Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáng 23-10, khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Thanh Hải (tổng hợp)
19:59, 22/10/2023

(ĐN)- Sáng 23-10, Quốc hội sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 6, khóa XV. Là kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Hình ảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh QUOCHOI.VN
Hình ảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh QUOCHOI.VN

* Dự kiến thông qua các dự án luật sửa đổi về đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở

Theo Văn phòng Quốc hội, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào sáng 23-10 và dự kiến bế mạc vào ngày 28-11, theo hình thức họp tập trung.

Kỳ họp thứ 6 được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 dự kiến từ ngày 23-10 đến 10-11. Đợt 2 dự kiến từ ngày 20 đến 28-11. Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 22 ngày.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, dự kiến thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước; Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án luật khác. Quốc hội thực hiện công tác xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế -  xã hội; tiến hành đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 (trong đó có xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 và quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; xem xét kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026). Xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này có điểm khác biệt, khi Quốc hội sẽ tập trung xem xét việc thực hiện các cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành. Do vậy, nội dung chất vấn rất rộng, bao quát nhiều vấn đề, khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành xem xét các báo cáo công tác tư pháp, bao gồm các nội dung về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của TAND, Viện KSND; công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023.

* Lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh

Tại kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4. Dự kiến phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày.

Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Đặc biệt, Quốc hội cũng lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Dự kiến nội dung này kéo dài 1,5 ngày và sẽ có 44 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.

Thanh Hải (tổng hợp)

 

Tin xem nhiều