Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV::
Đại biểu đề nghị cấm hành vi thao túng trong thị trường bất động sản và có quy định để loại trừ

L.V
21:39, 31/10/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 31-10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đóng góp ý kiến tại phiên họp Quốc hội sáng 31-10
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đóng góp ý kiến tại phiên họp Quốc hội sáng 31-10

Góp ý vào dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai) góp ý về sự liên quan của dự án luật này với Luật Nhà ở. Tại Luật Nhà ở, Điều 57 quy định về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, việc bán, cho thuê, mua các loại nhà được quy định trong luật này hoặc Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trong dự án Luật Kinh doanh bất động sản không đề cập đến nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ cho cá nhân. Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, việc cho thuê hoặc kinh doanh cũng cần điều chỉnh trong dự án Luật này.

Liên quan đến các điều cấm tại Điều 18 của dự thảo luật, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị vấn đề này cần tiếp tục được quy định và làm rõ hành vi cấm, thao túng, làm giá đối với thị trường bất động sản. Vì đại biểu cho rằng, hành vi thao túng trong thị trường bất động sản nguy hiểm không kém hành vi thao túng trong thị trường chứng khoán. Hiện nay, thao túng trong thị trường kinh doanh bất động sản rất tinh vi, tình trạng bong bóng, giá trên trời so với thực tế. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định cấm hành vi này trong luật và có quy định để loại trừ.

Đại biểu Trịnh Xuân An chỉ rõ, việc thao túng thị trường bất động sản không chỉ thông qua việc đấu thầu bỏ giá cao, bỏ cọc, mà còn dùng giá dự án này để kích giá cho dự án khác và tăng mặt bằng giá lên rất cao. Đại biểu cho rằng, nếu không xử lý vấn đề này triệt để sẽ tạo thành bong bóng. Vì vậy, cần quy định cấm thao túng giá trong dự án luật này…

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các ĐBQH đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật. Đối với 3 vấn đề đang trình, 2 phương án đã được các ĐBQH thảo luận, thể hiện chính kiến, lựa chọn phương án. Đây là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện, trình Quốc hội lựa chọn xem xét phương án khả thi nhất.

Các ĐBQH cũng đã cho ý kiến về các nội dung như: phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, điều kiện thị trường bất động sản, giải quyết tranh chấp, công khai thông tin minh bạch… Tuy nhiên, dự án luật còn nhiều vấn đề phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, liên quan đến nội dung một số dự án luật khác cũng đang được Quốc hội trình như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, vì vậy, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tiếp tục tham gia góp ý bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn chỉnh một cách thận trọng, kỹ lưỡng và toàn diện.

Phó chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ý kiến của các ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Từ chiều cùng ngày, Quốc hội dành 1,5 ngày để thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.       

L.V

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích