Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo quốc phòng, an ninh để phát triển vùng bền vững

Nguyệt Hà
09:38, 07/09/2023

Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển bền vững vùng Đông Nam bộ (ĐNB) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 24) khẳng định vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về mọi mặt của vùng ĐNB đối với cả nước.

Thủ trưởng Quân khu 7 trao đổi với lực lượng vũ trang Đông Nam bộ trong sơ kết khối thi đua quân sự địa phương. Ảnh: Nguyệt Hà
Thủ trưởng Quân khu 7 trao đổi với lực lượng vũ trang Đông Nam bộ trong sơ kết khối thi đua quân sự địa phương. Ảnh: Nguyệt Hà

Đảm bảo quốc phòng, an ninh (QPAN) - nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên - là điều kiện tiên quyết, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

* Coi trọng đảm bảo QPAN

Vùng ĐNB (gồm TP.HCM và các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương) đến năm 2030 phải trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước về mọi mặt.

Nghị quyết số 24 xác định vùng ĐNB giai đoạn 2021-2030 có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8-8,5%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14,5 ngàn USD; tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7%; công nghiệp xây dựng 45,3%; tỉ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30-35%; đô thị hóa từ 70-75%; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 cho rằng, Nghị quyết số 24 xác định một số chỉ tiêu cụ thể như trên đều có cơ sở, căn cứ từ thực tiễn. Đặc biệt, thành tựu kinh tế - xã hội, QPAN, đối ngoại của vùng ĐNB năm 2020 đã đạt và vượt so với kế hoạch. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng ĐNB tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và tăng 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng ĐNB đã đóng góp 32% GDP cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước; thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước…

Theo thiếu tướng, PGS-TS Vũ Thanh Hiệp, để thực hiện các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 24 xác định, vấn đề mang tính tiên quyết, tạo thuận lợi cho phát triển bền vững chính là coi trọng đảm bảo QPAN - là trọng yếu, thường xuyên.

“Từ những yếu tố còn tiềm ẩn mà vùng ĐNB cũng như một số địa bàn trong nước thời gian qua bắt buộc phải đảm bảo QPAN mới thực hiện phát triển bền vững vùng ĐNB” - thiếu tướng, PGS-TS Vũ Thanh Hiệp nhấn mạnh.

Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Thanh Hiệp chỉ ra nhiều vấn đề mang tính thách thức đối với QPAN mà vùng ĐNB cần tập trung giải quyết như: Việc giữ vững an ninh chính trị, xử lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, thềm lục địa Tổ quốc, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển. Đó còn là sự gia tăng của chủ nghĩa đơn phương và quan hệ bất thường của các nước lớn gây khó khăn trong xử lý mối quan hệ với từng nước, với các đối tác. Việt Nam cũng như các nước vừa và nhỏ sẽ khó khăn hơn trong việc thực hiện phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa” quan hệ quốc tế…

* Tăng cường đảm bảo QPAN

Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm, Phó tư lệnh Quân khu 7, Ủy viên Ủy ban QPAN của Quốc hội cho rằng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; bảo vệ nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam là một trong những giải pháp nhằm tăng cường QPAN.

Cùng với đó, phải kiên quyết, kiên trì giữ vững hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, kỷ cương, bảo đảm an ninh kinh tế - xã hội, an ninh mạng, an ninh con người. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố bên trong có thể gây đột biến…

“Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, tăng cường sức mạnh quốc phòng, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tận dụng thời cơ, phát huy, khai thác lợi thế của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, huy động đến mức cao nhất các nguồn lực, sức sáng tạo, sức mạnh tổng hợp vào tập trung xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận QPAN, tăng cường sức mạnh quốc phòng để chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” - thiếu tướng Đặng Văn Lẫm nhấn mạnh.

Nằm trong vùng ĐNB, Đồng Nai luôn chủ động trong việc đảm bảo QPAN gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đại tá Vũ Văn Điền, Ủy viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho rằng, bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy Quân khu 7 và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tham mưu hiệu quả nhiệm vụ quân sự quốc phòng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Đại tá Vũ Văn Điền cho biết: “Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh (2020-2025), Đảng ủy Quân sự tỉnh đã lãnh đạo đạt và vượt 19/19 chỉ tiêu đã xác định. Trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt cao; liên tục 2 năm 2021-2022 được Tỉnh ủy tặng Cờ thi đua là Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Nhiều mô hình của lực lượng vũ trang tỉnh như: “Dân quân nắm hộ gia đình nơi cư trú”; “Căn nhà hậu phương”; “Cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ”… đã và đang thực hiện hiệu quả, tiếp tục được nhân rộng, giữ vững QPAN trên địa bàn, đảm bảo cho phát triển bền vững.

Nguyệt Hà


Thiếu tướng TRẦN ĐỨC THUẬN, Ủy viên thường trực Ủy ban QPAN của Quốc hội:

Nhất thiết phải đảm bảo QPAN vững chắc

ĐNB nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước, đã đóng góp rất lớn vào GDP của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là vùng tiếp giáp và có vị thế địa chính trị quan trọng; có vị trí chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ biên giới và hướng biển; cửa ngõ bảo vệ TP.HCM với nhiều cơ sở kinh tế, khoa học, quốc phòng quan trọng; luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố thách thức. Do đó, muốn phát triển bền vững, vùng ĐNB nhất thiết phải đảm bảo QPAN vững chắc…

Thiếu tướng ĐẶNG VĂN HÙNG, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7:

Điều kiện tiên quyết thúc đẩy vùng phát triển

Vùng ĐNB được xác định là đầu tàu, động lực kinh tế phía Nam, cũng như cả nước; lại có đặc thù đông đồng bào dân tộc, đa tôn giáo; là vùng động lực kinh tế phát triển nên lượng công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đông, trong đó lao động nhập cư khá lớn…

Từ đặc thù này, vùng ĐNB phải tăng cường QPAN, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ vững chắc; tạo môi trường hòa bình, ổn định để tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững.

Nam Anh (ghi)


 

 

Tin xem nhiều