ngục tìm về với cách mạng, các chiến sĩ chúng ta gặp vô vàn khó khăn, vì sức khỏe yếu, thiếu thốn lương thực, thuốc men, phải ăn rau dại, trái rừng, thậm chí phải nhịn đói nhiều ngày liền, lại bị kẻ thù truy đuổi; nhiều đồng chí bị lạc. Nhiều người vì quá kiệt sức phải nằm lại dọc đường chỉ kịp một lời nhắn gửi: “Tôi phải ở lại đây vì không còn sức đi nữa rồi! Khi nào khỏe lại, tôi sẽ tiếp tục đi. Nếu có hy sinh thì anh em báo lại với Đảng là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”. Nhiều đồng chí bị địch bắt trước khi bị hành quyết còn hô vang: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”…

Kế thừa xứng đáng truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông, trong cuộc tọa đàm 50 năm Ngày chiến thắng trở về của các cựu CSCMBĐBTĐ được Hội CSCMBĐBTĐ tỉnh tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác 19-5-2023, Phó bí thư Tỉnh đoàn Võ Văn Trung xúc động bày tỏ sự biết ơn với các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu, tuổi xuân cho độc lập của Tổ quốc.

Anh Võ Văn Trung cho rằng, tuổi trẻ Đồng Nai tiếp nối và kế thừa xứng đáng truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của các cô chú cựu CSCMBĐBTĐ. Noi gương các cô, các chú để nỗ lực vươn lên, phát huy tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ, góp phần xây dựng tỉnh Đồng Nai giàu mạnh, văn minh.

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều