Chủ trì phiên họp Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá rất cao sự nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai những cách làm mới, mô hình hay trong cải cách TTHC. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.
Tuy nhiên, công tác cải cách TTHC vẫn tồn tại nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện TTHC. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định… vẫn còn xảy ra khiến cho quá trình giải quyết TTHC còn lòng vòng, gây khó cho người dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần thiết phải có sự rà soát để loại bỏ những TTHC không còn phù hợp, đồng thời thường xuyên chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ.
Tại phiên họp, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu trong công tác cải cách TTHC, bởi nơi nào người đứng đầu quan tâm, quyết liệt chỉ đạo thì nơi đó đạt kết quả tích cực và ngược lại. Do vậy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, tránh tình trạng đùn đẩy, sợ sai; phải vì sự phát triển của người dân và doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Tổ công tác cải cách TTHC của Chính phủ, 9 tháng qua, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử ở các bộ, ngành đạt 24,48% (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 38,94% (tăng 25,8%). 63/63 địa phương đã thực hiện triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, cấp được hơn 3 triệu bản sao chứng thực điện tử; việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 81,39% (tăng 29,7%), địa phương đạt 70,24% (tăng 31,4%).
Dịch vụ công trực tuyến có sự cải thiện rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của các bộ, ngành khoảng 80,7% (tăng 1,5 lần so với năm 2022), của địa phương khoảng 63,5% (tăng 1,8 lần) trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đây là những con số cho thấy việc số hóa trong công tác cải cách TTHC đang tạo được chuyển biến tích cực. Các thủ tục từ thực hiện trực tiếp đang chuyển dần qua trực tuyến, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có một vấn đề nhiều địa phương đang gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện TTHC trực tuyến là chưa phải người dân, doanh nghiệp nào cũng thích nghi và thực hiện thuần thục. Do đó, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia, góp phần nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến toàn trình lên cao hơn nữa trong thời gian tới.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin