Báo Đồng Nai điện tử
En

"Vua gà" ở Đồng Nai

11:01, 18/01/2017

Mỗi người một cách, nhưng họ có chung một điểm là đều kiên trì, trải qua không ít khó khăn thất bại mới thành công. Hiện nay, họ đã trở thành những "vua gà" nổi tiếng ở khu vực phía Nam và cả nước. Điều đặc biệt là các "vua gà" này đều hội tụ tại Đồng Nai.

Mỗi người một cách, nhưng họ có chung một điểm là đều kiên trì, trải qua không ít khó khăn thất bại mới thành công. Hiện nay, họ đã trở thành những “vua gà” nổi tiếng ở khu vực phía Nam và cả nước. Điều đặc biệt là các “vua gà” này đều hội tụ tại Đồng Nai.

Bà Cao Thị Ten ở ấp 2 xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) đang kiểm tra các loại thảo dược
Bà Cao Thị Ten ở ấp 2 xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) đang kiểm tra các loại thảo dược.

Các vị “vua gà”  này đều có những cách làm đột phá, như: gà thảo dược hay gà đẻ trứng nhân sâm có mùi vị thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao và có khả năng phòng chữa bệnh... Sản lượng thịt, trứng và con giống các “vua gà” cung cấp cho thị trường lớn nhất khu vực phía Nam hoặc cả nước.

Gà thảo dược của bà Ten

Buổi trưa, nắng trên vùng cao hanh hao và chói chang, vậy mà bà Cao Thị Ten (ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) vẫn trân mình ngoài trời để kiểm tra những mẻ thảo dược đang phơi đã khô đạt hay chưa. Dù suốt ngày tất bật với công việc, hứng chịu mưa nắng trên đầu nhưng nhìn bà ít ai đoán được tuổi thật vì đã 56 tuổi bà vẫn giữ vóc dáng thon gọn, nhanh nhẹn và nước da trắng chưa bị thời gian làm hằn lên các nếp nhăn của tuổi tác.

Bà Cao Thị Ten ở ấp 2, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) kiểm tra các loại thảo dược.
Bà Cao Thị Ten ở ấp 2 xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) kiểm tra đàn gà thảo dược trước lúc xuất chuồng

Bà là người đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu và áp dụng thành công quy trình nuôi gà thảo dược. Loại gà thảo dược bà Ten nuôi có mùi vị rất thơm ngon, nếu ai đã từng được thưởng thức một lần sẽ khó mà quên được hương vị thanh nhẹ của nhiều loại thảo mộc hòa quyện lại và ngấm vào trong từng thớ thịt của con gà. Bởi trong quá trình sinh trưởng hơn 3 tháng, con gà luôn được ăn thức ăn có đến 10 loại thảo dược khác nhau như: húng quế, hương thảo, nghệ, gừng... Bà Ten đã tìm ra bí quyết riêng để thịt gà thảo dược dai chắc như gà ta và mùi thơm các loại thảo mộc cân đối làm tăng thêm vị đậm đà. Nét riêng của con gà thảo dược là “ăn chay”, chỉ ăn bắp, đậu nành, cám gạo và thảo dược, không sử dụng kháng sinh, cám tổng hợp và khi gà bệnh đều được trị bằng các loại thảo mộc.

Theo lời bà Ten kể, trước bà có nhiều kỹ sư chăn nuôi trong nước đã từng nghiên cứu 10-15 năm về quy trình nuôi gà thảo dược nhưng đều không thành công. Sau này có một số cơ sở sang Đài Loan học hỏi kinh nghiệm nuôi gà thảo dược, nhưng thức ăn và nguyên liệu đều phải nhập vì phía đối tác không tiết lộ quy trình làm thức ăn và phối trộn các loại thảo dược. Điều bất ngờ là trong khi nhiều kỹ sư chuyên về chăn nuôi chưa nghiên cứu ra được công thức phù hợp để nuôi gà thảo dược thì bà Ten, người mới học gần hết tiểu học, lại chỉ mất gần 1 năm tìm ra được các loại nguyên liệu và tỷ lệ phối trộn phù hợp để đưa ra thị trường loại gà thảo dược sạch và ngon, có hàm lượng dinh dưỡng cao được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Các loại thảo dược bà Ten dùng nuôi gà đều có sẵn ở trong nước.

“Dù may mắn sớm tìm ra cách nuôi gà thảo dược mùi vị ngon hơn hẳn gà thảo dược của Đài Loan, song có được thành công này tôi cũng phải tiêu hao không ít công sức và tiền bạc. Lúc đầu người thân đều cản, nói tôi không nên đổ hết tiền bạc vào nghiên cứu quy trình nuôi gà thảo dược vì nhiều kỹ sư chăn nuôi đã thất bại. Nhưng tôi có tính đã quyết là làm bằng được và đã thành công” - bà Ten chia sẻ. Năm 2011, có được công thức nuôi gà thảo dược phù hợp, bà bắt đầu nuôi với số lượng lớn, hiện mỗi ngày trang trại của bà cung cấp cho thị trường khoảng 300 con gà thảo dược và hàng chủ yếu đưa về tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh. Bà Ten cho biết: “Tôi còn một mong muốn nữa chưa làm được, đó là tìm một vài đơn vị phân phối trong tỉnh để có thể đưa loại gà thảo dược sạch này đến người tiêu dùng Đồng Nai”.

“Vua gà” Đông Tảo

Nhiều người gọi ông Vũ Ngọc Tuấn (ấp  Hòa Bình, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom) là “vua gà” Đông Tảo vì ở khu vực phía Nam không có ai nuôi loại gà “tiến vua” này bài bản với số lượng lớn như ông. Là người yêu động vật nên ông Tuấn thường sưu tầm và nuôi những loài quý hiếm và chăm sóc chúng khá tỉ mỉ. Năm 2002, trong một lần đi máy bay ông vô tình đọc được bài viết giới thiệu về giống gà Đông Tảo, thế là khi về ông lùng bằng được vài con để nuôi thử.  Sau đó, thấy gà Đông Tảo đúng như lời đồn là sản vật quý, ngày xưa một số người dân phía Bắc hay nuôi để tiến vua vì thịt thơm ngon, ít loại thịt gà nào sánh kịp.

Ông Vũ Ngọc Tuấn ở ấp Hòa Bình, xã Đông Hòa (huyện Trảng Bom) trong tại gà giống Đông Tảo của mình.
Ông Vũ Ngọc Tuấn ở ấp Hòa Bình, xã Đông Hòa (huyện Trảng Bom) trong tại gà giống Đông Tảo của mình.

Phải mất gần 8 năm tìm ra cách làm giống, chăm sóc để gà thương phẩm có chất lượng thịt tốt nhất, năm 2010 ông Tuấn bắt đầu nuôi với số lượng lớn. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm trang trại nuôi gà Đông Tảo được thiết kế khá bài bản, ông Tuấn vừa kể: “Gà Đông Tảo có cặp chân to xù trông rất xấu. Lúc đầu tôi nuôi thành công tặng cho bạn bè mỗi người một con ăn thử, có người nhìn thấy con gà hình dáng bên ngoài, nhất là cặp chân rất xấu nên không dám ăn. Nhưng có người ăn rồi lại thấy ngon đã khuyến khích tôi nên nuôi với số lượng lớn để bán. Và tôi cũng thử vận may của mình với giống gà tiến vua này”. Gà Đông Tảo có thời gian nuôi khá dài, từ khi nở ra đến khi bán gà thương phẩm phải mất hơn 10 tháng. Gà Đông Tảo chính gốc không bị lai khi cặp chân của con mái lẫn con trống phải gân guốc, xù xì và thô kệch, lông màu đen pha lẫn màu nâu đậm và nhạt, mào rủ xuống che gần hết một bên mắt.

Khoảng 4 năm nay, mỗi năm trại của ông Tuấn cung cấp cho thị trường trong nước trên 10 ngàn con gà Đông Tảo. Trong đó, gà thịt gần 3 ngàn con, còn lại là gà giống. Ông Tuấn có quy tắc riêng là gà bán thịt và giống 5 năm nay giá không thay đổi. Vào dịp Tết Nguyên đán, gà Đông Tảo thịt hút hàng ngoài thị trường lên đến 450 ngàn đồng/kg, nhưng tại trại của ông vẫn giữ nguyên giá: gà mái 300 ngàn đồng/kg, gà trống 350 ngàn đồng/kg. Gà Đông Tảo thương phẩm, con mái thường nặng từ 3-3,2kg/con, gà trống từ 3,7-4 kg/con. Cũng nhờ giá bán ổn định, chất lượng sản phẩm đảm bảo nên nhiều khách hàng từ những tỉnh xa cũng tìm về trang trại của ông Tuấn để đặt mua gà thương phẩm và gà giống. Mỗi năm từ nuôi gà Đông Tảo ông Tuấn kiếm tiền tỷ, nhưng số tiền lời kiếm được ông đều dành ra một phần để hàng tháng đi làm từ thiện cho những trại trẻ mồ côi, trẻ em tàn tật hay những người nghèo ở vùng sâu, vùng xa trong và ngoài tỉnh.

Chia tay “vua gà” vào buổi chiều muộn ngày cuối năm, ấn tượng khiến tôi nhớ nhất là dù đã thành triệu phú ở vùng Trảng Bom, nhưng mỗi tháng ông đều dành ra 1-2 ngày, một mình lặng lẽ mua hàng hóa, thuốc men mang đến tận tay cho những mảnh đời cơ hàn đang cần những vòng tay nhân ái rộng mở.

Trứng gà nhân sâm

Không rầm rộ quảng bá, luôn khéo léo từ chối các cuộc phỏng vấn của báo đài nên ít người biết ông Dương Quốc Cường (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đang cung cấp cho thị trường khoảng 4 ngàn quả trứng gà xanh có hàm lượng dinh dưỡng rất cao mà thị trường còn gọi là “trứng nhân sâm”. Hiện nay, trong cả nước chỉ có ông Cường và một chủ trang trại ở tỉnh Bắc Ninh nuôi được loại gà đẻ trứng nhân sâm.

Ông Dương Quốc Cường ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) kiểm tra trứng gà nhân sâm để chuẩn bị giao cho khách hàng.
Ông Dương Quốc Cường ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) kiểm tra trứng gà nhân sâm để chuẩn bị giao cho khách hàng. Ảnh: Hương Giang

Theo lời ông Cường, năm 2011 khi đi du lịch nước ngoài ông tình cờ phát hiện ra loại gà đẻ trứng xanh nhìn rất đẹp mắt và khi ăn thử mùi vị ngon hơn hẳn trứng gà ta. Do đó, ông đã nảy ý định sẽ nhập khẩu giống gà này về để nuôi lấy trứng cung cấp cho thị trường. Nghĩ là làm, về nước ông tiến hành xây dựng chuồng lạnh và nhập gà về nuôi. Gà đẻ trứng nhân sâm có nguồn gốc từ châu Âu, ở nước ngoài hầu hết được nuôi trên núi, còn về Việt Nam nuôi theo dạng công nghiệp với quy trình khép kín nên ông Cường phải mất gần 2 năm mới tìm ra cách phù hợp để con gà phát triển ổn định và tỷ lệ cho trứng cao. Năm 2013, ông bắt đầu nuôi với số lượng lớn để cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Giá trứng gà nhân sâm bán tại trại hơn 5 ngàn đồng/trứng đến tay người tiêu dùng khoảng 8-10 ngàn đồng/trứng.

Trứng gà nhân sâm khi luộc lên lòng đỏ tươi và lớn hơn trứng gà ta, công nghiệp và mùi vị cũng thơm ngon hơn.
Trứng gà nhân sâm khi luộc lên lòng đỏ tươi và lớn hơn trứng gà ta, công nghiệp và mùi vị cũng thơm ngon hơn.

Để biết rõ hàm lượng dinh dưỡng của trứng gà nhân sâm, ông Cường đã mang mẫu trứng đi kiểm tra tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) kết quả các thành phần như: DHA, các vitamin A, E, B1, B12... cao hơn nhiều lần so với trứng gà ta. Bên cạnh đó, trứng nhân sâm còn có hàm lượng Omega 3 rất cao, không phải phối trộn bổ sung thêm các sản phẩm như: dầu cá hồi, dầu hạt cải, tảo biển. “Trứng gà nhân sâm có vitamin A, B, E, i-ốt, kẽm, acid amin, nguyên tố vi lượng rất cao, ít chất béo sử dụng cho trẻ em thiếu dinh dưỡng, người già khá tốt. Ngoài ra, sử dụng loại trứng này còn có tác dụng chống lão hóa, tăng huyết áp và ngăn ngừa ung thư...” -  ông Cường cho hay. Điều đặc biệt là trứng nhân sâm có vỏ cứng, khi luộc chín lòng đỏ màu tươi và lớn hơn các loại trứng gà khác, khi ăn có vị thơm bùi, ngầy ngậy và lòng trắng không có vị nồng.

Hương Giang

Tin xem nhiều