(ĐN)- Sáng 9-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành.
Trước đó, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành và giải ngân số vốn hơn 2.510 tỷ đồng (trong đó bao gồm hơn 1.543 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và hơn 966 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2020) đến hết năm 2024.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường tại phiên họp sáng 9-11. Ảnh: QUOCHOI.VN |
* Tiến độ của dự án đạt gần 98,7%
Theo đó, Quốc hội thảo luận về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành.
Trình bày tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Xuân Thống (ĐBQH tỉnh Đồng Nai) nêu việc xin kéo dài thời gian dự án là để hoàn thành các cấu phần xây dựng. Tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 1 của Nghị quyết 53 đã quy định việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021, tính tới thời điểm hiện tại, dự án đã trễ hạn gần 2 năm.
Tuy nhiên, qua giám sát tại tỉnh, đại biểu thấy rằng, Đồng Nai đã có sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai các nội dung rất lớn của dự án này. Cụ thể, ngày 25-9-2017, Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 55 tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai thự hiện chủ trương đầu tư dự án Sân bay Long Thành để tập trung chỉ đạo triển khai các công việc với tinh thần “cả nước vì Đồng Nai, Đồng Nai vì cả nước” trong triển khai thực hiện các dự án, không có vùng cấm trong việc xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện dự án.
Tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện biệt phái 113 lượt cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh để tăng cường cho UBND H.Long Thành thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường của dự án. Đến nay, tiến độ của dự án đạt gần 98,7%.
Vì vậy, đại biểu Bùi Xuân Thống cho rằng, việc thu hồi phần diện tích còn lại không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giai đoạn 1 của dự án và chủ yếu việc xin kéo dài thời gian dự án là để hoàn thành các cấu phần xây dựng.
Đại biểu Bùi Xuân Thống cũng chỉ rõ có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ, kéo dài dự án. Đối với tác động của giai đoạn 1 của dự án, đại biểu khẳng định, hiện nay phần giai đoạn 1 gồm 2,5 ngàn ha đã được UBND tỉnh bàn giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để triển khai chứ không nên vì kéo dài dự án đến 2024 thì không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của giai đoạn 1. Và việc kéo dài này chỉ chủ yếu để hoàn thành các cầu phần xây dựng.
Đại biểu Bùi Xuân Thống phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUOCHOI.VN |
* Cử tri và nhân dân Đồng Nai mong mỏi dự án này hoàn thành sớm từng ngày
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất, bồi thường dự án Sây bay Long Thành, các đại biểu cho rằng quá trình thực hiện bị chậm, hầu như đều là những nguyên nhân khách quan, không có nguyên nhân chủ quan.
Đại biểu Trịnh Xuân An (ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, cử tri và nhân dân Đồng Nai mong mỏi dự án này được hoàn thành sớm từng ngày.
Về ý kiến cho rằng phần chuyển vốn chưa hợp lý, đại biểu phân tích, theo quy định tại Điều 68, Luật Đầu tư công, những nội dung này không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, không quy định việc chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn sau nên nếu quyết định chuyển phải qua thẩm quyền của Quốc hội. Đặc biệt, hiện nay chúng ta đang còn khoản kết dư trong ngân sách Đồng Nai, nếu cho chuyển thì Đồng Nai có thể sử dụng được ngay mà không làm tăng dự toán của năm 2024.
Thực tế, quyết định này có tiền lệ ở dự án Hồ Ka Pét ở Bình Thuận, Quốc hội cũng đã cho phép. Đại biểu cho rằng việc cho phép sẽ vừa phù hợp về thẩm quyền, vừa phù hợp về quy trình, thủ tục, không phát sinh những vấn đề lớn, ứng phó kịp thời trong tình hình cấp bách.
Về trách nhiệm, đại biểu cho biết, đây là dự án lớn, cả nước đang dõi theo, nên cần làm hết trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ. Thời gian qua, có những cán bộ vi phạm đã bị xử lý. Về nguyên nhân khách quan, đại biểu khẳng định dịch bệnh Covid-19 thực sự có ảnh hưởng nặng nề đến tiến độ triển khai dự án.
Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu tranh luận. Ảnh: QUOCHOI.VN |
* Tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan để rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại tổ và tại phiên thảo luận tại hội trường hôm nay đối với dự án này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguyên nhân tăng, giảm tổng mức đầu tư của dự án đã được UBND tỉnh Đồng Nai trình bày chi tiết trong báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh đã được Hội đồng Thẩm định nhà nước và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát bảo đảm đầy đủ cơ sở chính xác và trung thực theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai... UBND tỉnh Đồng Nai là chủ đầu tư chịu trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện.
Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng lý giải, ngoài các nguyên nhân khách quan như cơ quan chủ trì trình, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân chủ quan là do nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi, thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng, qua các góp ý của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan để từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để thời gian tới.
Về giải pháp triển khai, xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn tại sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, Bộ trường cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GT-VT, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm.
Tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư lập tiến độ thi công tổng thể, chi tiết, theo dõi, đôn đốc kịp thời, và có các biện pháp tăng cường. Nếu bị chậm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ theo dõi sát sao, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo theo các nội dung nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần để dự án triển khai đúng tiến độ.
Nội dung chi đào tạo nghề và giải quyết việc làm chưa được giải ngân
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (ĐBQH tỉnh Đồng Nai) bày tỏ thống nhất với việc kéo dài các nội dung tại Nghị quyết 53. Đề cập tới nội dung giải quyết đề án việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho người dân thuộc diện di dời, giải tỏa và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân ở khu vực bị thu hồi đất, đại biểu cho biết, thực hiện cái Quyết định số 1487 ngày 6-11-2018 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4-7-2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 2281 về việc phê duyệt đề án Đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống cho người dân trong vùng thuộc dự án Sân bay Long Thành. Với mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ miễn phí học phí cũng như học tập giáo dục phổ thông, đại học với kinh phí dự kiến khoảng trên 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 31-12-2022, nội dung chi đào tạo nghề và giải quyết việc làm chưa được giải ngân do giai đoạn 2019-2022, các hộ dân đã nhận quyết định thu hồi đất, nhận suất tái định cư để xây dựng nhà. Như vậy, bước đầu đã ổn định được cuộc sống nên chưa có nhu cầu đăng ký học nghề và giải quyết việc làm.
Đến thời điểm hiện tại, Sở LĐ-TBXH đã có kế hoạch và trung tâm giới thiệu việc làm cũng đã tổ chức được 3 sàn giao dịch với số lượng đăng ký nhu cầu là khoảng là 9.473 người, đã tư vấn việc làm cho 725 lượt người, tiếp nhận hồ sơ là 576 hồ sơ của người có nhu cầu giải quyết việc làm.
Thanh Hải
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin