Báo Đồng Nai điện tử
En

Nắm bắt cơ hội từ nguồn nhân lực chất lượng cao

Nguyễn Phượng
07:54, 07/11/2023

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một đột phá chiến lược bảo đảm cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, dù đã được đặc biệt quan tâm song nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là một thách thức của Đồng Nai trong bối cảnh tỉnh đang triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia và khu vực.

Từ lâu, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của Đồng Nai đã khá lớn khi trên địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn cần một lực lượng lao động có tay nghề, trình độ đáp ứng được yêu cầu cải tiến, chuyển giao công nghệ. Lực lượng lao động này luôn được doanh nghiệp săn đón và tạo điều kiện tốt nhất để làm việc. Song thực tế, việc tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao khá khó khăn, nhất là ở thời điểm doanh nghiệp muốn tham gia vào những lĩnh vực kinh tế mới có ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất.

Theo tính toán, khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ cần tới lực lượng lao động gần 14 ngàn người. Trong đó, riêng lao động có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ là trên 5,8 ngàn người, chiếm tỷ lệ khoảng 42% tổng số lao động. Một số ngành nghề mà dự án sân bay có nhu cầu tuyển dụng cao là: khai thác thiết bị kỹ thuật nhà ga, kỹ thuật bay; sửa chữa bảo trì thiết bị; điều hành sân bay, quản lý xăng dầu, quản lý an ninh, thợ kỹ thuật, điện, vận tải hàng không, tài chính kế toán, công nghệ thông tin...

Sở LĐ-TB-XH cho hay, phần lớn những ngành mà dự án sân bay có nhu cầu tuyển dụng đều là những ngành có tính đặc thù chuyên ngành của lĩnh vực hàng không, cũng như cơ sở pháp lý quy định của Nhà nước đối với tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn đòi hỏi rất cao. Do đó, nhân sự vào làm tại sân bay phải được đào tạo chuyên ngành, mà hiện tại không phải cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào trên địa bàn tỉnh cũng có thể đào tạo được. Vì vậy, để nắm bắt cơ hội việc làm này, cần thiết phải có thêm những mô hình liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các đơn vị liên quan trong và ngoài nước, nhằm sẵn sàng cung ứng nguồn lao động đảm bảo yêu cầu khi sân bay đi vào vận hành, khai thác.

Đặc biệt, khi kinh tế số phát triển ngày càng mạnh mẽ, yêu cầu về nguồn nhân lực cũng có nhiều thay đổi, đòi hỏi cả cơ sở đào tạo và người học phải chủ động, nhạy bén hơn nữa để đón đầu xu thế. Bởi nói như một đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại nghị trường mới đây, cho dù chúng ta thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng, nhà xưởng sẵn sàng thế nào…, nhưng nếu chưa có “ổ lót” là lao động chất lượng cao, chuyên sâu, chuyển đổi và năng suất lao động không được cải thiện thì làm sao “đại bàng công nghệ hạ cánh đẻ trứng vàng” cho chúng ta.

Nguyễn Phượng

 

Tin xem nhiều