Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghĩ nhỏ về tầm vóc lớn

NGUYỄN TRI THỨC
20:20, 08/02/2024

1 Năm 2023 khép lại với nhiều sự kiện trọng đại của Việt Nam, ghi dấu trên trường quốc tế. Đó là chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân trong 2 ngày 12 và 13-12 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân. Gần như cùng thời gian, là chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 11 và 12-12 của Thủ tướng Campuchia Hun Manet theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R.Biden, Jr. thăm cấp nhà nước tới Việt Nam
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R.Biden, Jr. thăm cấp nhà nước tới Việt Nam

Trước đó, là rất nhiều chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đến Việt Nam, nổi bật nhất là chuyến thăm cấp nhà nước trong 2 ngày 10 và 11-9 của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden còn thu hút hơn sự chú ý của thế giới khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, mở ra giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương.

Riêng về việc nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, trong chuyến thăm chính thức từ ngày 27 đến 30-11 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân, theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio đã nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược toàn diện “vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” tại cuộc hội đàm vào ngày 27-11.

Như vậy, đến hết năm 2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước, đã có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 6 quốc gia: Trung Quốc (nâng cấp quan hệ năm 2008), Nga (năm 2012), Ấn Độ (năm 2016), Hàn Quốc (năm 2022), Hoa Kỳ (năm 2023) và Nhật Bản (năm 2023).

Chỉ trong một năm, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện với 2 quốc gia. Chỉ trong một năm, đã có rất nhiều nguyên thủ các quốc gia trên thế giới đến thăm chính thức Việt Nam. Chỉ riêng những thông tin quốc tế đưa đầy đủ, phân tích thấu đáo, chi tiết, đa chiều về những chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đến Việt Nam, về những thành quả mà Việt Nam đạt được trên mọi lĩnh vực cũng đủ là dịp vô cùng tốt đẹp để quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, thân thương, mến khách. Hình ảnh những vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới thư thái, thích thú khi dạo bộ quanh hồ Gươm, đạp xe trên phố, thưởng thức ẩm thực, bia hơi Hà Nội… đã trở nên quen thuộc, hấp dẫn, cuốn hút.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem và nghe giới thiệu các văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực đã được ký kết giữa các ban, bộ, ngành, địa phương của hai nước
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem và nghe giới thiệu các văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực đã được ký kết giữa các ban, bộ, ngành, địa phương của hai nước

Vì thế, tại buổi tiếp xúc với cử tri H.Hòa Vang của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã cho rằng, vấn đề đáng ghi nhận trong năm 2023 là đối ngoại rất sôi động, phong phú, thiết thực và hiệu quả. Việt Nam đã có một năm đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động đối ngoại trên tất cả kênh, từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước đến đối thoại trên các địa bàn, đối tác.

“Chúng ta có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với trên 30 quốc gia, đồng thời là thành viên của 70 diễn đàn và các cơ chế hợp tác quốc tế, đã ký được 16 hiệp định thương mại tự do” - Chủ tịch nước nói và cho rằng, những thành tựu trong hoạt động đối ngoại làm cho vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế được tăng lên. Có như thế, chúng ta mới thấy rõ hơn câu nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được đưa vào các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”!

Sự khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ấy còn được thể hiện sinh động bằng những con số đầy thuyết phục: Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ 11 ở châu Á, một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có thương mại quốc tế lớn, thuộc nhóm 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN trong gần 10 năm qua… Trong năm 2023, mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo chỉ đạt trên 5%, không đạt mục tiêu đặt ra, nhưng đó là mức tăng trưởng cao, được thế giới coi là điểm sáng đáng ghi nhận trong bối cảnh toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại lễ đón nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại lễ đón nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản

Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ấy là niềm tự hào quốc gia, là sự hãnh diện của mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt khi đi thăm, làm việc, học tập, du lịch ở nước ngoài. Trong chuyến thăm và làm việc tại Australia và New Zealand hồi tháng 11-2023, tôi có dịp tiếp xúc với khá nhiều học giả, chính trị gia, cán bộ của đất nước bạn. Tại buổi làm việc với Quỹ châu Á New Zealand, GS Rob Rabel, nguyên Phó hiệu trưởng, hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách của Trường đại học Victoria, Wellington và là Chủ tịch Hội Hữu nghị New Zealand - Việt Nam - cho rằng, ông đã nhiều lần tới Việt Nam và nhận thấy những sự thay đổi rất tích cực, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay.

GS Rob Rabel cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh địa - chính trị rất lớn giữa các cường quốc, các nước tầm trung như Việt Nam và New Zealand đều thích ứng rất nhanh, hiệu quả, đều được hưởng lợi từ sự phát triển, hội nhập kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam và New Zealand ngày càng coi trọng thúc đẩy hợp tác, vì lợi ích chung, dựa trên luật lệ... Sự khẳng định ấy cũng có trong những ý kiến của các đại biểu khác tại buổi làm việc như: ngài Anand Satyanand, nguyên Toàn quyền New Zealand, đang công tác tại Trường đại học Waikato; ông James Kember, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế, nguyên Đại sứ New Zealand tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong cuộc trả lời phỏng vấn của tôi, ông Graeme Acton - Trung tâm Báo chí châu Á, Quỹ châu Á New Zealand - cũng ghi nhận những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, đồng thời hỏi rất nhiều về định hướng, mục tiêu phát triển trong tương lai, về triển vọng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.


Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản, sáng 17-12-2023, tại Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính ăn sáng, làm việc với Thủ tướng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướngVương quốc Campuchia Hun Manet
Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản, sáng 17-12-2023, tại Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính ăn sáng, làm việc với Thủ tướng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướngVương quốc Campuchia Hun Manet

Tại Australia, trong một buổi làm việc, ông Andrew Irving, Tổng thư ký Đảng Cộng sản Australia cho rằng, Đảng Cộng sản Australia có lịch sử quan hệ tốt đẹp với Đảng Cộng sản Việt Nam và mong muốn tìm hiểu về tình hình kinh tế, chính trị của Việt Nam, đặc biệt là về quá trình đổi mới, để làm kinh nghiệm tham khảo nhằm phát triển đường hướng hoạt động của Đảng Cộng sản Australia trong thời gian tới. Ông Andrew cho biết, Đảng Cộng sản Australia có ý tưởng cử những thành viên trẻ sang tìm hiểu về Đảng Cộng sản, trau dồi lý luận nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như học hỏi quá trình phát triển của Việt Nam...

3 Khép lại một năm đầy sôi động với những thành công tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động đối ngoại, mỗi chúng ta đều thấy rõ ràng hơn, thực chất hơn và ngày càng tự hào về cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam. Sự thấy rõ, niềm tự hào ấy chắc hẳn là động lực để mỗi chúng ta nghĩ nhỏ, làm nhỏ về tầm vóc lớn của quốc gia - dân tộc để có thêm nguồn sinh lực dồi dào góp sức mình đóng góp tích cực, hiệu quả, phù hợp với vị trí, công việc, góp phần tích tụ, bồi lắng, làm giàu nguồn lực phát triển đất nước, giữ vững, gia cường cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ấy lên những tầm cao mới.

 NGUYỄN TRI THỨC

Tin xem nhiều