Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Lâm Viên
08:14, 01/11/2023

Trong bối cảnh các thế lực thù địch liên tiếp đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch bằng nhiều phương cách khác nhau, mỗi tổ chức Đảng, cũng như mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần phải xem hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm, nghĩa vụ quan trọng, thường xuyên, để từ đó không ngừng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, góp phần hiệu quả vào công cuộc nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Sáng 29-10, Đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Đồng Nai lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028 đã đến viếng bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn (TP.Biên Hòa). Ảnh: Tuổi trẻ Đồng Nai
Sáng 29-10, Đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Đồng Nai lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028 đã đến viếng bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn (TP.Biên Hòa). Ảnh: Tuổi trẻ Đồng Nai

* Biểu hiện cơ bản của các quan điểm sai trái, thù địch

Để đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả, trước tiên cần phải nhận diện được những quan điểm sai trái, thù địch. Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong tham luận gửi hội thảo khoa học do Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, quan điểm sai trái là sự xuyên tạc, bóp méo sự thật, dẫn đến sự nghi ngờ, không tin tưởng và hiểu sai quan điểm chính thống. Còn quan điểm thù địch là những quan điểm có chủ đích đi ngược lại và đối lập với quan điểm chính thống.  Hiện nay, các quan điểm sai trái, thù địch diễn biến rất phức tạp, biểu hiện cơ bản như sau:

Một là, phủ nhận các luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tung ra các luận điệu như: chủ nghĩa Mác - Lênin đến nay đã lỗi thời, không còn phù hợp...

Hai là, xuyên tạc, phủ định các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, các thế lực thù địch tìm mọi cách phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng nhất và quy chụp những hạn chế, yếu kém của chủ nghĩa xã hội hiện thực hay những sai lầm, hạn chế của một số đảng cộng sản trên thế giới để minh chứng cho sự sai lầm của học thuyết Mác - Lênin. Các luận điệu cho rằng, chế độ một đảng lãnh đạo, độc quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Các thế lực thù địch phủ nhận mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuyên truyền, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, vi phạm chính sách tự do tôn giáo, đàn áp tôn giáo…

Ba là, phủ định các giá trị lịch sử của dân tộc và những thành quả của cách mạng Việt Nam. Các thế lực thù địch xuyên tạc lịch sử cách mạng, cho rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng và nhân dân Việt Nam là sai lầm, gây đổ máu; đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì đã không phải thực hiện chiến tranh. Lợi dụng kết quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng tiến hành, các thế lực xuyên tạc, bóp méo, vu khống, suy diễn rằng đó là cuộc “thanh toán phe phái”, “trả thù cá nhân” vì “lợi ích nhóm”… từ đó gieo rắc những hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bốn là, xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, đảng viên. Có thể nhận diện những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, đảng viên ở một số nội dung như: xuyên tạc về tình hình sức khỏe; thêu dệt bí mật đời tư; bình phẩm, phán xét về trình độ, năng lực; xuyên tạc nhân phẩm, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên.

Năm là, xuyên tạc, bóp méo các sự kiện phức tạp, nhạy cảm. Các thế lực thù địch tìm cách xuyên tạc, bóp méo những chủ trương, chính sách, văn bản ký kết của Việt Nam với một số nước để kích động, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta; làm giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước; lợi dụng các sự kiện nhạy cảm, nhất là các sự kiện liên quan đến các vấn đề phân định biên giới, lãnh thổ, tranh chấp Biển Đông, những vấn đề liên quan đến đầu tư, dịch bệnh… để kích động gây mất ổn định chính trị - xã hội.

* Mỗi người dân đều có thể góp những hành động cụ thể đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch

Hiện nay, phương thức tấn công của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị chủ yếu qua 2 cách chính, đó là rỉ tai và thông qua internet. Thực tế, trong 2 phương cách trên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị sử dụng phương thức phổ biến là thông qua internet. Bởi lẽ, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và tốc độ lan truyền nhanh, mạnh, liên kết không biên giới, ngay tức thời của internet, các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng mạng xã hội để gia tăng các hoạt động chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng bằng các chiêu bài tinh vi, phức tạp như: lợi dụng một số trang mạng lớn để chống phá Việt Nam, sử dụng và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên viết bài, đưa clip chống phá Đảng, Nhà nước ta… một cách thường xuyên, liên tục.

Trước thực trạng ấy, trong một số cuộc họp, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh nhấn mạnh, mỗi người dân đều có thể góp những hành động cụ thể vào công cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bằng cách: không nghe, không xem, không theo dõi, không bình luận… vào các trang mạng xã hội xấu, độc. Một khi giảm độ tương tác của thông tin, các trang mạng trên sẽ giảm sức mạnh, giảm độ phủ cũng như sức ảnh hưởng. Ngược lại, nếu mỗi người dân với tâm thế tò mò, hiếu kỳ vào xem những bài viết, video clip xuyên tạc, xấu độc trên mạng thì càng tiếp thêm sức mạnh cho các đối tượng chống phá, thông qua lượt xem, lượt thể hiện cảm xúc, bình luận… Chưa kể, từ độ tương tác này, các trang này sẽ thu về được nguồn kinh phí từ quảng cáo.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, sinh hoạt tại Đoàn P.Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết, trong các buổi sinh hoạt Đoàn, Hội, Ban chấp hành Đoàn phường thường tổ chức sinh hoạt chính trị thông qua việc nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch được phổ biến trên không gian mạng. Sau khi nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch, cán bộ Đoàn định hướng cho đoàn viên, thanh niên không xem, không nghe theo những luận điệu xấu độc ấy. Bên cạnh đó, định hướng cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận thông tin từ các nguồn tin chính thống của cơ quan, tổ chức, báo chí…

Theo chị Nguyễn Thị Kim Ngân, cách làm này trực quan, gần gũi, thiết thực và hiệu quả với mỗi đoàn viên, thanh niên. Do đó, cần tăng cường thêm nhiều chuyên đề về sử dụng mạng xã hội, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch cho thanh niên, bởi đây là đối tượng thường sử dụng và chịu ảnh hưởng của mạng xã hội; đồng thời, trong bối cảnh chuyển đổi số, đoàn viên, thanh niên sẽ là hạt nhân để phổ biến lại các thông tin cần thiết cho người thân trong gia đình…

Điều quan trọng nữa là, muốn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người dân cần phải bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, giá trị của độc lập tự do; tăng cường việc học tập chính trị để nâng cao nhận thức, có hiểu biết đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta… Bởi thực tế, người dân chỉ có thể bảo vệ những điều người ta yêu quý, xem là tình cảm thiêng liêng đối với bản thân mỗi người.

Công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, chống phá, không chỉ là nhiệm vụ của những người làm công tác tư tưởng, nhà lý luận chính trị, người làm báo nói chung, mà là của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân. Chính sức mạnh tổng hợp được huy động từ sự tham gia tích cực của nhiều lực lượng chuyên trách, kết hợp với sự hưởng ứng, đồng lòng của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, bạn bè khắp năm châu, của các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình, công lý, lẽ phải trên thế giới sẽ bẻ gãy tất cả mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là những vấn đề lý luận khô khan, cao siêu, trừu tượng

Phát biểu tại lễ trao giải Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3-2023 vào tối 22-10 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó trưởng ban Chỉ đạo 35 Trung ương NGUYỄN XUÂN THẮNG khẳng định, từ thực tế cuộc thi, có thể thấy nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là những vấn đề lý luận khô khan, cao siêu, trừu tượng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân; bảo vệ cái đúng, tiến bộ; phê phán cái sai, tiêu cực, đã và đang trở thành hoạt động thường xuyên, quen thuộc, gắn bó với công việc của các cơ quan, đơn vị và cuộc sống hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân.

Lâm Viên


 

Tin xem nhiều