Báo Đồng Nai điện tử
En

Những sáng kiến hay trong xây dựng ấp, khu phố văn hóa

Sông Thao
07:30, 29/11/2023

Năm 2023 tiếp tục ghi nhận nhiều sáng kiến hay trong quá trình triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trên địa bàn ấp, khu phố.

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang trao bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho các tập thể, cá nhân có nhiều sáng kiến hay tại hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, giai đoạn 2003-2023
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang trao bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho các tập thể, cá nhân có nhiều sáng kiến hay tại hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, giai đoạn 2003-2023. Ảnh: S.THAO

 

Một trong những mô hình đang phát triển mạnh trong xây dựng ấp, khu phố văn hóa tại Đồng Nai là CLB liên thế hệ tự giúp nhau.

Sát cánh cùng người cao tuổi

Theo Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh Nguyễn Thị Kim Liên, toàn tỉnh hiện có 167 CLB liên thế hệ tự giúp nhau tại ấp, khu phố, liên ấp, liên khu phố trực thuộc Hội NCT xã, phường, thị trấn. Những CLB này đang thu hút trên 7 ngàn thành viên. Thời gian qua, các CLB đã huy động từ thành viên (chủ yếu là NCT tại địa phương), mạnh thường quân được gần 5 tỷ đồng để chăm sóc sức khỏe, tổ chức hoạt động văn hóa - thể thao, hỗ trợ phát triển kinh tế… dành cho thành viên.

Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) Lê Tiến Duệ cho hay, CLB đã có 5 năm hoạt động. Mỗi thành viên tham gia CLB nhất trí đóng góp 5 triệu đồng để tạo quỹ. Từ số tiền này, CLB không đợi bà con hỏi vay mà tìm hiểu hoàn cảnh để cho vay.

Ông Duệ kể về trường hợp 2 vợ chồng đều trên 70 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, sống phụ thuộc vào con đi làm công nhân. Gần 1 năm trước, thu nhập của người con giảm nên đời sống cả nhà rất khó khăn. Ban chủ nhiệm CLB đã tìm đến để hỏi về mong muốn của ông bà. Vợ chồng họ cho biết muốn có số vốn nhỏ để đầu tư nuôi gà. Vậy là các thành viên CLB thống nhất cho gia đình này vay 10 triệu đồng.

Toàn tỉnh hiện có 71 mô hình đang được triển khai tại các ấp, khu phố; trong đó, lĩnh vực môi trường có 23 mô hình, lĩnh vực khuyến học có 2 mô hình, lĩnh vực an ninh trật tự có 30 mô hình, lĩnh vực từ thiện - xã hội có 7 mô hình, lĩnh vực tuyên truyền vận động có 7 mô hình và 7 mô hình trong lĩnh vực hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề.

Cách đây ít tuần, ông Duệ đến thăm và được gia đình vay vốn này khoe có gần 50 con gà gần 3kg, có thể bán ngay cùng nhiều gà nhỏ hơn đang trong quá trình nuôi để bán Tết. 2 vợ chồng cũng cho biết trong năm nay sẽ trả lại vốn vay để CLB cho người khác vay.

“Đây là việc nhỏ thôi nhưng là câu chuyện vui ở ấp, niềm vui của tập thể các thành viên trong CLB” - ông Duệ chia sẻ. 

Còn Chủ tịch Hội NCT P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thế Đệ cho biết, địa phương có 6 chi hội NCT khu phố đã xây dựng, duy trì hoạt động 11 CLB dưỡng sinh, cờ tướng, cầu lông và văn nghệ. Riêng CLB liên thế hệ tự giúp nhau và 6 chi hội người cao tuổi khu phố đã xây dựng được 290 triệu đồng tiền quỹ để tự giúp nhau. Số tiền này được sử dụng cho NCT có hoàn cảnh khó khăn vay từ 10 triệu đồng trở lên trong thời gian 1 năm để làm vốn buôn bán nhỏ; thăm hỏi NCT khi ốm đau, qua đời hay gặp khó khăn đột xuất.

Ông Đệ thông tin thêm, trong các khu phố có nhiều trường hợp con cháu đi làm cả ngày, chỉ còn người già ở nhà. Có lần, một NCT bị lên huyết áp mà không có ai ở nhà, may là cụ nhanh trí gọi các thành viên trong CLB liên thế hệ tự giúp nhau để nhờ hỗ trợ. Khi hay tin, các thành viên CLB liên hệ nhau và nhanh chóng đến nơi đưa NCT này đi bệnh viện cấp cứu.

Một mô hình khác cũng đang triển khai ngày càng rộng ở các ấp, khu phố là hỗ trợ mai táng với nhiều tên gọi như: quỹ phúc lợi xã hội, mô hình hiếu nghĩa, mai trợ táng, tiền rau muống… Theo đó, ở mỗi khu dân cư có mô hình này, người dân thống nhất đóng góp định kỳ số tiền theo năm hoặc khi trong ấp có người qua đời thì ban ấp sẽ đến từng nhà thu tiền theo quy ước từ trước. Sau đó, ban ấp sẽ tổ chức đoàn đến viếng người qua đời với vòng hoa, tiền phúng điếu. Kinh phí dành cho từng trường hợp ở mỗi ấp, khu phố có mức riêng, tùy vào sự thống nhất của bà con ngay từ đầu năm.

Trưởng ban Công tác Mặt trận KP.Suối Cả, TT.Long Giao (H.Cẩm Mỹ) Vũ Văn Thịnh cho hay, với mô hình nghĩa hiếu, mỗi gia đình trong số 400 hộ dân của khu phố đóng góp 20 ngàn đồng/năm. Khi trong khu phố có người qua đời, ban điều hành khu phố sẽ tổ chức đoàn đến thăm viếng, tặng vòng hoa, tiền phúng điếu với tổng số tiền 400 ngàn đồng. Riêng với những trường hợp nằm viện trở về nhà, ban điều hành khu phố đến thăm, động viên tinh thần với mức 100 ngàn đồng/trường hợp.

Kết nối nhau bảo vệ môi trường sống

Một “đặc sản” khác trong xây dựng mô hình ấp, khu phố văn hóa là mô hình sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Hiện 934 ấp, khu phố trong tỉnh đều thực hiện mô hình này dưới nhiều hình thức.

Những người làm công tác Mặt trận của H.Tân Phú tham gia Liên hoan Ấp, khu phố văn hóa tiêu biểu xuất sắc tỉnh lần thứ V-2023
Những người làm công tác Mặt trận của H.Tân Phú tham gia Liên hoan Ấp, khu phố văn hóa tiêu biểu xuất sắc tỉnh lần thứ V-2023

Theo Trưởng ban Công tác Mặt trận KP.2, P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thanh, khu phố có 640 hộ. Ga xe lửa Biên Hòa nằm trên địa bàn khu phố nên lượng người cùng phương tiện ra vào tấp nập. Rồi nhiều tuyến đường trong khu dân cư rất nhỏ hẹp, có nơi chạy song song với đường sắt nên ngoài tuyên truyền trong cuộc họp, ban điều hành khu phố thường xuyên nắm bắt thông tin, nhắc nhở bà con không bỏ rác ở đường ray, không để con cháu, thú nuôi đến gần đường xe lửa chạy. Với bà con buôn bán dọc tuyến đường ra - vào ga, ban điều hành khu phố nhắc nhở không lấn chiếm lòng, lề đường. Cùng với đó, vào thứ bảy hàng tuần, ban điều hành khu phố cùng bà con cùng dọn dẹp vệ sinh, cạo xóa quảng cáo bị treo, dán trên các cột điện, tường rào.

Còn Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 2, xã Bàu Cạn (H.Long Thành) Nguyễn Thị Vân Thuần thì cho biết, ấp có 887 hộ. Thời gian qua, ban điều hành ấp tìm những nội dung vừa sức dân, hợp mong mỏi của bà con để triển khai thực hiện.

Theo đó, ngoài số tiền đóng góp hàng năm theo quy định chung, bà con trong ấp còn tự nguyện đóng góp 45 ngàn đồng/hộ/năm để sử dụng vào công việc chung của ấp. Một trong những hoạt động đó là bà Thuần cùng ban ấp bàn với người dân tự trang bị, nâng cấp nơi sinh hoạt chung của ấp, thay vì chờ vào sự phân bổ kinh phí từ ngân sách. Qua đó, sân khấu ngoài trời, rồi mái vòm cố định, cổng chào ở nhà văn hóa ấp được hình thành. Ban điều hành ấp còn triển khai mô hình trụ cờ đồng nhất trong toàn ấp. Hiện mỗi trụ cờ sắt cao 3,5m đã có mặt ở 100% gia đình trong ấp.

Thời gian qua, để giữ gìn hình ảnh sạch đẹp, trang nghiêm, ban điều hành khu phố cùng người dân KP.1, TT.Gia Ray (H.Xuân Lộc) đã chung tay thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, tạo cảnh quang. Đều đặn hàng tuần, hàng tháng, từng tổ nhân dân của khu phố quét dọn vệ sinh, cạo xóa và gỡ bỏ quảng cáo rác cùng những nội dung bị vẽ viết bậy lên các bức tường.

Riêng việc thay mới cờ ở 4 cổng chào của khu phố được làm mới 4 lần/năm và các tuyến đường là mỗi năm/lần. Tất cả kinh phí thực hiện đều từ nguồn xã hội hóa, do chi bộ, ban điều hành khu phố vận động. Với những tuyến đường bị hư hỏng, ban điều hành khu phố vận động bà con đóng góp hơn 2 tỷ đồng để làm mới, nâng cấp, 4 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 1,8km.

Sông Thao

Từ khóa:

khu phố văn hóa

Tin xem nhiều