Giải Chuông vàng vọng cổ - một trong những giải thưởng được xem là uy tín nhất trong làng cải lương hiện nay trong mùa giải năm 2016 vừa qua đã chọn ra được một "chuông vàng" mới, đó là Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung - cô gái đến từ An Giang.
Giải Chuông vàng vọng cổ - một trong những giải thưởng được xem là uy tín nhất trong làng cải lương hiện nay trong mùa giải năm 2016 vừa qua đã chọn ra được một “chuông vàng” mới, đó là Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung - cô gái đến từ An Giang.
NSND Ngân Vương và con gái Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung |
Khác với những “chuông vàng” mùa trước, thường xuất thân từ gia đình không dính dáng đến cải lương, Tuyết Nhung ngay từ đầu được tiết lộ là con nhà nòi. Cô là con gái cưng của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Ngân Vương - nghệ sĩ kỳ cựu của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai.
Cô con gái hiếu thảo
Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử 11 năm giải Chuông vàng vọng cổ, đêm cuối vòng chung kết xếp hạng năm 2016 (tối 22-9) chứng kiến cuộc đua tranh Chuông vàng chỉ còn lại các… chiến binh nữ!
Ông Hiền Phương, thành viên ban tổ chức cuộc thi, chia sẻ: “Lần đầu tiên, đêm thi xếp hạng cuối cùng của giải chỉ toàn gương mặt nữ. Mà không phải tới tận đêm cuối, từ đêm thứ hai của vòng chung kết xếp hạng (vòng chung kết xếp hạng trải qua 4 đêm thi với sự tranh tài của 12 thí sinh và loại dần đến đêm cuối còn 3 thí sinh xuất sắc nhất), 4 thí sinh nam được chọn vào vòng chung kết đã bị các thí sinh nữ… hạ gục. Không phải vì các thí sinh nam quá yếu mà vì các thí sinh nữ năm nay quá mạnh!”.
Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung (phải) trình diễn trích đoạn Cầu trăng ai lỗi hẹn. |
“Lực lượng mạnh” đó gồm 3 cô gái nhỏ nhắn, mảnh khảnh và có chút rụt rè đã biến đêm chung kết giải Chuông vàng vọng cổ 2016 đậm chất… “nữ quyền”, trong đó có Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung.
Ban đầu người được dự đoán giành giải Chuông vàng là Ngọc Huyền (đến từ Đoàn cải lương Ánh Hồng - Trà Vinh). Tuy nhiên, trong đêm thi quyết định, Ngọc Huyền bất ngờ sa sút phong độ, còn Tuyết Nhung lội ngược dòng, ca diễn sung sức và giành giải Chuông vàng trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Tuy nhiên, không ai cho đó là sự “ăn may” bởi trong từng vòng thi Huyền và Nhung không có sự chênh lệch nhiều. Trong đêm chung kết xếp hạng, huấn luyện viên Lê Tứ đã biết chọn cho Nhung một trích đoạn vừa sức (trích đoạn Cầu trăng ai lỗi hẹn) để Nhung có thể thăng hoa và chinh phục ban giám khảo, khán giả với giọng ca truyền cảm, ngọt ngào, diễn xuất dung dị.
Trong 3 thí sinh, chỉ có Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung là con nhà nòi. Ba cô là NSND Ngân Vương, còn mẹ là nghệ sĩ Hồ Như Thủy. Tuy vậy, do sống xa ba từ bé nên Tuyết Nhung chủ yếu chỉ học hát theo băng đĩa, nghe trên tivi. Mẹ cô do nghỉ hát đã lâu nên cũng chỉ bảo thêm được chút ít. Lớn lên, thấy nghề hát cực khổ nên ba chỉ muốn cô đi học để có cái nghề và cô đã hoàn thành khóa trung cấp dược tại Trường quân y 2 như mong muốn của gia đình.
Rồi Nhung rời quê nhà An Giang lên TP.Hồ Chí Minh phụ bán thuốc với người dì. Máu ca hát lại trỗi dậy, nhờ cô chú bạn bè của ba giới thiệu, cô đi hát các show lẻ, mỗi tháng được mười mấy show, đủ nuôi sống bản thân, phụ giúp mẹ và còn góp sức xây được cái nhà nho nhỏ ở An Giang cho ông bà ngoại.
Đăng ký thi Chuông vàng vọng cổ đã 3 lần nhưng không đạt thành tích cao, sau đó cô quyết định ngưng một thời gian để rèn luyện thêm cho đủ tự tin bước vào cuộc đua năm nay. Ngoài 30 tuổi rồi nên Nhung bảo nếu không thi, không cho mình thêm cơ hội thử thách, lúc quá tuổi sẽ lại tiếc hùi hụi vì không dám đi đến tận cùng ước mơ.
Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung trình diễn trích đoạn Cầu trăng ai lỗi hẹn. |
Nhận xét về Nhung, huấn luyện viên Lê Tứ chia sẻ: “Nhung có ưu điểm là giọng không chỉ khỏe mà còn rất truyền cảm. Nhịp nhàng của em tốt và chắc. Tuy nhiên, do em chưa được diễn bao giờ nên còn thiếu kinh nghiệm. Cũng may là em có gen nghệ thuật từ ba mẹ nên nắm bắt khá nhanh”.
Nhớ trước buổi thi chung kết, Nhung mang nặng một áp lực nghe rất thương: “Em sợ bị so sánh, sợ ca diễn không tốt người ta nói con nghệ sĩ chắc quen biết mới được cho vô. Bởi vậy, em phải ráng thi cho tốt để chứng tỏ Hội đồng nghệ thuật chọn mình là xứng đáng!”.
Sau khi đoạt giải, Nhung được Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh tạo điều kiện xuất hiện trong nhiều chương trình của đài. Không còn quá trẻ để lãng phí thời gian, tuy nhiên tân “chuông vàng” có vẻ vẫn đang thận trọng trong những bậc thang mới để có thể nuôi lớn khát khao nghệ thuật mà cha mẹ đã truyền cho cô…
Ba - người soi đường…
NSND Ngân Vương cười hạnh phúc cho biết: “Tuyết Nhung là đứa con gái rất hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Nó rất quan tâm tới mọi người. Để ý thấy tôi thích gì là mỗi lần từ thành phố về Đồng Nai thăm ba, nó đều mua đem về. Thấy con trưởng thành và yêu thương ba mẹ như thế tôi xúc động lắm. Chỉ mong cháu luôn giữ tình yêu hồn hậu với nghề, sống nhân văn và xứng đáng với “chuông vàng” mà giám khảo và mọi người đã trao tặng!”. |
Dù công tác đoàn tỉnh nhưng Chiêu Hùng và Ngân Vương là 2 gương mặt quen thuộc với khán giả ở nhiều vùng miền. NSND Ngân Vương từng đóng cặp rất mùi với nhiều cô đào tài sắc, trong đó có NSƯT Phương Hồng Thủy. Ông theo Đoàn cải lương Đồng Nai (tiền thân của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai) rất sớm, từ những năm 1983-1986, sau đó gián đoạn và rồi năm 2002 ông gắn bó với đoàn cho đến nay.
Với khả năng ca diễn của mình, Ngân Vương thường được giao những vai diễn nặng ký trong các vở diễn, vì vậy việc ông tỏa sáng trong nhiều vở qua các kỳ hội diễn, như: Chuyện tình thuở ấy, Những ngôi sao biển, Dời đô, Vượt qua tâm bão… là đương nhiên, và việc ông liên tiếp giành huy chương vàng cũng… đương nhiên nốt!
Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung (giữa) trong giây phút đăng quang Chuông vàng trong đêm chung kết Chuông vàng vọng cổ ngày 22-9-2016. |
Những năm sau này, Ngân Vương lùi lại làm dàn bao cho các diễn viên trẻ. Từ kép chánh sáng giá ông… leo lên hàng kép lão với vai người cha, vua. Chính sự điềm tĩnh, vững chắc, giàu kinh nghiệm trong ca diễn của ông đã làm bệ đỡ vững vàng cho các nghệ sĩ trẻ tung tẩy. Sự lao động nghệ thuật miệt mài của ông đã được ghi nhận với danh hiệu NSND được Chủ tịch nước trao tặng năm 2015.
Trong suốt quá trình Tuyết Nhung tranh tài giải Chuông vàng vọng cổ năm 2016, Ngân Vương dường như không lộ diện. Trong đêm chung kết xếp hạng, ông cũng xuất hiện rất lặng lẽ và ngồi khá xa sân khấu, lẫn trong khán giả xem chương trình. Ở góc tối đó, ông gần như nín thở theo từng hơi ca của con gái. “Tôi hồi hộp chăm chú theo dõi, không bỏ sót từng lời, từng hơi thở của con gái. Hễ con gái vượt qua được chữ nào, câu nào tròn trịa là tôi thở phào, rồi lại nín thở chờ đợi câu tiếp theo… Hệt như cha con cùng đi thi!” - Ngân Vương chia sẻ trong cảm xúc dường như vẫn còn nguyên vẹn.
Kết quả cuối cùng khi Nhung được xướng tên giải Chuông vàng vọng cổ, theo thông lệ người thân sẽ mừng rỡ chạy lên sân khấu ôm hôn, chúc mừng, còn người cha - NSND Ngân Vương vẫn bối rối đứng đó. Trong cuộc đời đi hát, bước lên sân khấu như cơm bữa, có lẽ hiếm khi ông lại lúng túng như thế. Niềm hạnh phúc dâng trào khiến người cha là một nghệ sĩ đầy kinh nghiệm trở nên… vụng về! Mãi sau, khi ai đó kêu lên: “Ngân Vương đâu, lên sân khấu chụp hình với con gái kìa!” Lúc đó, ông mới mừng rỡ tiến về sân khấu chia sẻ với niềm vui của con gái.
Mừng với thành công của con gái nhưng nghệ sĩ Ngân Vương vẫn rất công tâm trong việc nhìn nhận. Ông nói mình vẫn đánh giá cao Ngọc Huyền, trong đêm thi 2 bạn kia bị xuống phong độ và gặp trục trặc trong các phần thi, trong khi Nhung phước báu sức khỏe tốt nên đã thể hiện thành công nội lực ca diễn của mình. “Tôi luôn dặn con đối xử giao tiếp với mọi người phải đề cao lễ kính, với bạn bè trang lứa phải biết thương mến. Không được tự mãn với thành công hôm nay mà cần cố gắng học hỏi nhiều. Giọng ca, thể hiện tình cảm trong lời ca Nhung tạm ổn, Nhung có thế mạnh có thể trở thành đào thương, đào thơ với sự uyển chuyển, mềm mại nhưng phải cố gắng học hỏi thêm về vũ đạo, diễn xuất để có thể tham gia thêm các tuồng hương xa”.
Ngày trước, Ngân Vương luôn ngăn cản con gái theo nghiệp hát. Lăn lộn với nghề đã 40 năm, khó khăn gian khổ nào cũng trải qua hết nên Ngân Vương thừa biết nghề hát vất vả và lắm lúc cũng bạc bẽo ra sao. Vì vậy, sợ con gái cực nên ông không mặn mà trong việc hướng con theo nghiệp hát. Ông gợi ý con gái đi học dược để về bán thuốc cho khỏe thân. Thế nhưng, ông cũng không ngờ máu nghề của vợ chồng ông đã truyền cho Tuyết Nhung… quá liều! Không dám cãi lời cha, cũng cắp sách đi học nhưng Nhung âm thầm nuôi lớn tình yêu ca hát của mình theo cách riêng. Thế rồi, đến một ngày Nhung chứng minh cho cha thấy nghề hát đã giúp Nhung trưởng thành như thế nào, cô đã có khả năng tự nuôi sống và giúp đỡ gia đình chỉ bằng nghề hát, xem như vừa thỏa được đam mê mà vẫn đảm bảo, không bấp bênh trong cuộc sống. Đến lúc này thì người cha không có lý do gì để… bàn ra quyết định của con gái!
Đoàn Trân