Báo Đồng Nai điện tử
En

Thanh niên Đồng Nai với sản phẩm OCOP

Nga Sơn
09:21, 28/09/2023

Tạo ra các sản phẩm chất lượng mang bản sắc địa phương, thu hút người tiêu dùng, tạo đầu ra cho sản phẩm, mang lại việc làm ổn định cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương… là những lợi ích có được khi phát triển sản phẩm đạt chuẩn chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đoàn viên thanh niên tham quan, trải nghiệm quá trình sản xuất, đóng gói tại Cơ sở kỹ nghệ tổng hợp
Cohafood ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Ảnh: N.Sơn
Đoàn viên thanh niên tham quan, trải nghiệm quá trình sản xuất, đóng gói tại Cơ sở kỹ nghệ tổng hợp Cohafood ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Ảnh: N.Sơn

Nhận thức được điều này, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn Đồng Nai đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm cổ vũ, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, hướng tới mục tiêu góp phần tạo ra nhiều sản phẩm OCOP cho địa phương.

* Khuyến khích thanh niên khởi nghiệp

Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Nguyễn Hiếu Trung cho biết, để khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) cần hiểu rõ về OCOP. Hàng năm, trong khuôn khổ Ngày hội thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp, Tỉnh đoàn duy trì tổ chức các lớp tập huấn khởi nghiệp từ chương trình OCOP. ĐVTN tham gia tập huấn được báo cáo viên chia sẻ thông tin về chương trình OCOP; cách thức triển khai; quy trình đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP; công tác thẩm định, đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Thông qua nội dung tập huấn, Tỉnh đoàn mong muốn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp với sản phẩm chủ lực của địa phương.

Tỉnh đoàn chủ động phối hợp với Sở NN-PTNT hướng dẫn doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX, tổ hợp tác của thanh niên đăng ký tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, tổ chức các diễn đàn thanh niên nông thôn khởi nghiệp gắn với chương trình OCOP dành cho thanh niên nông thôn ở các huyện. ĐVTN đã được các nhà quản lý, chuyên gia chia sẻ về cơ chế, chính sách hỗ trợ ĐVTN trong quá trình khởi nghiệp; cách thức tiếp cận với những chính sách khởi nghiệp, các nguồn vốn ưu đãi… đối với các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là các dự án khởi nghiệp gắn với chương trình OCOP.

Anh VÕ HỮU TÀI (ngụ xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom) cho biết, tham gia cuộc thi Thanh niên Đồng Nai đồng hành với sản phẩm OCOP giúp anh có cơ hội tìm hiểu về sản phẩm OCOP của địa phương, của tỉnh; biết cách quảng bá sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử nhằm đa dạng kênh tiêu thụ để tối ưu hóa lợi nhuận…

Bên cạnh hỗ trợ, giới thiệu các dự án tham gia cuộc thi Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức, từ năm 2020, Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp gắn với chương trình OCOP. Sau thành công của cuộc thi lần thứ nhất, năm nay Tỉnh đoàn tiếp tục tổ chức cuộc thi thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp lần thứ II-2023.

Cuộc thi năm nay thu hút gần 50 ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Ban tổ chức đã chấm, lựa chọn 14 ý tưởng, dự án vào vòng bán kết. Các thí sinh vào vòng bán kết được tập huấn kỹ năng xây dựng dự án kinh doanh; phát triển sản phẩm; thuyết trình dự án, kêu gọi đầu tư… Bên cạnh đó, các thí sinh còn có cơ hội tìm hiểu về công cụ và chiến lược bán hàng trên các kênh thương mại điện tử; phương pháp xây dựng website kinh doanh hiệu quả; xác định mục tiêu cụ thể cho website; cách marketing hiệu quả cho những người mới kinh doanh online; cách tăng trưởng khách hàng, doanh thu trên Facebook…

* Đồng hành với sản phẩm OCOP

Không chỉ khuyến khích ĐVTN khởi nghiệp với sản phẩm OCOP, năm nay Tỉnh đoàn còn tổ chức hoạt động phát huy vai trò của ĐVTN trong việc đồng hành với sản phẩm OCOP. Theo đó, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Sở NN-PTNT tổ chức cuộc thi Thanh niên Đồng Nai đồng hành cùng sản phẩm OCOP.

Theo Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Nguyễn Hiếu Trung, Ban tổ chức cuộc thi mong muốn tạo môi trường cho ĐVTN, hội viên nông dân trẻ có cơ hội tìm hiểu về sản phẩm OCOP của địa phương; đồng thời, tìm kiếm các ý tưởng quảng bá sản phẩm OCOP trên các trang mạng xã hội nhằm đưa sản phẩm OCOP đến với đông đảo người tiêu dùng.

Các thí sinh tham gia cuộc thi thực hiện video clip giới thiệu về một sản phẩm OCOP của địa phương hoặc trên địa bàn tỉnh. Sau khi hoàn thành video clip, các thí sinh đăng tải lên Facebook, TikTok hoặc các nền tảng mạng xã hội khác cùng với hashtag: #MasterSalesDongNai, #OCOPDongNai, #tên sản phẩm OCOP dự thi. Các sản phẩm dự thi hay, thu hút sẽ được lựa chọn vào vòng trải nghiệm. Ở vòng trải nghiệm, các thí sinh được tham gia buổi tập huấn kỹ năng giao tiếp, bán hàng, thuyết phục, đàm phán, xử lý tình huống. Ban tổ chức còn tạo cơ hội cho các thí sinh tham quan quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tại Cơ sở kỹ nghệ tổng hợp Cohafood (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa).

Tại đây, các thí sinh tự tìm hiểu thông tin, quay video clip quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm của cơ sở, từ đó xây dựng thành video clip hoàn chỉnh và đăng tải trên mạng xã hội, góp phần tuyên truyền rộng rãi các sản phẩm OCOP trong cộng đồng. Các cá nhân xuất sắc ở vòng trải nghiệm sẽ được lựa chọn vào vòng chung kết.

Ở vòng thi này, các thí sinh lựa chọn một sản phẩm OCOP nhưng không phải để quay video clip mà xây dựng kế hoạch phát triển thị trường, chiến lược kinh doanh, định hướng phát triển sản phẩm…

Bà Trần Thị Hà, chủ Cơ sở kỹ nghệ tổng hợp Cohafood cho rằng, hoạt động này rất ý nghĩa bởi sản phẩm đạt chuẩn OCOP ra đời trải qua quá trình dài đòi hỏi sự nỗ lực của chủ cơ sở. Vì vậy, điều các chủ cơ sở có sản phẩm OCOP mong muốn chính là sản phẩm đến được với đông đảo người tiêu dùng.

“Cá nhân tôi hy vọng thời gian tới hoạt động này tiếp tục được duy trì để các sản phẩm OCOP của tỉnh có cơ hội vươn xa” - bà Hà cho hay.

Nga Sơn

Từ khóa:

tiêu dùng

Tin xem nhiều