Báo Đồng Nai điện tử
En

Bác đem cả mùa Xuân cùng về

03:02, 15/02/2016

Cách đây 75 mùa Xuân (1941-2016), Bác Hồ về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng. Hang Pác Bó trở thành nơi linh thiêng in hình bóng lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Cách đây 75 mùa Xuân (1941-2016), Bác Hồ về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng. Hang Pác Bó trở thành nơi linh thiêng in hình bóng lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

“Ôi sáng xuân nay xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về im lặng con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”

(Tố Hữu - Theo chân Bác)

Chính ở nơi thiên nhiên hùng vĩ này, tháng 2-1941 Bác Hồ đã viết hai bài thơ “Pác Bó hùng vĩ” và “Tức cảnh Pác Bó” theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Với những bài thơ được viết ra khi Người đã trở về Tổ quốc, thiên nhiên luôn được nói đến trong sự liên tưởng với đất nước, thiên nhiên luôn là một bộ phận của đất nước và tình cảm thiên nhiên là một khía cạnh sâu sắc của tình yêu đất nước. Vẻ đẹp thiên nhiên luôn khơi dậy tình cảm yêu nước một cách tự nhiên mà tha thiết.

Ngày 28 tháng giêng Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.  Tranh: Trịnh Phòng
Ngày 28 tháng giêng Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tranh: Trịnh Phòng

Ngày 8-2-1941 Bác chọn hang Cốc Bó (nghĩa là “đầu nguồn”) ở làng Pác Bó (Cao Bằng) và nói với mọi người: “Mình vừa nẩy ra cái ý hay, dòng suối này của ta đẹp quá, trong xanh như ngọc, lại bắt nguồn từ đây, nên đặt tên là suối Lênin. Còn ngọn núi hùng vĩ phía sau, bên phải kia, chúng ta gọi là núi Các Mác...”. Cảm xúc về nơi ở đầu tiên trong lòng Tổ quốc, Bác làm mấy câu thơ:

Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là,

Đây suối Lênin, kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà.

(Bác Hồ - Pác Bó hùng vĩ)

“Non xa xa, nước xa xa”, câu thơ ấy tưởng như là đơn sơ mộc mạc mà như một tiếng gọi. Câu thơ được viết ra theo một tầm nhìn phóng xa về phía trước. Núi non, cảnh vật xa gần ẩn hiện trong bức dư đồ của cha ông từ ngàn xưa để lại. Nhưng câu thơ lại rất gợi về mặt âm thanh như tiếng gọi nhẹ nhàng mà xao xuyến nghe ấm áp mãi một tình cảm yêu thương đất nước.

Ở câu thơ thứ hai, Bác viết: “Nào phải thênh thang mới gọi là”, Pác Bó vô cùng hùng vĩ, song cái thênh thang nơi đây chỉ dừng lại ở mức độ “gọi là”, phía trước của Bác còn cả một giang sơn tươi đẹp, nhưng còn chìm trong nô lệ, lầm than!

Bác nhớ về Các Mác, nhớ Lênin. Ngay trong những ngày gian khổ, Người đã đặt tên “đây suối Lênin, kia núi Mác”. Bởi vì một lẽ: Người luôn tâm niệm một cách sâu sắc rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là đỉnh cao của trí tuệ văn hóa loài người, là kim chỉ nam cho hành động cách mạng của chúng ta. Vì vậy, ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin mà Người đã tiếp nhận được trong những năm 1917-1920 vẫn là ngôi sao Bắc Đẩu chỉ đường với hình tượng thiên nhiên  hùng vĩ, nhưng vô cùng đẹp đẽ, thân quen là “suối Lênin, núi Các Mác”.

Câu cuối cùng nhà thơ sử dụng phương pháp đối hình ảnh “hai tay” (nhỏ) với “một sơn hà” (lớn) làm nổi tinh thần và ý chí cách mạng. Câu đầu non và nước kết hợp lại thành non nước và sơn hà. Như vậy, Bác đã thống nhất ngôn từ, thống nhất các yếu tố tự nhiên, thực chất là thể hiện một khát vọng lớn: tạo dựng giang sơn cho Tổ quốc.

Qua bài thơ, Bác muốn truyền đạt một thông tin tới đồng bào: Con đường đấu tranh cách mạng trước mắt còn nhiều chông gai, nhưng dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với ý chí quyết tâm của toàn dân, chúng ta nhất định sẽ giành thắng lợi.

Cũng tại hang Pác Bó này, Bác Hồ còn viết bài thơ “Tức cảnh Pác Pó”.

Trong thiên hồi ký Những ngày gần Bác, trong cuốn Đầu nguồn (Nhà xuất bản văn học - 1977), đồng chí Vũ Anh đã kể lại: “Tối, Bác và chúng tôi quây quần trong hang đá ấy (hang Pác Bó) đốt lửa sưởi. Sáng dậy mỗi người đi mỗi việc. Bác thường mang máy chữ xuống chân núi, bên kia dòng suối dưới bóng cây để làm việc. Ở đây có mấy tảng đá chúng tôi đem chồng lên nhau, thành mặt bàn phẳng giống chiếc bàn đá. Tại bàn đá này, Bác đã dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô làm tài liệu cho chúng tôi học tập, lúc dịch xong một đoạn, hay một chương cần nghỉ ngơi cho thoải mái, Bác thường đến ngồi bên bờ suối lấy cơm thả xuống cho cá ăn. Vừa xem phong cảnh, Bác vừa tức cảnh làm thơ:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

(Tức cảnh Pác Bó)

Ở Pắc Bó, Bác đã từng sống những năm tháng khó khăn, gian khổ “cháo bẹ, rau măng” nhưng tràn đầy niềm tin và lạc quan cách mạng. Cũng chính trong thời gian ở Cao Bằng, Bác Hồ đã mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ cách mạng, trực tiếp bắt tay thực hiện chương trình thí điểm Việt Minh, tổ chức các hội cứu quốc ở các châu, huyện, như: Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình… Sau đó lan ra nhiều nơi khác trong tỉnh và cả nước.

Từ câu thơ thứ nhất mang không khí thiên nhiên, suối, hang, sớm tối, chuyển qua câu thứ ba với không khí hoạt động xã hội: Đảng, sử, dịch sử Đảng… Từ những cái mềm mại, suối, măng, rau, cháo chuyển qua bàn đá, chất đã rắn chắc. Từ những âm bằng êm đềm chuyển qua những dấu trắc, nặng (dịch), sắc (đá), hỏi (sử) đanh thép, rắn rỏi. Từ những vần thơ đanh thép, rắn rỏi đó của Người mà xuất phát điểm tại nơi đây, tạo nên một sự kiện lịch sử đánh dấu sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam là Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) do Bác Hồ chủ trì, đã nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đoàn kết toàn dân, tiến hành đấu tranh theo ngọn cờ của Đảng đi tới thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 - mở ra thời kỳ mới của nước ta, chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của chế độ thuộc địa, nửa phong kiến. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Mùa xuân năm 1961, trở lại thăm Pác Bó, chứng kiến bao đổi thay của vùng đất cách mạng, được gặp lại những đồng bào, đồng chí đã đùm bọc, chở che cách mạng, Bác Hồ rất phấn khởi, xúc động. Người đã đọc bài thơ:

Hai mươi năm trước ở hang này

Đảng vạch con đường đánh giặc Tây

Lãnh đạo toàn dân ta kháng chiến

Non sông gấm vóc có ngày nay.

(Thăm lại Pác Bó)

Xuân Bính Thân 2016, cả dân tộc ta hướng về nguồn Cốc Bó và cột mốc biên giới có số hiệu: 108 - nơi in dấu chân đầu tiên của Bác, nơi cả dân tộc chờ đón Bác sau 30 năm xa xứ... Chúng ta càng thêm thấu hiểu sâu sắc về thiên tài, trí tuệ và sự quyết đoán sáng suốt của Bác trong một thời khắc có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà; để từ đó, cách mạng Việt Nam lớn mạnh nhanh chóng, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác...

Mùa xuân này, trong niềm hân hoan chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thành công rực rỡ, một mùa xuân rực nắng ấm, đất trời bao la, non sông một dải gấm hoa, lòng dân, ý Đảng, kết nối thêm những tình cảm đằm thắm của bạn bè năm châu dành cho sự nghiệp vẻ vang tròn 30 năm đổi mới và hội nhập. Đảng ta, nhân dân ta quyết tâm, kiên định, tự tin và mạnh mẽ vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đưa công cuộc đổi mới của chúng ta tới bến vinh quang, cập bờ hạnh phúc, cùng nhân loại tiến bộ chung sức xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phồn vinh, thịnh vượng.

Nguyễn Văn Thanh

 

Tin xem nhiều