Báo Đồng Nai điện tử
En

"Lính Đồng Nai" nơi tuyến đầu Tổ quốc

08:01, 17/01/2017

Đồng Nai là một trong những địa phương có truyền thống chăm lo công tác quân sự quốc phòng, hướng về nơi biên giới, hải đảo. Nhiều thế hệ thanh niên Đồng Nai đã và đang cống hiến sức trẻ nơi đầu sóng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Đồng Nai là một trong những địa phương có truyền thống chăm lo công tác quân sự quốc phòng, hướng về nơi biên giới, hải đảo. Nhiều thế hệ thanh niên Đồng Nai đã và đang cống hiến sức trẻ nơi đầu sóng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Chiến sĩ Đỗ Xuân Nam chắc tay súng bên bia chủ quyền (ảnh chụp ngày 6-1-2017). Ảnh: Hoàng Thành
Chiến sĩ Đỗ Xuân Nam chắc tay súng bên bia chủ quyền (ảnh chụp ngày 6-1-2017). Ảnh: Hoàng Thành

Những ngày giáp Tết Đinh Dậu 2017, quần đảo Trường Sa nhộn nhịp hẳn lên bởi sự có mặt của các đoàn công tác mang hàng tết và hơi ấm từ đất liền ra biên đảo. Tại đây, chúng tôi gặp những người con ưu tú của quê hương Đồng Nai đang ngày đêm luyện rèn, kiên trung giữ đảo.

Lần đầu đón tết ở Trường Sa

Bên tấm bia chủ quyền đảo Đá Thị, một cuộc hội ngộ đã diễn ra ngay giữa đại dương ấm tình quê hương, biển đảo. Binh nhất Đỗ Xuân Nam, 19 tuổi, gia đình sống ở TP.Biên Hòa, vừa ra đảo công tác được ít ngày. Trên gương mặt khôi ngô, rắn rỏi còn phảng phất nỗi nhớ gia đình, người thân. Xuân Nam tâm sự: “Tết năm trước chuẩn bị nhập ngũ nên mấy ngày xuân em ở nhà phụ giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, sơn lại cánh cổng và tiếp khách đến chơi, rồi tranh thủ đi thăm hỏi thầy cô, bạn bè, hàng xóm… Mới đó mà đã tròn 1 năm. Tết này, em đã là chiến sĩ hải quân làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc”.

Đảo Sơn Ca.
Đảo Sơn Ca.

Dù mới ra đảo nhưng Xuân Nam đã nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. Nhiệm vụ đầu tiên của Xuân Nam ở đảo không phải là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu mà tập làm quen với địa hình đảo nhỏ, tập phương pháp tắm rửa sao cho vừa sạch, vừa tiết kiệm nước và tập cách che chắn, chăm sóc vườn rau xanh - nguồn thực phẩm vô cùng quý giá của cán bộ, chiến sĩ nơi biên đảo. Những lúc rảnh rỗi, Nam tranh thủ ra mép nước nhặt mấy con ốc nhảy, ốc càng, ốc vòi voi… làm thành những món quà mang đặc trưng của biển để gửi về tặng em nhỏ đang học lớp 5 và cô bạn gái là sinh viên sư phạm.

“Trước khi lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, em được lãnh đạo địa phương cùng cha mẹ động viên, căn dặn phải giữ vững truyền thống tốt đẹp của quê hương Đồng Nai anh hùng, ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến nhiệt huyết, sức trẻ cho Tổ quốc. Bởi vậy, trong mọi nhiệm vụ em luôn cố gắng làm tròn lời căn dặn ấy” - Xuân Nam bộc bạch.

Xuân này, lần đầu tiên Nam đón tết xa nhà, lại ở giữa đại dương mênh mông nên không tránh khỏi bỡ ngỡ, thoáng chút nhớ gia đình, người thân. Dù vậy, chàng chiến sĩ trẻ đã xác định quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo để đáp lại tình cảm của đất liền dành cho những người lính nơi đầu sóng.

Mang theo hơi ấm đất liền

Tới thăm đảo Nam Yết rợp bóng bàng vuông, phong ba, mù u cùng những rặng dừa xanh mát, chúng tôi gặp những cán bộ, chiến sĩ hải quân đang miệt mài luyện tập tình huống tuần tra, cứu hộ ngư dân gặp nạn. Trong sóng gió đại dương, khẩu lệnh chỉ huy vang lên dõng dạc như át đi tiếng gầm gào của biển. Khẩu lệnh ấy do Trung tá Bùi Văn Kha, Phó chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, trực tiếp chỉ đạo các bộ phận làm nhiệm vụ theo phương án dự kiến. Anh Kha là một trong những cán bộ có nhiều năm công tác tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Trước Tết Đinh Dậu 2017, anh được chỉ huy Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) tin tưởng phân công ra đảo Nam Yết làm nhiệm vụ ở vùng biển phức tạp. Ngày giáp tết, rời xa quê hương Nhơn Trạch - nơi có căn nhà nhỏ và người vợ hiền cùng các con sinh sống, người sĩ quan ấy cất bước lên đường.

Trong phút giải lao, anh Kha chia sẻ: “Dịp Tết Nguyên đán ai cũng muốn được sum họp bên gia đình, người thân. Nhưng với người lính đảo thì ước nguyện giản dị đó khó thành hiện thực, bởi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền là trên hết. Ra đi, chúng tôi mang theo tình cảm và hơi ấm đất liền như một thứ hành trang vô giá tiếp sức cho chúng tôi chân cứng đá mềm, hiên ngang giữ đảo, giữ cho Đất Mẹ mãi mãi mùa xuân”.

Rời đảo Nam Yết, chúng tôi tới Sinh Tồn, hòn đảo gắn liền với những chiến công của quân và dân ta trong chiến tranh giữ nước. Mới ngày nào đảo hoang sơ, hiu quạnh, nắng cháy da người, đốt lá phong ba, bàng vuông thành màu đỏ; biển mặn chát trùm lên tháp pháo… Vậy mà nay, “có sức người đảo bắt sóng vẽ hoa”, Sinh Tồn trở thành “công viên xanh”, ngôi nhà chung ấm tình quân - dân nơi đầu sóng.

Trong sắc xuân mênh mang, dưới tán bàng vuông dịu mát, mấy chiến sĩ trẻ vui tươi trang trí sân khấu chuẩn bị cho đêm giao lưu văn nghệ đón chào năm mới. Hạ sĩ Nguyễn Tiến Dũng (20 tuổi, quê ở huyện Nhơn Trạch), chiến sĩ Phân đội cối 82mm, lúc này đang cùng đồng đội cắt tỉa chậu hoa sứ bên cột mốc chủ quyền. Tiến Dũng bộc bạch: “Hơn 7 tháng trước, em lên tàu ra đảo công tác. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý chống chọi với những cơn sóng mặt, sóng lừng nghiệt ngã, nhưng em vẫn bị say sóng, quay quắt suốt mấy ngày liền, đến khi lên đảo mới bớt cảm giác bồng bềnh, chênh chao… Giờ thì em đã quen với vị mặn mòi và sự dỗi hờn của biển. Xuân này, em được chọn tham gia hội thi bơi mủng, lướt sóng trong ngày mùng 1 Tết cùng đồng đội chinh phục đại dương”.

Chiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng (bên phải) cùng đồng đội sửa sang cây cảnh trước bia chủ quyền đón chào Xuân mới.
Chiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng (bên phải) cùng đồng đội sửa sang cây cảnh trước bia chủ quyền đón chào Xuân mới.

Ngày mới ra đảo, Dũng được giao nhiệm vụ tham gia đợt bắn đạn thật phục vụ kiểm tra. Tình huống chiến đấu phát ra đanh gọn, mô hình tạo mục tiêu giả tàu địch mon men vào gần, tấn công lên đảo khiến cậu… vã mồ hôi. Nhưng khi khẩu lệnh của người chỉ huy thúc giục, ý thức bảo vệ chủ quyền dâng lên ngùn ngụt giúp Dũng trấn tĩnh, tự tin, phối hợp nhịp nhàng, chuẩn xác cùng khẩu đội nhanh chóng diệt gọn mục tiêu. Ngay lần kiểm tra đầu tiên ấy, Dũng đã chứng tỏ được bản lĩnh, mang lại thành tích cho đơn vị.

Trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn, cho biết: “Dũng là chiến sĩ duy nhất của tỉnh Đồng Nai đang học tập, rèn luyện tại đảo Sinh Tồn. Ngoài kiến thức chuyên môn, Dũng còn đàn hay, hát giỏi lại có tinh thần phấn đấu tốt nên được chỉ huy đơn vị và đồng đội tin yêu, quý mến”.

Minh chứng cho lời nói của Đảo trưởng, trong đêm giao lưu văn nghệ giữa cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn với đoàn công tác từ đất liền ra chúc tết Trường Sa, chúng tôi được nghe “ca sĩ” Nguyễn Tiến Dũng trình bày ca khúc Hãy yên lòng mẹ ơi. Lời hát cất lên vừa hùng hồn, vừa tha thiết như tiếng lòng của những người lính trẻ nơi đảo xa gửi về Đất Mẹ.

Trong tiếng nhạc rộn ràng, sâu lắng, tôi chợt chạnh lòng nghĩ đến thời khắc rời xa đảo nhỏ, xa đồng đội thân thương, xa những người lính trẻ của quê hương Đồng Nai yêu dấu… Như hiểu lòng tôi, Dũng bắt nhịp những lời ca da diết: “Trường Sa ơi mai tàu rời bến/ Ta lại về phố thị thân thương/ Vòng tay ấm bao chuyện buồn, vui/ Biển vẫn yên, lòng ta lay động…”.

Tất cả chúng tôi, không ai bảo ai cùng nhau hát rền vang đảo nhỏ trong tâm trạng bâng khuâng. Tự nhiên, tôi thầm mong thời khắc này sẽ kéo dài thêm mãi để đồng đội của tôi được tận hưởng hơi ấm bao la từ đất liền trong suốt những ngày xuân...

Trường Sa, ngày 6-1-2017

Hoàng Thành

Tin xem nhiều