Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023

Phương Hằng
07:35, 20/09/2023

Từ đầu năm đến nay, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2023 về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị.

Nhiều trường học trên địa bàn H.Vĩnh Cửu  đang thiếu giáo viên. Trong ảnh: Cô và trò Trường tiểu học Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) trong giờ học
Nhiều trường học trên địa bàn H.Vĩnh Cửu đang thiếu giáo viên. Trong ảnh: Cô và trò Trường tiểu học Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) trong giờ học. Ảnh: QUANG HUY

Tuy nhiên, chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2023 nhưng hiện còn không ít chỉ tiêu các địa phương trong tỉnh chưa thực hiện đạt theo kế hoạch đề ra.

Thu ngân sách gặp khó

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Cẩm Mỹ Vũ Thanh Tùng cho biết, 8 tháng của năm 2023, thu ngân sách trên địa bàn huyện mới đạt 38,7% kế hoạch của năm. Các nguồn thu đều bị giảm mạnh như: thu nhập cá nhân mới đạt hơn 23%, thu lệ phí trước bạ hơn 37%, thu tiền sử dụng đất gần 36%. Dự báo đến cuối năm nay, thu ngân sách của huyện đạt khoảng 56,7%. Nguyên nhân thu ngân sách giảm mạnh do thị trường bất động sản trầm lắng; các nguồn thu của nhân dân giảm nên nhu cầu mua sắm trong nhân dân cũng bị giảm.

Tại H.Thống Nhất, 8 tháng qua, thu ngân sách đạt hơn 69% kế hoạch của năm nhưng tình hình thu ngân sách trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn. Hiện nay, huyện còn 150 tỷ đồng đã có giấy báo thuế cho người dân nhưng người dân chưa có khả năng nộp, do giá bất động sản đang hạ nhiệt nên người dân chưa có tiền nộp thuế sử dụng đất. Nếu huyện thu được số tiền này mới đảm bảo thu ngân sách đạt kế hoạch tỉnh giao, nhưng với tình hình như hiện nay thì dự báo năm nay H.Thống Nhất khó thu thuế đạt 100% kế hoạch giao.

Trước những khó khăn của các địa phương, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đề nghị cấp ủy, chính quyền các các cấp rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết của Tỉnh ủy và của cấp mình năm 2023 đề ra, từ đó xem những việc gì đang khó khăn, vướng mắc thì tập trung chỉ đạo thực hiện cho tốt. Qua đó quyết tâm thực hiện đạt những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2023, chăm lo tốt đời sống nhân dân...

Bên cạnh khó khăn về thu ngân sách, các địa phương còn gặp khó khăn về giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng...

Theo Phó bí thư thường trực Huyện ủy Thống Nhất Nguyễn Huy Du, không ít dự án trên địa bàn huyện đang vướng mắc ở công tác đền bù, giải phóng mặt bằng liên quan đến đất của Tổng công ty Cao su Đồng Nai. Hiện nay, việc đền bù không chỉ đối với đất trồng cây cao su mà còn phải đền bù cả vòng đời của cây cao su và tính công của người công nhân chăm sóc, thu hoạch cây cao su đó còn bao nhiêu năm nữa... Những điều này đã gây nhiều ách tắc trong tính toán, thống nhất giá cả đền bù liên quan đến đất trồng cây cao su, từ đó làm chậm quá trình giải phóng mặt bằng, thi công các công trình, dự án.

Liên quan đến vướng mắc trong đền bù đất trồng cây cao su, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Long Thành Huỳnh Minh Dũng nêu, dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài đi qua Đồng Nai hơn 34km; trong đó đoạn qua H.Long Thành dài 28km và có đến 9 xã, thị trấn của huyện nằm trên tuyến này.

Để thực hiện được dự án, H.Long Thành đã quy hoạch 2 khu tái định cư tại các xã Long Phước (gần 34ha) và Long Đức (30ha). Khu tái định cư tại xã Long Đức đã được khởi công xây dựng vào đầu tháng 2-2023, nhưng tiến độ dự án còn rất chậm do đến nay mới chỉ giải phóng được 10ha vườn cây cao su trên tổng số 30ha cao su trong khu vực dự án, nên chưa thể bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư thi công.

Nhiều địa phương thiếu giáo viên

Ngoài những khó khăn liên quan đến thu ngân sách, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư..., các địa phương trong tỉnh còn đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên.

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Trảng Bom Nguyễn Thị Nga cho biết, số biên chế huyện được giao trong năm học 2022-2023 là 2.692 người, nhưng số biên chế hiện có là 2.510 người (còn thiếu 182 biên chế được giao). Còn so với yêu cầu của năm học 2023-2024, H.Trảng Bom đang thiếu 382 biên chế. Như vậy, cộng với số biên chế huyện chưa tuyển đủ (182 biên chế) và số biên chế còn thiếu so với định biên, H.Trảng Bom đang thiếu gần 600 biên chế ngành Giáo dục.

Nguyên nhân thiếu biên chế là do việc tuyển dụng giáo viên theo Luật Giáo dục năm 2019 đòi hỏi trình độ giáo viên tiểu học và THCS phải có bằng cử nhân đại học; giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng, do đó không có đủ giáo sinh để tuyển dụng theo nhu cầu cần tuyển.

Theo Phó bí thư thường trực Huyện ủy Vĩnh Cửu Nguyễn Tấn Phước, năm học mới 2023-2024 đã bắt đầu được hơn 2 tuần nhưng hiện một số điểm trường của các xã vùng xa như Phú Lý, Mã Đà đang thiếu giáo viên. Một số giáo viên đã công tác nhiều năm tại các xã này, nay xin chuyển đến các trường gần trung tâm huyện hoặc những nơi có điều kiện thuận lợi. Để động viên giáo viên gắn bó với các điểm trường ở Phú Lý và Mã Đà, thời gian qua, huyện đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho giáo viên, nhưng đó chỉ là việc làm trước mắt, về lâu dài tỉnh phải có chế độ chính sách “giữ” giáo viên các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa ở lại với nghề. Nếu không nhanh chóng có chế độ chính sách cho giáo viên ở những vùng khó khăn thì không tuyển được giáo viên...

Phương Hằng

Tin xem nhiều