Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phương Hằng
07:35, 13/09/2023

Sau hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, cùng với những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC) ở Đồng Nai đạt được những kết quả rõ rệt.

Theo quy định của Trung ương, cứ 3 tháng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh tổ chức họp một lần, nhưng ở Đồng Nai thực hiện 2 tháng tổ chức họp một lần để kịp thời chỉ đạo xử lý công việc
Theo quy định của Trung ương, cứ 3 tháng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh tổ chức họp một lần, nhưng ở Đồng Nai thực hiện 2 tháng tổ chức họp một lần để kịp thời chỉ đạo xử lý công việc. Ảnh: P.HẰNG

TNTC từng bước được xử lý kịp thời, góp phần giữ vững ổn định tình hình của địa phương và củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Những chuyển biến rõ rệt

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống TNTC tỉnh  Trần Trung Nhân cho biết, xác định công tác phòng, chống TNTC là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng nên hàng năm Ban TVTU đều ban hành chương trình công tác trọng tâm phòng, chống TNTC và ban hành chương trình kiểm tra, giám sát để phòng ngừa TNTC, trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát chuyên đề, lựa chọn đối tượng, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh TNTC.

Các cấp ủy, chính quyền trong từng cơ quan, đơn vị đã tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục về phòng ngừa TNTC gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công khai minh bạch trong mua sắm tài sản công; thu chi tài chính; quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, đấu thầu; công khai công tác cán bộ; kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn...

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống TNTC tỉnh, nhằm chủ động phòng ngừa TNTC, các cơ quan, đơn vị thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức ở những ngành nghề, vị trí dễ xảy ra TNTC. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 388 trường hợp; trong đó, cấp tỉnh có 207 trường hợp và cấp huyện có 181 trường hợp.

Thời gian qua, qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 26 vụ việc có dấu hiệu tội phạm TNTC và chuyển cơ quan chức năng xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đến nay, đã khởi tố 3 vụ, đang tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định 20 vụ.

Các vụ việc sai phạm về TNTC thời gian qua chủ yếu xảy ra trên các lĩnh vực: tài chính ngân sách, đấu thầu dự án, đầu tư xây dựng công trình và quản lý, sử dụng đất, với các hành vi sai phạm chủ yếu là tham ô tài sản; nhận hối lộ; lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về đầu tư, xây dựng công trình...

Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 44 vụ án, vụ việc TNTC; trong đó đã xét xử 14 vụ án, với 34 bị cáo (tăng 1,4 lần so với cả nhiệm kỳ 2015-2020). Đối tượng bị xét xử đã có sự thay đổi đáng kể, giai đoạn 2013-2020, trong số 64 bị cáo đã bị xét xử với tội danh liên quan TNTC thì 84% là người không giữ chức vụ và chủ yếu công tác ở cấp huyện, cấp xã; nay đối tượng bị xét xử có không ít cán bộ giữ chức vụ cấp tỉnh, huyện (bao gồm cả những cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy huyện, tương đương và Ban TVTU quản lý).

Tạo niềm tin cho nhân dân

Trước yêu cầu của thực tiễn và trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, tháng 7-2022, Ban TVTU đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống TNTC tỉnh gồm 16 thành viên, do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban.

Qua hơn 1 năm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống TNTC tỉnh, Ban chỉ đạo đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo 21 vụ án, vụ việc TNTC và ban hành kế hoạch xử lý các vụ án, vụ việc. Đến nay, Thường trực Ban chỉ đạo đã chỉ đạo đưa ra xét xử xong 3 vụ án; trong đó có vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, như vụ án buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng, xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và có sự tiếp tay của một số cán bộ trong lực lượng chống buôn lậu như: lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường...

Tại hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống TNTC cấp tỉnh do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống TNTC tổ chức hồi tháng 6-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ, trước khi thành lập ban chỉ đạo phòng, chống TNTC cấp tỉnh, Đảng ủy Công an Trung ương đã chủ động chỉ đạo thực hiện chủ trương mạnh dạn phân cấp và củng cố về mọi mặt để cơ quan điều tra cấp tỉnh đủ sức điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng mọi cấp độ tại địa bàn. Từ đó, việc phát hiện, điều tra án tham nhũng tại các địa phương từng bước chuyển biến tốt hơn. Nếu như năm 2016 có 11/63 tỉnh, thành phố không khởi tố được án tham nhũng thì từ năm 2021 đến nay, 100% các địa phương đều khởi tố được án tham nhũng. Nhiều cơ quan điều tra cấp tỉnh, trong đó có Đồng Nai đã thực hiện tốt việc chủ trì điều tra các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo.

Tại buổi gặp mặt 6 tháng đầu năm 2023 với các đồng chí nguyên Bí thư, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy và nguyên Ủy viên Ban TVTU các khóa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Thị Minh Hoàng cho rằng, qua 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống TNTC tỉnh, bước đầu có những kết quả tích cực, tạo niềm tin cho nhân dân về quyết tâm và sự quyết liệt của Ban TVTU trong công tác phòng, chống TNTC. Đồng chí đề nghị Trung ương và tỉnh cần nghiên cứu có giải pháp đưa tài sản đã thu hồi từ các vụ án có giá trị về kinh tế để quay trở lại phục vụ cho sự phát triển của đất nước, của xã hội một cách tốt nhất, tránh tình trạng tài sản đất đai, cơ sở vật chất sau khi thu hồi lại để lãng phí, không sử dụng.

Phương Hằng

Tin xem nhiều