Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, người dân từ thành thị đến nông thôn đều dễ dàng tiếp cận với xa lộ thông tin. Nhưng có một bộ phận người dân vẫn nghèo về thông tin - cụ thể là nghèo những thông tin chính thống, thông tin tích cực, thông tin có định hướng; từ đó dễ bị tác động bởi các quan điểm xấu, độc tấn công trên mặt trận tư tưởng.
Người dân xem Báo Đồng Nai điện tử - một trong những kênh thông tin chính thống của tỉnh. Ảnh: L.Viên |
Ngày 11-8 vừa qua, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã khảo sát các hoạt động thông tin, tuyên truyền giảm nghèo về thông tin tại Đồng Nai.
* Có thông tin đầy đủ, người dân không bị tác động bởi các thế lực xấu
Phát biểu tại buổi làm việc, nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của thông tin, Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết: “Đối với hệ thống chính trị của chúng ta, thông tin không những giúp người dân nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn giúp người dân ý thức nhiều hơn về quyền lợi và trách nhiệm của họ khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội. Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sự đồng tâm, sự đồng thuận của người dân cũng bắt nguồn từ việc nắm bắt đầy đủ các thông tin chính sách, chủ trương. Qua đó, hạn chế bớt những điểm nóng, những bức xúc trong nhân dân khi người dân nắm đầy đủ các thông tin cần thiết liên quan đến đời sống, liên quan quyết sách thực hiện trên địa bàn. Có thông tin đầy đủ, người dân sẽ không bị tác động bởi các thế lực xấu”.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN nhấn mạnh: “Xóa nghèo về thông tin là cung cấp thông tin chính thống - một trong những mục tiêu của chương trình xóa đói giảm nghèo. Trước đây, chúng ta xóa đói giảm nghèo chỉ lo về kinh tế, bây giờ lo cả về mặt văn hóa, thông tin, an sinh xã hội…, từ đó mới xóa nghèo bền vững”. |
Thực tế là gần đây, có lúc, có nơi, một bộ phận người dân không hiểu biết nhiều, không tiếp cận các thông tin chính thống một cách kịp thời, không hiểu được đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình nên đã xảy ra tình trạng một bộ phận người dân bị tác động…
Theo trưởng đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương, chính vì tầm quan trọng của thông tin lớn như vậy nên dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin - dù chỉ là một tiểu dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhưng nội hàm của dự án rất rộng lớn, yêu cầu cao và trách nhiệm của chúng ta là phải làm cho người dân hiểu biết sâu sắc hơn, nắm được nhiều thông tin hơn, thông tin chính thống, thông tin chính xác và thông tin có định hướng…
Làm rõ hơn về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoài chia sẻ: Trên xa lộ thông tin, thông tin rất nhiều, nhưng thiếu thông tin chính thống, thiếu thông tin tích cực, thiếu thông tin có định hướng, thiếu tính thời sự của thông tin. Do đó, chúng ta xóa nghèo thông tin trên các tiêu chí đó. Đặc biệt, không chỉ xóa nghèo thông tin cho những người không có thông tin, mà còn cần xóa nghèo về thông tin cho chính những người đang quá tải, “bội thực” về những thông tin không chính thống, không có định hướng, không có tư duy tích cực. Trách nhiệm của những người làm công tác tuyên truyền là phải nỗ lực để không đi sau các thế lực thù địch, không để người dân nắm thông tin của các thế lực thù địch trước.
* Một số kết quả về công tác giảm nghèo về thông tin trên địa bàn Đồng Nai
Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giảm nghèo về thông tin) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2023 đã đạt được một số kết quả, thể hiện trên 5 khía cạnh sau:
Một là, việc cung cấp thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác giảm nghèo thông tin. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 11/11 huyện, thành phố có đài truyền thanh, 170 đài truyền thanh cấp xã phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền của địa phương. Đồng Nai có 16 bản tin nội bộ của các sở, ban, ngành và địa phương, 11/11 đơn vị cấp huyện có trang thông tin điện tử tích hợp hoạt động của UBND cấp xã… Đây là những kênh thông tin góp phần tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, là nguồn thông tin chính thống để các cá nhân, tổ chức theo dõi nắm bắt thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài những thông tin được cung cấp đến người dân thông qua báo, đài, mạng xã hội thì trên địa bàn tỉnh, việc cung cấp thông tin tuyên truyền còn được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở được đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, toàn Đảng bộ tỉnh có hơn 4.900 báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở…
Hai là, thiết lập các cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin tuyên truyền. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 ngàn bản tin công cộng được đặt tại UBND xã, khu phố/ấp văn hóa; 34 bản tin điện tử công cộng được đặt tại trụ sở UBND, địa điểm tập trung đông dân cư, cổng chào ở các tuyến đường để thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương…
Ba là, việc rà soát, củng cố thiết chế văn hóa phục vụ thông tin; cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận của nhân dân. Toàn tỉnh có 138/170 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 81,2%.
Bốn là, tỷ lệ xã có hệ thống đài truyền thanh hoạt động, phục vụ tốt cho công tác thông tin, tuyên truyền và quản lý, điều hành của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 170/170 xã có đài truyền thanh, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 24 đài truyền thanh có dây, 140 đài truyền thanh không dây và 6 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Năm là, công tác chỉ đạo các cơ quan báo chí; việc hỗ trợ các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền bững.
Sáu là, công tác đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
* Đưa thông tin chính thống đến nhân dân một cách có hiệu quả
Phát biểu tại buổi làm việc, nhấn mạnh tầm quan trọng về hạ tầng thông tin, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nêu rõ: “Muốn nói về giảm nghèo thông tin, trước hết phải đánh giá về hạ tầng trông tin, làm cơ sở để cung cấp thông tin cho người dân”. Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nhận định, đối với Đồng Nai, hạ tầng thông tin khá tốt, số hộ có tivi, số hộ có điện thoại, tỷ lệ bao phủ internet, kể cả mạng đài truyền thanh, hệ thống tuyên truyền miệng… khá nhiều.
Đặt vấn đề làm sao đưa thông tin hữu ích đến nhân dân và loại hình nào có hiệu quả, đồng chí Hồ Thanh Sơn phân loại, một là đối với đô thị - nơi có trình độ dân trí cao thì có loại hình cung cấp thông tin là tivi và mạng cung cấp thông tin khá tốt; hai là đối với vùng nghèo - nơi có trình độ dân trí thấp, người dân vùng quê, ai cũng có điện thoại, có công nghệ và vấn đề đặt ra là bộ lọc như thế nào, làm sao để đưa thông tin chính thống vào? Lúc này, cần khai thác 3 kênh: công tác tuyên truyền miệng, đài phát thanh xã, chương trình thời sự… để góp phần tuyên truyền, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thông tin chính thông đến gần hơn với người dân.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn gợi mở: “Từ những phương thức, về trình độ dân trí, mức sống của từng khu vực đô thị hoặc khu vực nông thôn và những kênh thông tin mà người dân hay sử dụng…, chúng ta cần khai thác để đưa thông tin chính thống nhiều hơn, để đạt hiệu quả”.
Lâm Viên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin