Cùng với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đầu năm 2016 về ủng hộ khởi nghiệp tại Việt Nam, năm 2016 được mệnh danh là năm của khởi nghiệp tại Việt Nam,...
Cùng với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đầu năm 2016 về ủng hộ khởi nghiệp tại Việt Nam, năm 2016 được mệnh danh là năm của khởi nghiệp tại Việt Nam, và có thể nói chưa bao giờ kể từ sau đổi mới 1986, “khởi nghiệp” được nhắc nhiều đến thế. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vào tháng 9-2016 trong hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - bài học thực tiễn từ Israel” cũng nhấn mạnh: mục tiêu của Chính phủ trong những năm tới là biến Việt Nam thành một “quốc gia khởi nghiệp”.
Lãnh đạo tỉnh tham quan một số sản phẩm trưng bày của các doanh nhiệp nhỏ là hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, trong đó có cả sản phẩm của doanh nghiệp mới khởi nghiệp. |
Với mong muốn thành lập 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, sau đó nâng dần lên 5 triệu doanh nghiệp trong 5 năm tới, gấp gần 10 lần so với con số hiện tại, Việt Nam thực sự cần một cuộc “cách mạng khởi nghiệp” với tinh thần dấn thân của doanh nghiệp và sự hỗ trợ hết mình trong việc tạo ra một hệ sinh thái hoàn thiện cho khởi nghiệp. Và thực tế là để xây dựng được giấc mơ “quốc gia khởi nghiệp”, Việt Nam không chỉ một sớm một chiều, mà cần rất nhiều tâm sức, thời gian.
Những đốm lửa khởi nghiệp
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi đầu Năm Dương lịch 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái chia sẻ, ông muốn Đồng Nai trở thành một mảnh đất lành cho khởi nghiệp, và phải thừa nhận đây là một trong số ít những lãnh đạo địa phương quan tâm đến khởi nghiệp. Trong năm 2016, cả tỉnh đã có hơn 3 ngàn doanh nghiệp được thành lập mới, đông nhất từ trước tới nay.
Mạnh dạn hơn trong việc khởi sự kinh doanh, nhiều người trẻ đã bắt tay vào khởi nghiệp từ những ý tưởng mới mẻ, thậm chí “điên rồ” nhất, và đã có những ý tưởng được nuôi nấng thành công. Chẳng hạn, với cô gái chọn nghề nuôi… rắn để start-up: Hoàng Sa. Cô gái trẻ tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh rồi đi làm ở thành phố lại dám mở trại nuôi rắn, “ôm” 200 con rắn ráo trâu về nhà nuôi khá bạo dạn. Đó là câu chuyện của Hoàng Sa, cô cựu sinh viên Trường cao đẳng Sonadezi nhà ở huyện Vĩnh Cửu. Gặp chúng tôi vào cuối năm 2016, Hoàng Sa khoe mình vừa vay vốn từ Quỹ hỗ trợ cho vay khởi nghiệp của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai để thực hiện dự án… nuôi rắn. Dù là lứa rắn đầu tay nuôi không đúng mùa, thời gian nuôi mới được 5 tháng (một nửa thời gian) đã xuất trại nhưng cô cũng lãi được 70 triệu đồng. Hoàng Sa chia sẻ, ấp ủ việc khởi nghiệp trong cô đã từ lâu, song vốn không có cộng thêm chưa nhìn ra ngành nghề phù hợp để đầu tư nên suốt mấy năm qua vắt sức đi làm thuê để kiếm tiền tích lũy vốn. “Trước khi nuôi rắn tôi cũng tìm hiểu kỹ rồi, thường xuống các trại nuôi rắn để thăm dò thông tin cũng như học cách nuôi, ngoài ra còn phải đọc thêm tài liệu trong sách nữa. Khi thấy cơ hội đủ, tôi bắt tay vào triển khai ngay” - Hoàng Sa tâm sự. Theo Hoàng Sa, việc khởi nghiệp phải có quyết tâm cao cộng với chăm chỉ mới đạt.
Hoàng Sa - cô gái khởi nghiệp bằng nghề nuôi rắn. Ảnh: Vân Nam |
Bắt đầu bằng lĩnh vực dịch vụ, cô cựu sinh viên của Trường đại học Lạc Hồng Trần Thị Hồng (TP.Biên Hòa) lại thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình khá lạ: dịch vụ cho thuê tài xế đưa xe và người say xỉn về nhà. Hồng đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Anna Trần để điều hành. Nữ giám đốc trẻ giãi bày: “Nhu cầu uống bia, rượu là khó tránh khỏi, nhưng khi uống quá chén, lái xe trong tình trạng say xỉn trên đường rất nguy hiểm. Các vụ tai nạn phần lớn là do uống rượu, bia không làm chủ được. Do vậy, tôi nghĩ nhu cầu về dịch vụ này sẽ có chỗ đứng”. Để bước chân vào lĩnh vực này, từ lúc còn là sinh viên, Hồng đã ấp ủ chuyện lập nghiệp nên đã chủ động xin làm việc bán thời gian ở rất nhiều nơi nhằm học hỏi kinh nghiệm và tích lũy vốn liếng cho mình.
Ở một lĩnh vực khác, Trần Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Phát Triển ở huyện Trảng Bom, mất 5 năm xin vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí để học việc, mong muốn là tích cóp kinh nghiệm sau này sẽ lập doanh nghiệp riêng. Thắng ý thức rất sớm việc học nghề và học nghiệp (cách quản lý). “Là một công nhân giỏi mà ra thành lập doanh nghiệp thì rất khó hoạt động bởi kiến thức quản lý không có, còn chỉ đi học mà không trải nghiệm qua thực tế thì nguy cơ thua lỗ rất cao” - Thắng trải lòng.
Hoa hồng không rải lối đi…
Ủng hộ khởi nghiệp về tầm vĩ mô đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đưa ra những nhóm giải pháp cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với mục tiêu đến đó có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Theo đó, Nhà nước kiến tạo lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và phát triển; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp; có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí… bất hợp lý. Cùng với đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội xem xét. Đây là những bước cơ bản đặt nền móng cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Mới đây, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP Chính phủ lần đầu tiên yêu cầu phải hình thành và từng bước phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, như: vườn ươm doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, dịch vụ đào tạo, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp. Theo ông Liêm, điều mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là các cơ quan có liên quan triển khai những vấn đề đó trong thực tế như thế nào. Đánh giá của giới doanh nghiệp thì đến nay giữa chính sách và thực tế vẫn còn một khoảng cách và khoảng cách đó phải được “kéo gần” càng nhanh càng tốt. |
Mặc dù được nhắc nhở, khuyến khích rất nhiều, song khởi nghiệp không phải là con đường dễ đi, không “rải hoa hồng” và không phải là cuộc chơi dành cho những người yếu đuối. Trong rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp, số ý tưởng thành công vẫn chưa nhiều. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: “Chúng ta cũng cần học văn hóa chấp nhận thất bại và rủi ro. Khởi nghiệp là hình thức đầu tư mạo hiểm, 5 phần thắng, 5 phần thua là đã may lắm rồi. Đây là cuộc chơi dành cho những người dũng cảm, đi tiên phong và dám chấp nhận rủi ro”.
Ông Phạm Đức Bình, cựu Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, và là người khởi xướng Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp, cho rằng muốn khởi nghiệp, cần phải vứt bỏ ảo tưởng về… khởi nghiệp. Cần xác định đây là một con đường gian nan và dễ thất bại, người khởi nghiệp có thể mất đi vốn liếng, thời gian, quan hệ, công sức… Và vì vậy, khởi nghiệp không bao giờ là “chiếc đũa thần” cho giấc mơ làm chủ, thay vào đó là một nỗ lực không ngừng nghỉ và sự chịu trách nhiệm đến cùng với “đứa con khởi nghiệp” của mình.
Một thực tế phải chấp nhận là có nhiều ý tưởng khởi nghiệp tốt, được xây dựng khá bài bản và thậm chí được đầu tư hàng triệu USD. Song khi vận hành thực tế, qua thời gian nhanh chóng bộc lộ những điều không ổn và khi người chủ không giải quyết tốt, doanh nghiệp non trẻ đó cũng lặng lẽ phá sản và biến mất. Đi cùng với con số doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm, luôn là những con số đáng buồn về giải thể, phá sản của doanh nghiệp, có thể do môi trường, có thể do chủ quan, song thất bại cùng với sự lãng phí tài nguyên là kết quả chung dễ thấy.
Rất cần hệ sinh thái tốt
Chia sẻ về khởi nghiệp tại Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai. Ảnh: Vân Nam |
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Sĩ Chương, cựu chuyên gia Ngân hàng Thế giới, chia sẻ Hoa Kỳ hay Israel được mệnh danh là những vùng đất hứa của khởi nghiệp, không phải do những người khởi nghiệp thông minh hay mưu trí hơn, mà phần lớn là do họ có một hệ sinh thái lý tưởng cho khởi nghiệp để giúp nuôi lớn những ý tưởng mong manh nhất. Họ có nguồn cấp vốn rẻ, thông tin thị trường, thông tin về cạnh tranh, hỗ trợ về thuế, chính sách, nguồn nhân lực… Và muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp, Việt Nam bắt buộc phải xây dựng hệ sinh thái này.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, cũng cho rằng tinh thần khởi nghiệp của lớp trẻ hiện nay rất đáng khích lệ nên cần một môi trường tốt để cho phát triển. “Theo tôi, để một dự án khởi nghiệp thành công phải có được 2 yếu tố, đó là năng lực của người khởi nghiệp và sự hỗ trợ từ bên ngoài. Các bạn trẻ bước ra khởi nghiệp thường khó khăn nhất là vốn, ý tưởng thì tốt nhưng thiếu vốn cũng không thể thực hiện được” - ông Liêm nói. Trên thực tế, kinh nghiệm cũng là một vấn đề khá quan trọng cho việc khởi nghiệp. Thiếu kinh nghiệm cũng là việc khiến không ít người bước vào khởi nghiệp bị gãy gánh.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu có môi trường tốt thì tinh thần khởi nghiệp sẽ còn mạnh mẽ hơn. Bởi khởi nghiệp không chỉ đơn thuần thanh niên bước vào làm ăn mà còn ở các chủ doanh nghiệp tạo ra những cái mới trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, chia sẻ Hội rất ủng hộ các bạn trẻ có những ý tưởng mới lạ và mạnh dạn lên kế hoạch khởi nghiệp. Hiện nay, Hội đã lập ra Quỹ Hỗ trợ cho vay khởi nghiệp là 2 tỷ đồng để dành cho các dự án khởi nghiệp. Quỹ đã tài trợ cho vay 4 dự án là: làm bánh (TP.Biên Hòa), sản xuất đèn (huyện Định Quán), thu gom rác thải (huyện Tân Phú) và nuôi rắn (huyện Vĩnh Cửu). Mức cho vay cao nhất của quỹ là 200 triệu đồng/dự án. Cũng theo ông Điềm, trong khởi nghiệp rất cần một hệ sinh thái tốt, lúc đó các dự án khởi nghiệp mới có khả năng tồn tại. Điều đó rất cần đến sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước, như: tiếp cận vốn, thủ tục hành chính, đào tạo… Để hỗ trợ cho việc khởi nghiệp của các bạn trẻ thuận lợi, Hội Doanh nhân trẻ cũng đã thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp để mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, thuận lợi trên con đường “không rải hoa hồng” đầy khó khăn này.
Vi Lâm - Vân Nam