(ĐN) - Đó là nội dung được Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức báo cáo tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, sáng 7-12.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức báo cáo tại kỳ họp |
Theo đó, dự kiến năm 2023, trong tổng số các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 10-12-2022 của HĐND tỉnh, có 9 chỉ tiêu vượt mục tiêu Nghị quyết, 14 chỉ tiêu đạt mục tiêu Nghị quyết, 8 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Cụ thể các chỉ tiêu dự kiến không đạt gồm:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 5,3% (mục tiêu 7,5-8,5).
GRDP bình quân đầu người đạt 139,7 triệu đồng/người/năm (mục tiêu 145-150 triệu).
Kim ngạch xuất khẩu giảm 11,73% (mục tiêu tăng 8-8,5%).
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 113,24 ngàn tỷ đồng (mục tiêu 116 ngàn tỷ đồng).
Tổng thu ngân sách đạt 58.035 tỷ đồng (mục tiêu đạt 65.865 tỷ đồng), đạt 94% dự toán.
Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 52%; Tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 50%
Kiềm chế làm giảm số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông (nghiêm trọng)
Tỷ lệ hệ thống thông tin trong cơ quan Nhà nước được phê duyệt theo cấp độ an toàn.
Thành viên đoàn giám sát của Quốc hội tìm hiểu về phát triển thị trường KH-CN tại Đồng Nai |
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cũng nêu rõ những nguyên nhân không đạt các chỉ tiêu đề ra. Đó là năm 2023, kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi xung đột, căng thẳng ở một số nơi trên thế giới. Kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thật sự bền vững. Lĩnh vực nông sản, chăn nuôi, thương mại dịch vụ và du lịch tăng khá; riêng xây dựng – công nghiệp chững lại. Lĩnh vực du lịch, logistic phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; dự án trọng điểm triển khai chưa đảm bảo đúng theo tiến độ đề ra.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ thực hiện lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Công tác quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ. Triển khai chương trình nhà ở xã hội có chuyển biến nhưng thủ tục chưa hoàn thành, chưa khởi công được dự án mới.
Quỹ đất trong khu công nghiệp đủ lớn để sẵn sàng thu hút nhà đầu tư tại khu công nghiệp còn thiếu. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Việc cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật các đô thị còn chậm, chưa đồng bộ. Hệ thống xử lý nước thải đô thị chưa được đầu tư đúng mức; công tác phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị tiềm ẩn yếu tố phức tạp, khó lường, tai nạn giao thông tăng. Tình hình lao động việc làm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với người lao động trình độ thấp, thiếu chuyên môn. Người lao động ở các đơn vị, địa phương xin nghỉ việc gia tăng, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
Lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh, việc thực hiện 4 nhiệm vụ đột phá còn chậm. Mặc dù các sở, ngành, UBND các huyện và các đơn vị của tỉnh tập trung, nỗ lực thực hiện các chương trình, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ đột phá, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng đến nay kết quả và tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp còn chậm so với yêu cầu đã đề ra.
* Cần hơn nữa sự vào cuộc, chung tay
Năm 2024, Đồng Nai đề ra 31 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 6,5-7% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 148 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng khoảng 8% so với năm 2023. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 124 ngàn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách đạt dự toán được giao.
Tỉnh phấn đấu sẽ có thêm ít nhất 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đạt 9,7 bác sĩ/vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%; hoàn thành và đưa vào sử dụng 715 căn nhà ở xã hội…
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh, cần có sự vào cuộc, chung tay quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị. Trong đó, chủ động điều hành đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách bền vững, chú trọng đẩy mạnh khai thác các nguồn thu nội địa, các nguồn thu từ đất; triệt để tiết kiệm chi, hạn chế sử dụng ngân sách cho việc mua sắm mới phương tiện, tài sản công theo quy định.
UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT chủ trì phối hợp với Sở TN-MT sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án di dời các nhà máy, xí nghiệp theo đề án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 hoàn thành trước tháng 12-2024; giai đoạn 2 hoàn thành trước tháng 12-2025. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện vận động di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh ngay từ đầu năm 2024, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra.
Mặt khác, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia có tính liên vùng của tỉnh như: dự án Đường vành đai 3, dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đồng thời, chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công trình, trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là các dự án chống ngập, các dự án cấp nước.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và nhu cầu thị trường lao động.
Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt công tác quản lý đất đai; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc LÊ KIM BẰNG:
Thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm
Để thực hiện đạt mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, tôi cho rằng lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, không nên dàn trải. Tập trung nhiều nhất là phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng các giải pháp đột phá để sang năm 2024 bước vào giai đoạn nước rút, đạt cho được các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Riêng H.Xuân Lộc sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực chính là hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đột phá phát triển trên lĩnh vực du lịch mà tập trung là lĩnh vực du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với dự án chiến lược là điểm du lịch Núi Chứa Chan, Hồ Núi Le.
Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG:
Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống
Sau gần 1 năm triển khai Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND ngày 10-12-2022 của HĐND tỉnh quy định chế độ hỗ trợ nguồn lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025, ngành Y tế Đồng Nai đã có sự ổn định về mặt nhân sự. Số lượng bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt hơn là tâm lý của nhân viên y tế đã được cải thiện rất nhiều. Nhân viên y tế cảm thấy an tâm và muốn gắn bó lâu dài với đơn vị, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều ngành nghề được hỗ trợ như ngành Y tế và sau khi kết thúc giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ tiếp tục có những hỗ trợ phù hợp cho nhân viên y tế.
Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy LÊ NGỌC MINH:
Cần giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông
Nhiều vấn đề dự kiến sẽ được chất vấn tại kỳ họp lần này như: việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu và nhân rộng mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn tại các chợ; về giải pháp kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh; về nâng cao chất lượng đề tài, dự án khoa học và công nghệ…
Tôi cho rằng, đây đều là những vấn đề rất được cử tri và nhân dân quan tâm. Trong đó, tôi quan tâm nhất là về giải pháp kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, bởi gần đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm nhiều người chết, bị thương. UBND tỉnh, các ngành chức năng phải làm rõ được nguyên nhân và giải pháp khắc phục được tình trạng này trong thời gian tới.
Lộc Dung - Thảo Lâm (ghi)
Hạnh Dung – Hồ Thảo
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin