Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13-10-1903 - 13-10-2023):
Cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng

Hồng Phúc
07:46, 13/10/2023

Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13-10-1903, tại xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, H.Thanh Liêm (nay thuộc P.Liêm Chính, TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Từ năm 1923, đồng chí học tập tại Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng (lúc đó thường gọi là Trường Bách nghệ). Quá trình học tập, đồng chí đã tham gia các phong trào yêu nước, trong đó có phong trào đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu và để tang chí sĩ Phan Chu Trinh.

Đồng chí Lương Khánh Thiện. Ảnh: TL

Tháng 6-1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Trung Quốc với 9 thành viên. Sau đó, tổ chức này đã kết nạp nhiều thành viên là những thanh niên yêu nước và có học vấn đương thời, đồng chí Lương Khánh Thiện là một trong số đó.

Quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi

Năm 1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Nam Định. Năm 1928, đồng chí trở lại Hải Phòng để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức khi ấy là “vô sản hóa” trong phong trào công nhân. Tháng 4-1929, đồng chí Lương Khánh Thiện được kết nạp vào chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng. Ngày 17-6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, đồng chí Lương Khánh Thiện được kết nạp và trở thành một trong những người cộng sản lớp đầu tiên của Đảng.

Năm 1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, đưa về giam ở nhà lao Hải Phòng, sau đó bị kết án khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) và bị đày ra Côn Đảo năm 1931.

Khi Mặt trận Bình Dân Pháp lên cầm quyền đã thực hiện nhiều chính sách nới lỏng với tù nhân ở các nước thuộc địa, đồng chí Lương Khánh Thiện cùng nhiều nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương khi ấy được trả tự do và trở về đất liền.

Tháng 3-1937, tại hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời Bắc kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện được cử làm Bí thư Xứ ủy lâm thời (đến tháng 9-1937) kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội (đến năm 1938).

Cuối năm 1938, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt lần thứ 2, nhưng phải thả ra vì không đủ căn cứ kết tội. Từ tháng 1-1939, đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng của Bắc kỳ và Hà Nội đến tháng 9-1939. Sau đó, đồng chí được cử thay mặt Xứ ủy đi chỉ đạo bí mật xây dựng căn cứ và tổ chức cơ sở cách mạng cho Đảng ở tỉnh Phú Thọ.

Tháng 10-1940, đồng chí được phân công trực tiếp phụ trách Đảng bộ Hải Phòng. Tháng 1-1941, trong khi đi nắm tình hình và chỉ đạo phong trào công nhân ở Hải Phòng, đồng chí bị mật thám Pháp bắt và đưa về giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Sau đó, tòa án chính quyền thực dân đã kết án tử hình và ngày 2-9-1941, đồng chí bị địch xử bắn tại Kiến An, Hải Phòng.

Nhiều đóng góp quan trọng

Lương Khánh Thiện là cán bộ lớp tiền bối của Đảng. Đồng chí đã lăn lộn trong phong trào công nhân, vận động người lao động đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù hà khắc, xây dựng một số tổ chức quần chúng như: Lao tù Hội, Hội đồng Thập tự, Ban Trật tự… để tập hợp quần chúng, tuyên truyền đấu tranh cách mạng.

Cũng như nhiều nhà lãnh đạo đầu tiên của Đảng, đồng chí Lương Khánh Thiện vào tù, ra khám, bị giam cầm, tra tấn ở những nơi khắc nghiệt nhất. Dù trong đấu tranh, trong lao tù, đồng chí vẫn luôn đặt niềm tin vào cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu. Không những vậy, ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí còn trực tiếp cảm hóa, thu phục được nhiều người tù vốn thuộc Việt Nam Quốc dân đảng tham gia cách mạng. Trước mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ và tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí vẫn luôn giữ khí tiết kiên trung, bản lĩnh chính trị vững vàng, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.

Ngày 9-10-2018, tại hội thảo Đồng chí Lương Khánh Thiện với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nam, GS-TS NGUYỄN XUÂN THẮNG, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã khẳng định: “Đồng chí Lương Khánh Thiện là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và lý tưởng cao đẹp của Đảng”.

Giai đoạn 1936-1937, rất nhiều phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân nổ ra mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh này được chỉ đạo bởi Bí thư Xứ ủy lâm thời Lương Khánh Thiện như: cuộc tổng bãi công của công nhân mỏ Hồng Gai, Cẩm Phả (30 ngàn người tham gia), công nhân may Hà Nội (hơn 2 ngàn người tham gia), công nhân Nhà máy Tơ Hải Phòng (3 ngàn người tham gia)… Trên cương vị Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lương Khánh Thiện đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo tập hợp lực lượng quần chúng tham gia cuộc mít tinh lớn thu hút 25 ngàn người tham gia nhân Ngày quốc tế Lao động.

Trong thời kỳ đồng chí Lương Khánh Thiện làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Bắc kỳ, kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhiều tổ chức đảng được thành lập, nhiều phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Bắc kỳ diễn ra. Đồng chí Lương Khánh Thiện cũng là người chỉ đạo xuất bản các tờ báo làm nhiệm vụ tuyên truyền của cách mạng như: Tin tức, Đời nay, phát hành công khai các tờ báo làm phương tiện tuyên truyền, chỉ đạo phong trào cách mạng.

Trên cương vị Bí thư Xứ ủy lâm thời Bắc kỳ, chỉ trong một thời gian ngắn (tháng 3 đến 9-1937), đồng chí Lương Khánh Thiện đã chỉ đạo củng cố và hoàn thành việc kiện toàn Xứ ủy. Tính đến tháng 9-1937, Bắc kỳ đã xây dựng được tổ chức đảng ở 12/24 tỉnh, thành (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Phủ Lý, Hà Đông, Cao Bằng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phúc Yên và Lạng Sơn).

Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện của Ban Tuyên giáo Trung ương đã đánh giá: “Trên bất kỳ cương vị lãnh đạo nào, đồng chí Lương Khánh Thiện đều nêu cao quyết tâm cách mạng, bám sát thực tiễn, xây dựng cơ sở, phát triển phong trào. Những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển phong trào cách mạng, nhất là trong những thời điểm khó khăn, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của Đảng, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và bảo vệ Đảng, đặt nền tảng vững chắc cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc”.

 Hồng Phúc

Tin xem nhiều