Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Quốc hội đã thay mặt nhân dân và đồng bào cử tri cả nước đánh giá tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh:QuocHoi.vn |
Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, cử tri, nhân dân đã bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng vào sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, hiệu quả của Quốc hội, HĐND; kỳ vọng bộ máy nhà nước sẽ ngày càng được nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa để phục vụ tốt cho nhân dân.
Khách quan và công tâm
Theo Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, việc lấy phiếu tín nhiệm được Quốc hội xác định là việc làm hết sức hệ trọng trong hoạt động giám sát. Trên cơ sở cụ thể hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bảo đảm nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 102/2023/QH15 của Quốc hội về xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã được công khai trên các phương tiện truyền thông để cử tri và nhân dân được biết.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là lần thứ 4 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trước đó, Quốc hội khóa XIII đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 6-2013) và tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11-2014); Quốc hội khóa XIV đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2018).
Chia sẻ về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Xuân An (đơn vị tỉnh Đồng Nai) cho rằng, việc đánh giá của các đại biểu qua lá phiếu tín nhiệm lần này là hoàn toàn khách quan và công tâm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm dựa trên những đánh giá toàn diện và thấu đáo của ĐBQH về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Các ĐBQH đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng, dựa trên rất nhiều kênh, chứ không chỉ dựa trên những báo cáo kết quả công tác của những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm, có thể thấy, các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ở khối Quốc hội đều đạt tỷ lệ tín nhiệm cao. Điều này cho thấy những đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, hiệu quả của Quốc hội thời gian qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay là đúng hướng.
Cũng theo ĐBQH Trịnh Xuân An, trước những yêu cầu và đòi hỏi của thực tế cuộc sống, những ngành, lĩnh vực trực tiếp tác động đến đời sống của người dân, doanh nghiệp như: Công thương, KH-CN, GD-ĐT... có số phiếu “tín nhiệm thấp” cao. Đây là những lĩnh vực người dân và các ĐBQH đòi hỏi các bộ trưởng, trưởng ngành này phải nỗ lực và quyết tâm cao hơn nữa; qua đó có thể khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.
Đại biểu Trịnh Xuân An kỳ vọng, kết quả lấy phiếu lần này vừa là áp lực, đồng thời cũng là động lực để các “Tư lệnh ngành” tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện có chất lượng hơn các nhiệm vụ của mình…
Tăng niềm tin của cử tri và nhân dân
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho hay, tại kỳ họp HĐND tỉnh thường lệ cuối năm 2023 tới, HĐND tỉnh sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Đồng chí Thái Bảo nhấn mạnh, đây là công việc rất hệ trọng và có ý nghĩa trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới hoạt động của các cơ quan dân cử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; đồng thời, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ…
Phó bí thư Chi bộ KP.7, P.Long Bình (TP.Biên Hòa) Lê Văn Chương chia sẻ: “Là một cử tri, một người dân, tôi rất hoan nghênh việc Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vừa qua. Tại kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh cuối năm tới đây, HĐND tỉnh cũng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Đây là việc làm rất ý nghĩa và cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương”.
Cử tri Lê Văn Chương nhấn mạnh, việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng là một hình thức phát huy dân chủ thực sự, góp phần tăng niềm tin của cử tri và nhân dân. Thông qua bỏ phiếu tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm nhận thức đúng uy tín của mình để tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế khuyết điểm; nâng cao trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; cùng với đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của ĐBQH, đại biểu HĐND trước sự tin tưởng, gửi gắm của cử tri vào đại biểu đại diện cho nhân dân, do nhân dân bầu ra.
Hồ Thảo
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin