Giai cấp công nhân có vai trò, sứ mệnh quan trọng trong xây dựng Đảng nói riêng, cũng như trong đời sống chính trị nói chung. Do đó, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân luôn là một trong những tiêu điểm bị các thế lực thù địch phản bác, chống phá quyết liệt.
Đoàn công tác của Báo Đồng Nai thăm và làm việc tại Công ty Giày Tuấn Việt (Cụm công nghiệp Phú Thạnh, H.Nhơn Trạch). Ảnh: L.Viên |
Với âm mưu thâm độc muốn chống phá Đảng, các thế lực thù địch không ngừng đưa ra các quan điểm sai trái để phủ nhận sứ mệnh của giai cấp công nhân trong bối cảnh mới. Đó là các quan điểm như: “Trong thời đại ngày nay, cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra như vũ bão nên trí thức chứ không phải là giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong cách mạng”; “sản xuất ngày càng mang tính tự động hóa, giai cấp công nhân sẽ ngày càng ít đi, đến một ngày nào đó sẽ không còn nữa”; “chủ nghĩa tư bản đang tự điều chỉnh và tiệm cận tiến lên chủ nghĩa xã hội không cần đến sứ mệnh của giai cấp công nhân”…
* Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân được quy định một cách khách quan
Trong Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu: “Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể nhân loại khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, nghèo nàn lạc hậu, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.
Giai cấp công nhân Việt Nam đang hướng về Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 3-12-2023 tại Hà Nội. Tham dự đại hội, đoàn Đồng Nai có 31 đại biểu. |
Về ý kiến cho rằng có thể “tiến lên chủ nghĩa xã hội không cần đến sứ mệnh của giai cấp công nhân” là không có cơ sở, bởi chủ nghĩa
Mác - Lênin đã chỉ ra tính tất yếu khách quan của sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân, được biểu hiện trên các phương diện: do địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân quy định, do đặc điểm chính trị - xã hội của giai cấp công nhân quy định, do mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản quy định. Ngoài ra, còn do những nhân tố chủ quan để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử gồm: sự phát triển của bản thân giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản là nhân tố quan trọng nhất để giai cấp công nhân thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử, xây dựng khối liên minh vững mạnh và phát huy chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân là những nhân tố tăng cường sức mạnh của giai cấp công nhân.
* Số lượng và chất lượng giai cấp công nhân ngày càng phát triển
Trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ, có quan điểm cho rằng “trí thức chứ không phải giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong cách mạng”.
Về vấn đề này, theo giáo trình trên, “công nhân hiện nay đang có xu hướng trí tuệ hóa trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những bước phát triển mạnh mẽ. Trên thực tế, đã có thêm nhiều khái niệm để chỉ công nhân như công nhân tri thức, công nhân “áo trắng”, lao động trình độ cao… Công nhân tri thức là đại biểu tiêu biểu cho giai cấp công nhân hiện nay. Kinh tế tri thức là một trình độ mới của lực lượng sản xuất hiện đại, trong đó vai trò của tri thức công nghệ ở một số lĩnh vực sản xuất đang tỏ rõ vị thế quan trọng…”.
Về ý kiến cho rằng: “Sản xuất ngày càng mang tính tự động hóa, giai cấp công nhân sẽ ngày càng ít đi, đến một ngày nào đó sẽ không còn nữa”, là chưa chính xác. Bởi lẽ, số lượng công nhân thế giới tăng nhanh trong một thế kỷ qua. Theo giáo trình trên: “Khi C.Mác và Ph.Ăngghen viết tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1848), trên thế giới chỉ có 10-20 triệu công nhân, tương đương 2-3% dân số toàn cầu và chỉ trong vài lĩnh vực có máy móc. Đến năm 2014, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trên thế giới có khoảng 1,8 tỷ công nhân”. Không những tăng về số lượng, mà chất lượng giai cấp công nhân cũng ngày càng tăng lên trên nhiều phương diện, nhất là đội ngũ công nhân tri thức. Giáo trình này phân tích, “điều quyết định việc hoàn thành sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân chủ yếu không phải là số lượng, mặc dù số lượng là cần thiết, mà trên thực tế, sức mạnh của giai cấp công nhân lớn hơn nhiều so với số lượng nếu họ có một tổ chức tiên phong vững mạnh, thống nhất được nội bộ giai cấp mình và thực hiện được sự liên minh chặt chẽ với quần chúng lao động bị áp bức”.
Đối với quan điểm cho rằng “ngày nay chủ nghĩa tư bản đang tự điều chỉnh, tự thích nghi để đi lên chủ nghĩa xã hội, không cần sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân”, là không hiểu rằng cho dù chủ nghĩa tư bản hiện đại đang tự điều chỉnh để thích nghi, đời sống của công nhân lao động trong nhiều nước tư bản phát triển đã được cải thiện đáng kể nhưng không phải vì thế mà cho rằng bản chất của chủ nghĩa tư bản đã thay đổi, đồng thời vẫn còn những mâu thuẫn về lợi ích cơ bản giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản ở những quốc gia tư bản chủ nghĩa. Và chỉ có giai cấp công nhân với sứ mệnh lịch sử của mình mới giải quyết được triệt để mâu thuẫn người bóc lột người, xây dựng một xã hội mới nhân văn tiến bộ và thực sự vì con người.
* Chăm lo xây dựng, phát triển, bồi dưỡng giai cấp công nhân về mọi mặt
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta, trực tiếp là tổ chức Công đoàn các cấp đã không ngừng chăm lo xây dựng, phát triển, bồi dưỡng giai cấp công nhân về mọi mặt. Giai cấp công nhân Việt Nam ngày nay đang phát triển không ngừng về số lượng lẫn chất lượng, bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời kỳ hội nhập, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định một trong 3 đột phá chiến lược là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đại hội Công đoàn tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-10-2023 có chủ đề: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển, vì quyền và lợi ích thiết thực của đoàn viên, người lao động, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; góp phần xây dựng Đồng Nai phát triển toàn diện”. |
Đồng Nai với dân số khoảng 3,2 triệu người, trong đó có hơn 1,2 triệu lao động. Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều lợi thế về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - dịch vụ, là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước nên Đồng Nai thu hút đông lao động nhập cư từ các địa phương trong cả nước đến làm việc và sinh sống.
Tại buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ tuyên giáo trên địa bàn tỉnh vào ngày 17-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, Đồng Nai là tỉnh có quy mô dân số đông, diện tích rộng, đông công nhân lao động, trong đó có nhiều lao động nhập cư, đông đồng bào có đạo, nhiều thành phần dân tộc. Đảng bộ tỉnh rất quan tâm, đi vào từng nhóm cộng đồng để làm tốt công tác tư tưởng. Nhờ đó, những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, không để xảy ra “điểm nóng”.
“Từ áp lực dân số lớn nên Đồng Nai sẽ tiếp tục quan tâm dành nguồn lực chăm lo phát triển hạ tầng xã hội, phát triển con người và phát triển văn hóa” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết.
Lâm Viên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin