Báo Đồng Nai điện tử
En

Phê phán quan điểm sai trái, phủ nhận chủ nghĩa xã hội khoa học

Lâm Viên
08:32, 15/11/2023

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (CNXH). Để đạt được mục tiêu này, một trong những việc cần làm là phải nhận thúc đúng về CNXH, về con đường đi lên CNXH trong trong bối cảnh mới hiện nay của nước ta.

Sáng 14-11-2023, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, tuyên truyền nội dung cuốn sách Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Sáng 14-11-2023, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, tuyên truyền nội dung cuốn sách Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, các thế lực thù địch quyết liệt chống phá từ nhiều phía, đặc biệt chống phá về CNXH khoa học. Chúng “tung” ra nhiều luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận CNXH khoa học nhằm xóa bỏ CNXH và con đường đi lên CNXH của nước ta.

* Lực lượng phản cách mạng luôn phủ nhận con đường phát triển xã hội chủ nghĩa

Khi nhận diện quan điểm sai trái, thù địch trong học phần CNXH khoa học trong tham luận gửi hội thảo khoa học mới đây do Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai tổ chức, giảng viên Nguyễn Ngọc Thắm, Khoa Lý luận cơ sở của Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai có nêu 3 vấn đề. Trong đó, vấn đề thứ hai được trình bày như sau: “Sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào, các lực lượng phản cách mạng luôn có giọng điệu phủ nhận con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, xem đây là con đường bế tắc, không có tương lai, “CNXH mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một CNXH “không tưởng”, “không bao giờ thực hiện được”. Trong nội bộ các đảng cộng sản, có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của CNXH, thậm chí mất niềm tin, “quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH. Từ đó họ cho rằng, chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác CNXH, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa”.

Có thể thấy, việc các thế lực thù địch tung ra các luận điệu sai trái là do không nắm được đầy đủ, toàn diện lý luận về CNXH khoa học nói riêng và chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung. CNXH là một thực thể khách quan luôn vận động, biến đổi, do đó lý luận về CNXH cũng phải bám sát thực tiễn, cần nghiên cứu và tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận cho phù hợp.

* Nguyên nhân sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu

Trong Giáo trình CNXH khoa học dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, có 3 giai đoạn phát triển của CNXH khoa học. Giai đoạn thứ nhất là C.Mác và Ph.Ăngghen phát triển CNXH khoa học gồm giai đoạn từ năm 1848 đến Công xã Pari năm 1871 và giai đoạn sau Công xã Pari đến khi Ph.Ăngghen mất năm 1895. Giai đoạn thứ hai là V.I.Lênin vận dụng và phát triển CNXH khoa học trong điều kiện mới gồm giai đoạn trước Cách mạng Tháng Mười Nga và giai đoạn sau Cách mạng Tháng Mười Nga đến khi Lênin mất năm 1924. Giai đoạn thứ ba là lý luận CNXH khoa học từ năm 1924 đến nay.

Theo đó, sau khi Lênin mất, I.V.Stalin kế tục là người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Nga và sau đó là Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng thời là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với Quốc tế III cho đến năm 1943. Nhờ tiếp tục vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH khoa học vào quá trình xây dựng CNXH hiện thực ở Liên Xô, nước này đã đạt được những thành tựu to lớn về nhiều mặt và nhanh chóng trở thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên toàn cầu, buộc thế giới phải thừa nhận và nể trọng. Tuy vậy, những thành tựu bước đầu đó đã tạo ra “bệnh kiêu ngạo cộng sản” dẫn đến việc vận dụng sai lầm chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH khoa học ở nhiều nước, khiến cho Liên Xô và một phần hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới dần lâm vào suy thoái, khủng hoảng trầm trọng. Mặt khác, chủ nghĩa đế quốc liên tục có chiến lược chiến thuật ngày càng thâm hiểm, toàn diện, nhất là “diễn biến hòa bình” làm cho chủ nghĩa cơ hội xét lại ngày càng biểu hiện công khai, nặng nề ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, đã làm cho một phần hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ vào năm 1991.

Từ năm 1991 đến nay, trên thế giới vẫn còn các nước xã hội chủ nghĩa hoặc nước có xu hướng tiếp tục theo CNXH như: Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào…

* Đề ra các chủ trương, chiến lược và sách lược đúng đắn

Theo giáo trình trên: “Sự thắng lợi, phát triển rực rỡ và sau đó là sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô có thể được coi là minh chứng cho sự thành công và thất bại của sự vận dụng, áp dụng các nguyên lý, quy luật của CNXH khoa học vào thực tiễn. Chừng nào và ở đâu, Đảng Cộng sản nhận thức đúng, sáng tạo hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà trong đó cách mạng đang vận động, để đề ra các chủ trương, chiến lược và sách lược đúng đắn vì mục tiêu xây dựng thành công CNXH, chừng đó và ở đó, cách mạng phát triển và thu được những thắng lợi. Trong trường hợp ngược lại, cách mạng sẽ lâm vào thoái trào và bị thất bại”.

Từ thực tiễn đổi mới của đất nước, nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng tỏ, toàn diện và đầy đủ hơn.

Như vậy, việc các đối tượng thù địch: “quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH” tức không hiểu hoặc cố tình không hiểu mối quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng, cùng những vấn đề cơ bản về lý luận về CNXH khoa học. Còn những ai đang “bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của CNXH…” là do chưa vững vàng về lập trường chính trị, chưa hiểu đầy đủ, toàn diện về chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, cũng như CNXH khoa học nói riêng.

Đối với những ai “ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản” tức là vẫn chưa hiểu hoặc cố tình bỏ qua thực tiễn của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Hiện nay, chủ nghĩa tư bản đã có nhiều điều chỉnh và còn nhiều tiềm lực để phát triển, song bản chất bóc lột không thay đổi, cách thức phát triển kiểu tư bản chủ nghĩa vẫn chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn, không bền vững. Chủ nghĩa tư bản phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như: bất bình đẳng xã hội, khủng hoảng kinh tế - xã hội, các khoản nợ công khổng lồ, cuộc khủng hoảng của người di cư dẫn đến những xung đột, nạn khủng bố phức tạp…

Con đường xây dựng CNXH của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển toàn diện, được Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 1991), lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay…".

Còn Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hơn 100 năm qua, đã không ngừng lớn mạnh và phát triển trên nhiều phương diện, trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới, đặt nền tảng vững chắc cho xây dựng thành quốc gia xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Ngày 7-11, Quỹ Tiền tệ quốc tế nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023, đồng thời ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này sau đại dịch Covid-19.

Như vậy, việc hiểu đúng, đầy đủ về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn về CNXH khoa học giúp mỗi người dân củng cố niềm tin, bản lĩnh chính trị, lập trường quan điểm, từ đó tạo “sức đề kháng” trước các chiêu trò, luận điệu xuyên tạc thâm hiểm của các thế lực thù địch, góp phần hiệu quả vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tuởng của Đảng, xây dựng Tổ quốc Việt Nam tiến lên CNXH.

Lâm Viên

Tin xem nhiều