Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy nguồn vốn cộng đồng

Sông Thao
09:28, 12/09/2023

Gần 1 năm qua, mỗi ngày ông Phạm Minh Nghĩa (khuyết tật chân, ở trọ tại H.Long Thành) được nhận số vốn tương đương 200 tờ vé số để đi bán dạo. Chịu khó đi và nhờ may mắn nên 1 năm qua, mỗi ngày ông kiếm được gần 200 ngàn đồng.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên trao vốn vay cho nạn nhân
chất độc da cam. Ảnh: S.Thao
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên trao vốn vay cho nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: S.Thao

Ông Nghĩa là một trong số 70 thành viên đang được gia đình bà Đào Thị Một (ngụ TT.Long Thành) hỗ trợ vốn bán vé số từ nguồn vốn cộng đồng trong thời gian qua.

* Đa dạng nguồn vốn cộng đồng

Điểm chung của các chương trình cho vay này là nguồn tiền hoàn toàn từ cộng đồng. Thêm vào đó, khoản vay mà mỗi người được nhận tương đối nhỏ và hầu như lãi suất bằng 0 hoặc chỉ mang tính tượng trưng. Một số nơi sau quá trình người vay hoàn trả, người cho vay hay hội đoàn thể tặng lại vốn cho người vay.

Hiện hầu như các hội đoàn thể ở cơ sở đều xây dựng được nguồn quỹ theo mô hình tự giúp nhau, hội viên đóng góp tiền theo khả năng hoặc định mức chung. Số tiền sau đó được cho hội viên có nhu cầu vay hoặc người dân có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng vay vốn.

Như tại ấp 5, xã Sông Trầu (H.Trảng Bom), thời gian qua, Ban Công tác Mặt trận ấp đã kết nối hội viên các hội đoàn thể, nhân dân xây dựng các nguồn quỹ để trợ giúp người khó khăn cần vốn làm ăn. Qua đó, Chi hội Cựu chiến binh ấp đã xây dựng được gần 90 triệu đồng. Riêng CLB phòng chống bạo lực gia đình ấp có nguồn quỹ 37 triệu đồng. Số tiền này được cho người có nhu cầu về vốn vay 20 triệu đồng/hộ với lãi suất 1,5% năm. Tiền lãi được các hội đoàn thể dùng để thăm hỏi khi hội viên bị đau ốm, qua đời.

Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh ĐÀO NGUYÊN, bên cạnh các chế độ, chính sách của Nhà nước, thông qua nguồn vốn do cá nhân, tổ chức đóng góp, hàng trăm nạn nhân chất độc da cam đã được nhận nguồn vốn nhỏ để làm những nghề phù hợp với tình trạng sức khỏe. Nhờ vậy, cuộc sống nhiều nạn nhân chất độc da cam trở nên ổn định.

Ngoài ra, thông qua đóng góp của các tổ chức, cá nhân dành cho Quỹ Vì người nghèo, nhiều năm qua, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã vận dụng để hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo, gia đình khó khăn. Mỗi trường hợp được vay từ 15-20 triệu đồng để làm kinh tế. Trong số này, có 52 phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vốn với tổng số tiền trên 507 triệu đồng. Đồng thời, thông qua thực hiện dự án Ngân hàng bò, có 49 con bò được hội chữ thập đỏ các cấp trao cho hộ khó khăn tại 2 huyện: Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh với tổng trị giá 197 triệu đồng.

Đặc biệt, được đánh giá là đồng đều và trải rộng từ xã đến tỉnh trong thực hiện giúp vốn từ cộng đồng cho người khó khăn là tổ chức hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên, hội cấp xã, phường, thị trấn đang cho từ 3-5 hội viên vay vốn khoảng 5-15 triệu đồng. Riêng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, huyện, thành phố đang trợ giúp vốn cho 100 trường hợp với số tiền trên 1,1 tỷ đồng. Những khoản vay này được sử dụng làm vốn bán vé số, mua bán ve chai, mua các loại máy móc phục vụ công việc tại nhà. Từ đó, số tiền vay mỗi người khác nhau và dao động từ 2-20 triệu đồng.

* Niềm vui của người được vay vốn

Anh Nguyễn Trọng Thuyết (ngụ tại xã Suối Cát, H.Xuân Lộc) cho hay, anh bị khuyết tật 2 chân, không người thân thích. Anh muốn có một xe lăn và ít vốn để đi bán vé số. Thông qua sự kết nối, hỗ trợ của chính quyền địa phương và cơ sở tôn giáo, anh được nhận 1 xe lăn cùng gần 300 tờ vé số để đi bán. Tuy di chuyển khó khăn hơn người bình thường song nhờ siêng năng, tình thương của mọi người nên anh thường bán hết vé số lấy hàng ngày.

Còn ông Lê Thành Công (nạn nhân chất độc da cam, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, mỗi năm khi nhận vốn vay từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, ông có thêm điều kiện để mua thiết bị về để sửa chữa đồ điện gia dụng cho khách, giúp ông có thêm thu nhập để nuôi con đi học. 

Bên cạnh những tín hiệu tích cực kể trên, nguồn vốn vay từ cộng đồng cũng có điểm yếu do nguồn vốn vay hoàn toàn không lãi suất. Người vay không phải làm hồ sơ, thủ tục hay thuế chấp tài sản, mà chủ yếu là lòng tin. Trong quá trình hỗ trợ vốn vay này, thời gian qua, đã có vài trường hợp trốn tránh việc hoàn trả vốn hay chiếm dụng vốn.

Do vậy, trong quá trình thực hiện, việc xem xét kỹ nhu cầu và mục đích vay, nhân thân là điều quan trọng. Đồng thời, do là nguồn vốn của cộng đồng đóng góp nên việc cho vay đúng đối tượng, thu - chi minh bạch là đều rất cần thiết.

Ông Hồ Đình Hồng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), phường có 7 chi hội người cao tuổi với hơn 2 ngàn hội viên cho hay, trong quá trình hoạt động, các chi hội đã xây dựng được nguồn quỹ trị giá hơn 900 triệu đồng để sử dụng cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn vay buôn bán nhỏ, làm chi phí duy trì sinh hoạt của 19 CLB văn hóa, thể thao, tổ chức các hội thi văn hóa - thể thao hàng năm. Những năm qua, nhờ thu - chi minh bạch, việc cho vay diễn ra công bằng nên nguồn quỹ này ổn định và phát huy hiệu quả.

Còn theo bà Đào Nguyên, thông qua các chương trình vận động quỹ hội để thực hiện hỗ trợ, chăm sóc cho nạn nhân chất độc da cam, trong đó có hỗ trợ vốn vay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tiếp nhận sự đóng góp tích cực từ cộng đồng, giúp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chủ động thực hiện công tác an sinh xã hội, trong đó có trao vốn cho nạn nhân, người khuyết tật.

Quá trình cho vay vốn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh làm kỹ lưỡng từ khâu khảo sát thực tế, theo dõi quá trình sử dụng vốn của người vay. Nhờ vậy thời gian qua không xảy ra tình trạng mất vốn đối với người vay.

Sông Thao

Tin xem nhiều