Trên địa bàn Đồng Nai đang có nhiều dự án trọng điểm được triển khai. Bên cạnh đó là nhiều nhiệm vụ quan trọng về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh cũng được tiến hành đồng bộ.
Dự án Cầu Nhơn Trạch thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM bên phía Đồng Nai đang cần thêm mặt bằng để đẩy nhanh thi công. Ảnh: C.Nghĩa |
Đứng trước thách thức quỹ thời gian của năm 2023 ngày càng thu hẹp, trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải tăng tốc gấp nhiều lần, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền càng phải thể hiện rõ nét hơn với trách nhiệm được giao.
* Ưu tiên cao cho những dự án trọng điểm
Đến nay, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã triển khai xây dựng các hạng mục chính là nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, 2 tuyến đường kết nối T1 và T2, cùng nhiều hạng mục quan trọng khác. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh khi được giao nhiệm vụ đầy thách thức là thu hồi 5 ngàn ha đất của các tổ chức và gần 5,6 ngàn hộ dân có đất bị ảnh hưởng. Trong số 5,6 ngàn hộ dân bị ảnh hưởng, đến nay có gần 4,3/4,6 ngàn hộ dân đủ điều kiện đã được bố trí tái định cư, những hộ còn lại đang được khẩn trương xem xét trong tháng 10 này.
Với một “siêu dự án” như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, việc bố trí tái định cư cho người dân với cam kết chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ đã được chính quyền Đồng Nai từng bước thực hiện. Đến nay, tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ dự án sân bay đã có 1,6 ngàn căn nhà được xây dựng, tạo thành khu dân cư đông đúc. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, đến ngày 10-10, đã có 4 trường học (gồm 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS) đi vào hoạt động tại khu tái định cư.
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành cho biết, Thường trực Huyện ủy đang chỉ đạo trong tháng 10 này phải hoàn thành chi trả đền bù cho 470 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM. Đối với dự án thành phần 4 của dự án dài 16km, có 667 hộ từ nay tới cuối năm sẽ phải hoàn thành công tác đền bù đất. Với khối lượng công việc rất lớn như vậy, hàng tuần Thường trực Huyện ủy đều yêu cầu UBND huyện báo cáo tiến độ, họp giao ban chỉ đạo. Lãnh đạo UBND huyện và các phòng, ban chuyên môn đều phải làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật để đạt được tiến độ đã cam kết.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH:
Phải dành thời gian nhiều hơn nữa cho công tác giải phóng mặt bằng
Công tác giải phóng mặt bằng phải thực hiện quyết liệt, nếu không sẽ mất cơ hội triển khai các công trình dự án góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ tịch UBND các địa phương, chủ đầu tư phải dành thời gian nhiều hơn cho công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, bí thư các huyện hàng tháng chủ trì họp cùng với chính quyền để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Một dự án trọng điểm quốc gia khác là Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được Tỉnh ủy chỉ đạo bằng mọi giải pháp phải sớm hoàn thành thu hồi đất. Theo chương trình dự kiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh sẽ có buổi đối thoại với đại diện 200 hộ dân có đất phải thu hồi phục vụ thi công dự án này. Buổi đối thoại được kỳ vọng sẽ là dịp để cấp ủy, chính quyền lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân, sớm tìm được tiếng nói chung và vì lợi ích chung của tỉnh và của đất nước.
Thêm một tín hiệu vui cho tỉnh là mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã thống nhất với kiến nghị của tỉnh về bố trí các hộ dân thuộc diện di dời triển khai dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn thuộc dự án phục vụ xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Với sự thống nhất về mặt chủ trương của lãnh đạo Chính phủ với kiến nghị của tỉnh, Đồng Nai sẽ có điều kiện đẩy nhanh tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất trong khi vẫn tiếp tục tiến hành đồng thời việc triển khai các khu tái định cư.
* Quyết liệt tháo gỡ khó khăn
Theo Sở KH-ĐT, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) của tỉnh trong 9 tháng năm 2023 chỉ đạt 5,03% và thấp hơn nhiều so với 9 tháng của năm 2022 (9 tháng năm 2022 đạt 8,62%). Trong 9 tháng của năm 2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 64% so với dự toán, nằm trong nhóm các tỉnh có số thu thấp hơn so với trung bình của cả nước. Ở lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công cũng chỉ đạt 27% và đây là năm có tiến độ giải ngân thấp nhất trong những năm trở lại đây. Những kết quả trên cho thấy còn rất nhiều khó khăn đang đặt ra trước mắt, đòi hỏi phải nỗ lực tháo gỡ một cách đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực.
Về giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, nguồn vốn bố trí cho công tác đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng thường chiếm khoảng 2/3 mỗi dự án. Do vậy, nếu giải ngân được nguồn vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng thì giải ngân vốn sẽ đạt kết quả cao hơn. Thời gian còn lại của năm 2023 không nhiều, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương rà soát lại bộ máy, quy trình, cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp nhịp nhàng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn.
Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam gặp gỡ các hộ dân P.Trảng Dài để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân bị thu hồi đất |
Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam chia sẻ, Thành ủy đang chỉ đạo UBND thành phố và các phòng, ban liên quan khẩn trương đánh giá, phân loại khó khăn để tháo gỡ về mặt chính sách đền bù, thu hồi đất và tái định cư. Thành phố kiến nghị với tỉnh cho phép đưa các dự án xây dựng khu tái định cư thành dự án trọng điểm để đẩy nhanh triển khai. Vào các buổi sáng trong tuần, từ thứ hai đến thứ sáu, Thường trực Thành ủy và UBND thành phố đều bố trí tiếp dân và đi cơ sở để kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra với thành phố.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh cho rằng, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ những khó khăn trong công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Khi những khó khăn được tháo gỡ sẽ thúc đẩy tình hình sản xuất, kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Các sở, ngành, địa phương cần nhân rộng mô hình hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính ngay từ khi người dân đặt chân đến cơ quan, đơn vị thay vì để người dân phải mất nhiều thời gian tự hoàn thiện hồ sơ rồi mới tiếp nhận.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho rằng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải tăng cường trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, nhất là cuối năm nay, khi đánh giá hiệu quả công việc phải có sản phẩm cụ thể. Nếu sở, ngành, địa phương nào không hoàn thành nhiệm vụ thì không chỉ xem xét trách nhiệm của sở, ngành, địa phương đó mà cần phải xem xét cả trách nhiệm của người đứng đầu, tránh tình trạng cuối năm tỷ lệ cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cao nhưng sản phẩm cụ thể để minh chứng cho hiệu quả công việc thì chưa đáp ứng.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin