(ĐN)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 23-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường tại phiên họp |
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) nêu ý kiến về hành vi trốn đóng bảo hiểm. Điểm c, Khoản 2, Điều 36 có một quy định rất quan trọng xác định trốn đóng bảo hiểm trong trường hợp người sử dụng lao động có khả năng nhưng không đóng. Điều này sẽ làm thay đổi rất lớn về chính sách của chúng ta và nó cũng sẽ làm thay đổi các chính sách hình sự. Điều 216, Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm cấu thành quy định tội không phân biệt là có điều kiện hay không.
Đại biểu Nguyễn Công Long ủng hộ phương án của Chính phủ trình, đó là chỉ nên coi trốn đóng bảo hiểm khi nào doanh nghiệp có điều kiện mà không đóng. Bởi vì thực tiễn qua các hoạt động của doanh nghiệp chúng ta cũng thấy thực trạng khó khăn như thế nào của các doanh nghiệp, rất nhiều lý do khiến người sử dụng lao động không thể thực hiện được việc đóng này hoặc chậm hoặc chưa thực hiện được nghĩa vụ của mình, cho nên việc xem xét này cũng là một điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Vấn đề thứ hai, liên quan đến nguyên tắc lập pháp và tư duy lập pháp. Đại biểu cho rằng, Bộ luật Hình sự quy định tất cả những tội phạm về hình phạt, những chế tài. Còn những hành vi vi phạm phải xác định ở trong luật chuyên ngành. Luật Bảo hiểm xã hội xác định cái nào là trốn đóng bảo hiểm. Trên cơ sở đó Bộ luật Hình sự mới quy định tội đó, nếu điều chỉnh ở đây thì Bộ luật Hình sự cũng phải sửa theo.
"Không phải Bộ luật Hình sự quy định thì bắt theo Bộ luật Hình sự, tôi cho rằng nguyên lý đấy chúng ta nên xem xét lại. Trong thực tiễn chúng ta đã có các tội danh cần phải sửa. Trước đây, tội cho vay lãi nặng chẳng hạn, theo lãi suất cơ bản của ngân hàng, bây giờ ngân hàng bỏ quy định về lãi suất thì chúng ta phải sửa Bộ luật Hình sự phải đi theo nguyên lý khác" - đại biểu Nguyễn Công Long nêu.
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) nêu ý kiến về hành vi trốn đóng bảo hiểm |
Tại phiên thảo luận, rà soát, bổ sung các giải pháp ngăn chặn tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Theo các đại biểu, nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định cụ thể về các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với các biện pháp xử lý, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài như: khấu trừ tiền nợ bảo hiểm xã hội tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời gian nhất định (có thể là 3 tháng); công khai danh tính các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Đồng thời, cần có các quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Thanh Hải (tổng hợp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin