Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi lương - giáo đồng lòng:
Bài cuối: Khơi gợi sức mạnh đoàn kết dân tộc

Văn Truyên
07:40, 22/09/2023

Bên cạnh những đóng góp tích trong các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động tôn giáo, dân tộc trên địa bàn Đồng Nai vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần được giải quyết. Bên cạnh đó, với đặc điểm về dân tộc, tôn giáo, Đồng Nai cũng là địa phương bị các đối tượng thù địch nhắm đến để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lãnh đạo tỉnh cùng tăng, ni thả bong bóng cầu bình an tại lễ Phật đản năm 2023 - Phật lịch 2567
Lãnh đạo tỉnh cùng tăng, ni thả bong bóng cầu bình an tại lễ Phật đản năm 2023 - Phật lịch 2567. Ảnh: V.TRUYÊN

Để đồng bào các tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp tục đóng góp tích cực, đồng lòng vào quá trình xây dựng địa phương, thời gian qua, nhiều chế độ, chính sách ưu tiên dành cho đồng bào các tôn giáo, đồng bào DTTS đã được triển khai.

Kịp thời giải quyết vấn đề nóng

Thời gian qua, tình trạng xây dựng các hạng mục tôn giáo trái phép vẫn xảy ra tại một số địa bàn. Các hình thức sinh hoạt tà đạo vẫn còn diễn ra tại một số nơi. Một số chức sắc, chức việc chưa tích cực thể hiện vai trò dẫn dắt tín đồ đóng góp xây dựng quê hương, còn biểu hiện co cụm, tách biệt và hạn chế phối hợp cùng chính quyền địa phương, ít quan hệ với các tôn giáo bạn. Điều này tác động không nhỏ đến sự đoàn kết của đồng bào các tôn giáo trong cuộc sống cũng như giữa đồng bào với hoạt động của đoàn thể, chính quyền.

Riêng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS hoạt động chưa đều tay, chưa phát huy được thế mạnh, vai trò, trách nhiệm được cộng đồng mong đợi. Do vậy, ở một số nơi, đồng bào DTTS thiếu sự đoàn kết, không có sự tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, xây dựng kinh tế. Bà con còn thiếu ý thức chấp hành quy định của pháp luật, quy ước của cộng đồng dân cư và còn ngại tham gia các hoạt động chung.

Từ thực tế đó, thời gian qua, nhiều chương trình kết nối các tổ chức tôn giáo, đồng bào DTTS đã được thực hiện nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của từng tổ chức tôn giáo, cộng đồng DTTS.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang cho biết, mỗi năm Ban Dân tộc tỉnh đều có sự rà soát, kiện toàn, xây dựng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS. Với những trường hợp hoạt động thiếu năng nổ, Ban Dân tộc tỉnh đề xuất người thay thế là người có uy tín trong cộng đồng, gắn kết tốt với hội đoàn thể, chính quyền, có đóng góp tích cực cho địa phương. Đồng thời, tỉnh thực hiện chế độ cấp bảo hiểm y tế cùng 800 ngàn đồng/tháng đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Đến nay, Đồng Nai đã cấp 48,22 ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS tại 24 xã thuộc khu vực I vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tỉnh thường xuyên biểu dương, khen thưởng gia đình DTTS tiêu biểu, học sinh - sinh viên DTTS tiêu biểu và nhân sĩ, trí thức tiêu biểu trong đồng bào DTTS.

Ngoài ra, nhiều chương trình đào tạo tiếng nói, chữ viết, âm nhạc trong đồng bào DTTS cũng được thực hiện.

Theo đại đức Thạch Sa Huỳnh (TP.Long Khánh), nhu cầu học chữ Khmer của bà con là rất lớn. Vậy nên, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện tổ chức lớp dạy chữ Khmer ngay tại chùa. Đồng thời, để giữ gìn nét văn hóa âm nhạc của cộng đồng, các lớp tập luyện đàn ngũ âm cũng được tổ chức.

Đặc biệt, để các tôn giáo phát triển thuận lợi, tỉnh luôn tạo điều kiện để các cơ sở tôn giáo xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng trụ sở.

Theo đại đức Thích Đạt Ma Chí Hải, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Việt Nam H.Long Thành, được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, trụ sở Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam H.Long Thành đang trong quá trình hoàn thiện, là niềm vui của tăng, ni, phật tử trên địa bàn huyện. 

Còn Giám mục Nguyễn Chu Trinh, Giám đốc Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi (H.Thống Nhất), nguyên Giám mục Chính tòa Giáo phận Xuân Lộc cho hay, chức sắc, giáo dân Công giáo tại Đồng Nai rất phấn khởi khi tỉnh tạo điều kiện để xây dựng Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi. Trong quá trình xây dựng, lãnh đạo tỉnh, huyện luôn quan tâm, tháo gỡ khó khăn để trung tâm sớm hoàn thành, đưa vào phục vụ tôn giáo. Các giáo xứ cũng được tỉnh tạo điều kiện để cải tạo, mở rộng, xây mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào.

Nối dài cầu nối đoàn kết

Để tiếp tục tạo điều kiện, gắn kết đồng bào tôn giáo, đồng bào DTTS đồng lòng thực hiện xây dựng cuộc sống, phát triển quê hương, nhiều giải pháp, đề xuất đã được đề ra.

Trong công tác dân tộc, điểm nổi bật là Đồng Nai luôn quan tâm, tạo điều kiện để chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS. Qua đó, nhiều cá nhân đã mạnh dạn đảm nhận 2 vai trò vừa lãnh đạo tôn giáo, vừa là cầu nối gắn kết cộng đồng với chính quyền địa phương. Có thể kể đến những gương mặt tích cực là người có uy tín trong đồng bào DTTS như: mục sư Điểu Văn Trung, đại đức Thạch Sa Huỳnh, giáo cả Đô Hô Sên, giáo cả Mô Ha Mét…

Ngoài ra, thời gian qua, hàng loạt chương trình, đề án, dự án, chính sách dân tộc liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỷ lệ ấp vùng DTTS có đường giao thông được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới đạt 99%. Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng 14 nhà văn hóa dân tộc tại các xã có đông đồng bào DTTS…

Từ năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chùa Ông, Ban Liên lạc người Hoa Biên Hòa đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2024. Căn cứ theo nội dung chương trình phối hợp, mỗi quý, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chùa Ông, Ban Liên lạc người Hoa Biên Hòa phối hợp thực hiện từ 1-2 đợt trao tặng quà hỗ trợ cho các cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm đến những cơ sở bảo trợ xã hội ở vùng sâu, vùng xa còn ít người biết đến, ít nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

Theo thượng tọa THÍCH HUỆ KHAI, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Phật giáo Đồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Đảng bộ tỉnh; hưởng ứng các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố quốc phòng, phát huy tinh thần độc lập dân tộc.

Quyền Trưởng ban Trị sự chùa Ông Huỳnh Hữu Nghĩa cho hay, sự kết nối này đã đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng người Hoa trong việc sát cánh cùng chính quyền địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, thời gian qua, định kỳ hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh triển khai chương trình phối hợp thống nhất hành động. Một trong những nội dung trọng tâm được các bên phối hợp là vận động đồng bào tín đồ chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp bảo vệ môi trường, thực hiện công tác an sinh xã hội.

Cùng với đó, theo thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trong quá trình kiện toàn nhân sự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ huyện đến tỉnh, Phật giáo Đồng Nai luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh, huyện. Ngoài ra, trong quá trình Phật giáo Đồng Nai tổ chức các sự kiện tôn giáo, cơ quan chức năng của tỉnh đều chủ động phối hợp để mọi việc diễn ra thuận lợi.

Còn theo linh mục Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, được sự tạo điều kiện của các cơ quan chức năng của tỉnh nên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh cùng 11/11 Ban Đoàn kết Công giáo cấp huyện đều đã hoàn thành việc kiện toàn nhân sự, góp phần tăng cường kết nối giữa Công giáo với chính quyền các cấp trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Riêng dịp Giáng sinh hàng năm, chính quyền các cấp đều tạo điều kiện để các giáo xứ, giáo dân thực hiện trang trí xóm đạo, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông khi tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người. 

Văn Truyên

 

Tin xem nhiều