Ở đâu cán bộ Đoàn có năng lực, trình độ và nhiệt huyết, ở đó phong trào sôi nổi, thiết thực hiệu quả, vị thế của tổ chức Đoàn dần được khẳng định…
Cán bộ Đoàn cơ sở của TP.Long Khánh cùng với đoàn viên thanh niên ra quân hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử. Ảnh: N.SƠN |
Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ Đoàn, hàng năm, tổ chức Đoàn các cấp đều có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giúp cán bộ Đoàn, nhất là cán bộ Đoàn cơ sở, có cơ hội cập nhật kiến thức chuyên môn, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bằng nhiều cách
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên cho biết, hàng năm Tỉnh đoàn đều rà soát lực lượng cán bộ Đoàn, từ đó tham mưu giới thiệu cán bộ Đoàn tham gia các lớp đào tạo do Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức; đồng thời, cử cán bộ Đoàn tham gia các lớp bồi dưỡng cán bộ theo chức danh do Trung ương Đoàn tổ chức.
Tỉnh đoàn chủ động phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai mở các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính và phối hợp với Học viện Thanh thiếu niên phân viện miền Nam mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh vận cho cán bộ Đoàn toàn tỉnh. Để kịp thời cập nhật kiến thức cho cán bộ Đoàn cơ sở, Tỉnh đoàn còn phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ.
Để đánh giá hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Đề án Bồi dưỡng cán bộ Đoàn TNCSHCM giai đoạn 2023-2027 đề ra giải pháp xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ công tác kiểm tra đánh giá quá trình học tập của cán bộ Đoàn. Trên cơ sở đó tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ Đoàn.
Ngoài việc tham mưu với cấp ủy về chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, 100% huyện, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn.
Khi tham gia các lớp bồi dưỡng, cán bộ Đoàn cơ sở được cập nhật kiến thức về tình hình thế giới, trong nước, các vấn đề biển đảo, các chính sách pháp luật... Bên cạnh kỹ năng cán bộ Đoàn cần có, cán bộ Đoàn còn được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đoàn như: công tác kiểm tra, giám sát; quy trình quy hoạch cán bộ Đoàn, quản lý đoàn viên, quy trình giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.
Tỉnh đoàn đang thực hiện chủ trương 1+2 -mỗi cán bộ Đoàn đi cơ sở ít nhất 2 tháng/năm, đối với cán bộ Đoàn chuyên trách cấp tỉnh được thực hiện nghiêm túc. Cán bộ Đoàn cấp huyện và cơ sở chấp hành nghiêm quy định dự ít nhất 3 lần sinh hoạt chi đoàn/năm. Đây là cơ hội để cán bộ Đoàn các cấp hiểu thêm về thực tiễn công tác Đoàn tại cơ sở để tham mưu sát với tình hình thực tế tại các địa phương.
Năm nay, lần đầu tiên Trung ương Đoàn phát động hội thi Bí thư Đoàn cơ sở giỏi toàn quốc. Không chỉ tham gia vòng thi trực tuyến toàn quốc, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) Nguyễn Võ Ngọc Hòa còn được chọn tham gia và đoạt giải nhất vòng thi cấp tỉnh, trở thành thí sinh đại diện Đồng Nai tham gia vòng chung kết toàn quốc.
Chị Ngọc Hòa cho hay, hội thi là sân chơi bổ ích để cán bộ Đoàn cơ sở thể hiện sự hiểu biết, năng lực bản thân. Thông qua hội thi, bản thân chị củng cố kiến thức về lịch sử Đảng, Đoàn, Hội; nghị quyết của Đảng, Đoàn; kiến thức về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội; các kỹ năng trong công tác Đoàn...
Tạo nguồn cán bộ Đoàn kế cận
Việc tạo bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng cán bộ Đoàn nhằm góp phần nâng cao năng lực, trình độ, tính thực tiễn, năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, gương mẫu, có hoài bão và ý chí cách mạng; chuyên nghiệp và tinh thông nghiệp vụ, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới và hội nhập quốc tế.
Từ đó, tạo nguồn cán bộ Đoàn kế cận, cung cấp nguồn cán bộ trẻ có chất lượng cho Đảng và hệ thống chính trị. Tháng 5-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 489/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Bồi dưỡng cán bộ Đoàn TNCSHCM giai đoạn 2023-2027 (gọi tắt là Đề án). Ngoài mục tiêu chung, Đề án đề ra mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2027 có 90% cán bộ Đoàn quy hoạch vào các chức danh chủ chốt được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng. 80% cán bộ Đoàn chuyên trách, bán chuyên trách các cấp được cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Đoàn, Hội, Đội, góp phần nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp. 100% cán bộ Đoàn chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ cấp trung ương được bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, tham mưu và tổ chức thực hiện.
Để đạt được mục tiêu này, Đề án đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp; trong đó có việc nâng cao nhận thức của cán bộ Đoàn. Các cấp bộ Đoàn và các đơn vị có liên quan cần xây dựng chương trình và nâng cao chất lượng tổ chức lớp học.
Chương trình bồi dưỡng cán bộ Đoàn xây dựng phù hợp với tình hình mới, linh hoạt, có thể áp dụng cho nhiều địa bàn, nhiều đối tượng. Việc xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng có kết cấu hợp lý, kết hợp giữa việc học lý thuyết và trao đổi, thảo luận; kết hợp học trên lớp với tìm hiểu thực tiễn phù hợp từng đối tượng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Đội ngũ giảng viên, chuyên gia dạy công tác Đoàn, Hội, Đội của các trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm thanh thiếu niên cần được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng sư phạm, kiến thức thực tiễn trong công tác Đoàn, Hội, Đội…
Nga Sơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin