Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Phương Hằng
07:35, 09/10/2023

Trong hệ thống chính trị ở nước ta, người đứng đầu luôn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành các hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (thứ 3 từ trái qua) gặp gỡ đảng viên, người dân P.Long Bình (TP.Biên Hòa)
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (thứ 3 từ trái qua) gặp gỡ đảng viên, người dân P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.HẰNG

Người đứng đầu tiên phong gương mẫu, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung sẽ là tấm gương truyền cảm hứng, tạo niềm tin và động lực cho đội ngũ công chức rèn luyện, phấn đấu và cống hiến.

Luôn đổi mới để có kết quả tốt hơn

Chia sẻ về vai trò người đứng đầu, Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường cho rằng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đề ra 3 lĩnh vực đột phá, 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm; trong đó có yêu cầu về “đổi mới”. Để tạo sự đổi mới toàn diện trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội đất nước, đòi hỏi sự chung tay cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Mỗi cơ quan nhà nước cũng cần là một “tế bào” đổi mới và người đứng đầu là “hạt nhân” đổi mới.

Trong nhiều cuộc họp của tỉnh và khi làm việc với các đơn vị, địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH luôn nhấn mạnh đến vai trò người đứng đầu. Người đứng đầu được xem là “người lái tàu để đưa đoàn tàu tới đích”, do đó có vai trò định hướng quan trọng, quyết định đến chiều hướng phát triển cũng như kết quả hoạt động của đơn vị.

Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước lần đầu tiên được ban hành tại Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 7-11-2011 của Chính phủ đã đặt ra yêu cầu đến năm 2015, đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, 100% địa phương có cổng thông tin điện tử và cung cấp dịch vụ công mức độ 2. Tại Đồng Nai, trước khi có Nghị quyết 30c/NQ-CP, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện được nhiều việc, theo đó vào năm 2015, Đồng Nai đã là một trong số ít tỉnh, thành phố đầu tiên cả nước xây dựng hệ thống một cửa điện tử quản lý việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, bắt đầu từ cấp xã đến cấp huyện và đến năm 2017 chính thức áp dụng tại 3 cấp trên toàn tỉnh.

Thành tích này của tỉnh là kết quả nỗ lực rất lớn của những cơ quan đơn vị, của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt không thể thiếu vai trò tiên phong dám nghĩ, dám làm những điều mới, tốt hơn, hiệu quả hơn của đội ngũ lãnh đạo địa phương.

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, Đồng Nai không còn là địa phương đi đầu về CCHC, trong khi đó CCHC luôn đứng trước yêu cầu nhiệm vụ mới, thách thức mới, trong đó có thách thức được dự báo và thách thức bất ngờ, như đại dịch Covid-19 là một ví dụ.

Để đẩy mạnh công cuộc đổi mới của đất nước, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Song, việc CĐS đang gặp không ít thách thức. Theo ông Tạ Quang Trường, để vượt qua được những thách thức trong CĐS, người đứng đầu phải là nhân tố tiên phong. Người đứng đầu không nhất thiết phải là chuyên gia công nghệ để lãnh đạo quá trình CĐS tại đơn vị, điều quan trọng là người đặt ra bài toán, có mong muốn đổi mới, dám chấp nhận cái mới và dám cho cái mới một cơ hội.

Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường đề xuất, trong hơn 2,8 ngàn công chức đang làm việc tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, có khoảng 155 công chức trẻ trong độ tuổi từ 30 trở xuống và hơn 600 công chức có trình độ thạc sĩ trở lên, người đứng đầu các cấp, ngành, đơn vị cần nghiên cứu chế độ chính sách, tạo động lực cho đội ngũ công chức phát huy năng lực, sức sáng tạo, hình thành một văn hóa mà ở đó công chức, trí thức trẻ đều khát khao cống hiến.

Người đứng đầu như người lái tàu

Đại tá Trần Tiến Đạt, Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, vài năm trở lại đây, Công an Đồng Nai đã lập được nhiều chiến công, thành tích xuất sắc trên các mặt công tác, để lại nhiều hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân.

Để đạt được những thành tích, chiến công xuất sắc như thời gian qua, Đảng ủy Công an tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên ban thường vụ Đảng ủy, ủy viên ban chấp hành Đảng bộ Công an tỉnh. Lấy sự công tâm, công bằng, sự gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng để điều hành đơn vị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả các mặt công tác của đơn vị được giao phụ trách.

Theo đó, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (2020-2025), Đảng ủy Công an tỉnh đã chỉ đạo mở 7 đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, tập trung “đánh đúng, đánh trúng, đánh mạnh” vào từng loại tội phạm với phương châm “cắt ngọn, tỉa cành, cưa thân, đào gốc, trốc rễ”. Qua đó đã phát hiện, triệt phá, làm tan rã hơn 250 băng, ổ, nhóm tội phạm từ đơn giản đến phức tạp; bắt, xử lý hàng ngàn đối tượng về tội đánh bạc, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép ma túy...

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trong quý II-2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành điều tra dư luận xã hội về việc thực hiện Quy định số 30-QĐi/TU ngày 5-7-2019 của Ban TVTU về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban TVTU, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; Quy định số 08-QĐi ngày 11-10-2017 của Ban TVTU về thực hiện văn hóa trong Đảng. Kết quả có hơn 73% số người được hỏi đánh giá tinh thần trách nhiệm và hiệu quả làm việc của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị hiện nay tốt hơn những năm trước. Đồng thời trên 92% ý kiến người dân khi được hỏi đã rất hài lòng đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị hiện nay.

Phương Hằng

Tin xem nhiều