Sự bình thường ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, thể hiện trong từng việc nhỏ. Như phù sa bồi đắp, qua tháng qua năm, những việc nhỏ dần hình thành nên một phong cách, một lối sống, một mẫu mực về đạo đức cách mạng, và trở thành điều lớn lao, thành tài sản quý báu của dân tộc.
Sự bình thường ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, thể hiện trong từng việc nhỏ. Như phù sa bồi đắp, qua tháng qua năm, những việc nhỏ dần hình thành nên một phong cách, một lối sống, một mẫu mực về đạo đức cách mạng, và trở thành điều lớn lao, thành tài sản quý báu của dân tộc.
Đại biểu thiếu nhi tỉnh Thái Bình dâng lên Bác những sản phẩm của địa phương do các em trồng trong buổi mít tinh chào mừng Người về thăm Thái Bình, ngày 26-10-1958. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong lòng dân Việt Nam và bè bạn năm châu, trước hết bởi Bác là một người Việt Nam nhất. Bác là một người bình thường như mọi người khác, như Các Mác đã nói: “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi”. Bác là cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sinh ra trong một gia đình nhà Nho xứ Nghệ giàu truyền thống yêu nước. Bác là thầy giáo Nguyễn Tất Thành, 21 tuổi xuống tàu đi tìm đường cứu nước. Bác là Nguyễn Ái Quốc, một trong những thành viên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Bác là Ông Ké thân yêu của bà con các dân tộc Việt Bắc. Bác là nhà thơ lớn của dân tộc, tâm hồn lộng gió thời đại. Bác là Hồ Chí Minh - một người bình thường vĩ đại!
Lời Bác thấm sâu trong lòng ta
Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Giọng của Người không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng ấm vào lòng mong ước” (Sáng tháng Năm). Tháng 6-1945, trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp gian nan, Bác dặn dò: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”; hay khi Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập và hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”; Bác kêu gọi: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; Bác chúc Tết đồng bào, chiến sĩ: “Tiến lên toàn thắng ắt về ta!”… chúng ta cảm nhận đó là lời hịch non sông, nhưng lại như một lời nhắn nhủ, một điều gan ruột sâu lắng, ấm lòng.
Bác Hồ làm việc tại chiến khu Việt Bắc. |
Sự bình thường ở vị lãnh tụ kính yêu thể hiện trong từng việc nhỏ. Những việc nhỏ dần hình thành nên một phong cách, một lối sống, một mẫu mực về đạo đức cách mạng, và trở thành điều lớn lao, thành tài sản quý báu của dân tộc.
Sự bình thường ai cũng thấy ở Bác là: lời nói đi đôi với việc làm. Lời Bác thấm sâu trong lòng ta vì đó chính là việc làm. Bác kêu gọi toàn dân trồng cây và Bác tự mình trồng cây trong vườn, trồng cây mỗi dịp tết đến. Bác trồng cây vú sữa bà con đất Mũi Cà Mau gửi tặng cạnh ngôi nhà 54. Hàng ngày, bận rất nhiều công việc, nhưng Bác vẫn dành thời gian chăm sóc cây. Hình ảnh Người cầm bình ô-doa tưới cây vú sữa đã làm xúc động hàng triệu con tim người dân đất Việt, nhất là đồng bào miền Nam trong những năm bom đạn ngút trời, hờn căm nung nấu. Bác sang thăm Trung Quốc, thấy có loại cây xanh bốn mùa ít rụng lá, Bác đưa về hai cây và trồng trong vườn. Bác nhắc ngành lâm nghiệp nhân giống loài cây ít rụng lá để các cô lao công đỡ vất vả. Tết cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa Xuân, Bác lên đồi Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội trồng cây đa. Noi gương Bác, Tết trồng cây từ lâu đã trở thành một phong tục đẹp trên đất nước chúng ta.
Bác kêu gọi mọi người tiết kiệm, chống lãng phí, và Bác thực hiện trước, mỗi tuần nhịn ăn một bữa để góp vào hũ gạo kháng chiến. Từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, Bác không ở ngôi nhà của Toàn quyền Đông Dương, mà ở trong ngôi nhà của người thợ điện. Mỗi lần đi làm việc xa, đi thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ, Bác thường đem theo cơm nắm, muối vừng để khỏi làm phiền cán bộ, nhân dân địa phương, để khỏi “vì thết đãi Bác mà thịt cả con bò”. Bác tiết kiệm từng tờ giấy. Các văn bản, thư từ, Bác đều viết trên mặt sau của Bản tin Thông tấn xã Việt Nam. Những câu chuyện về nếp sống giản dị, thanh bạch của Bác Hồ kể mãi không hết. Trong các cuộc thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ, nhiều người nghe đã không cầm được nước mắt khi sống lại những năm tháng gian nan trong hai cuộc kháng chiến. Những năm tháng ấy, Bác Hồ đã sống một cuộc đời vô cùng bình dị, trong sáng. Những năm tháng cuối đời, Người đã viết bản Di chúc lịch sử, để lại muôn vàn tình thân yêu cho đời sau. Trong đó, Người căn dặn: “Trước hết nói về Đảng”, “Đầu tiên là công việc đối với con người”.
Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch. |
Điều Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý trước hết, phù hợp với những điều Bác đã căn dặn ngay khi Đảng ta mới ra đời. Năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Bác viết: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”; “Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”. Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng”.
Nói đi đôi với làm
Sinh thời, Bác từng nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng đã tiến hành kiểm điểm, tự phê bình, phê bình, nhằm đổi mới, chỉnh đốn Đảng, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền. Tuy nhiên, cùng với những kết quả bước đầu là sự cảnh tỉnh, răn đe, xử lý những cán bộ, đảng viên hư hỏng, việc kiểm điểm, đấu tranh với những sai trái, khuyết điểm chưa đạt yêu cầu. Sự chuyển biến trong Đảng chưa mạnh mẽ, niềm tin của dân với Đảng giảm sút. Ở nhiều nơi đấu tranh phê bình nặng về hình thức, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc khắc phục những tồn tại, khuyết điểm không dứt điểm, thậm chí có mặt còn nặng nề hơn. Tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, lối làm việc xa dân, thậm chí hách dịch, cửa quyền vẫn là những khuyết điểm, tệ nạn kéo dài. Đó chính là biểu hiện nói không đi đôi với làm, hoặc nói một đằng làm một nẻo, trái với điều mà Bác Hồ thường căn dặn: phong cách người cán bộ là phong cách nêu gương. Đối với công việc phải “dĩ công vi thượng”. Do phê và tự phê còn hữu khuynh, né tránh, dễ người, dễ ta, cho nên khuyết điểm mới lại chồng lên khuyết điểm cũ, nặng hơn khuyết điểm cũ. Rất nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, không được phát hiện từ chi bộ, mà chủ yếu do quần chúng tố cáo, do báo chí và các cơ quan pháp luật phanh phui.
Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe, đó là phong cách người cán bộ cách mạng. Nay ta gọi là sự sâu sát quần chúng, là sự làm gương trước quần chúng. Về nông thôn, Bác Hồ mặc quần áo nâu, đi tát nước, guồng nước cùng dân. Hồi ở Việt Bắc, Bác Hồ dạy thanh niên học chữ, dạy cách trồng rau, bón cơm cho bé… cái gì Bác cũng biết làm và cái gì cũng giỏi, khiến bà con rất quý, rất gần. Đến với Bộ đội Hải quân, Bác Hồ cầm lái con tàu hải quân trên biển. Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn cho dàn nhạc giao hưởng và đồng bào thủ đô hát trong buổi míttinh chào mừng thành công Đại hội lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960)…
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), năm 1954. |
Bác Hồ thường nhấn mạnh, làm mọi điều phải thật, thật sự. “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Thật đối lập với giả dối. Thật sự đối lập với qua loa, nửa vời.
Thật và thật sự là những lời nói bình thường. Đó là lời của một lãnh tụ, một người Cha, người Bác, người Anh. Nhưng đó là sự vĩ đại bởi sự mẫn cảm cách mạng. Bác đã nhìn ra những căn bệnh trong Đảng, trong mỗi con người từ rất sớm. Cho nên, trong Di chúc, Bác “trước hết nói về Đảng”. Đảng phải đẹp hơn, sáng hơn trong lòng dân tộc. Đảng phải lau “vết nhọ trên trán” khi “rửa mặt hàng ngày”.
Nói về điều bình thường vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Indonesia M.Đa-giô đã viết trong bài thơ Vẻ đẹp bên trong của viên ngọc: “Người không mang danh dự ghế suy tôn/ Ngồi vào đấy với Người không có nghĩa/ Khi đức độ đã ngời như ngọc quý/ Thì có nghĩa gì chiếc ghế phủ nhung êm”. Nhớ về Bác, tất thảy chúng ta đều mong muốn một điều giản dị: Thực hiện trọn vẹn những lời dạy thiêng liêng của Bác kính yêu!
Nguyễn Trung
Nguồn ảnh: Tư liệu