"Khi tôi còn trẻ, tôi muốn làm mọi thứ để thay đổi thế giới xung quanh, muốn mọi người quanh tôi phải thừa nhận là tôi đúng và thay đổi theo tôi. Nhưng theo tuổi tác và năm tháng, tôi thấy điều đó là không thể.
“Khi tôi còn trẻ, tôi muốn làm mọi thứ để thay đổi thế giới xung quanh, muốn mọi người quanh tôi phải thừa nhận là tôi đúng và thay đổi theo tôi. Nhưng theo tuổi tác và năm tháng, tôi thấy điều đó là không thể. Tuy nhiên, tôi lại thấy vui, thấy nhẹ nhõm hơn nhiều vì không cần phải mang vác trách nhiệm thay đổi người khác. Tôi chỉ cần làm tốt nhất trong khả năng có thể, việc của chính tôi. Còn người khác thay đổi hay không thì không quan trọng lắm” - đó là những gì Woodward đúc kết rất nhẹ nhàng về quãng đời gần nửa thế kỷ làm việc trong thế giới ngôn ngữ rất đặc biệt: thế giới vô thanh.
GS.TS James Clyde Woodward trong một buổi dạy học cho trẻ điếc. |
Là một trong những giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) ngôn ngữ ký hiệu nổi tiếng thế giới, GS.TS James Clyde Woodward đến với thế giới không âm thanh ấy một cách khá tình cờ. Như những người Mỹ lương thiện khác, ông ghét sự vô nghĩa của chiến tranh, nên để tránh tham chiến trong cuộc chiến Việt Nam, ông chọn trở thành một thầy giáo cho người điếc.
Ngôn ngữ không lời
“Đó là cả một câu chuyện dài” - là những gì GS.TS Woodward nói về cơ duyên đã dẫn ông đến với thế giới đặc biệt ấy - một “thế giới” không tiếng nói, tồn tại trong lòng thế giới bình thường. Những năm 1968-1969, Chính phủ có lệnh điều động ông sang tham dự cuộc chiến Việt Nam. Ông không muốn điều đó, vì với ông cuộc chiến cũng đầy phi nghĩa. May mắn, Woodward tìm được công việc giảng dạy tại trường Gallaudet, ngôi trường dành riêng cho người điếc tại Mỹ. Và nhờ đó, ông tránh được việc phải tham gia cuộc chiến tranh. Ngôi trường Gallaudet thành lập từ năm 1817, là trường chuyên biệt đầu tiên cho người điếc và năm 1964, Gallaudet phát triển thành trường đại học cho người điếc.
“Bạn hỏi tôi một thanh niên bình thường làm việc với những người điếc thì có thấy tẻ nhạt không? Không, không hề tẻ nhạt chút nào. Vẫn là ngôn ngữ, nhưng khi bạn dấn thân vào một dạng ngôn ngữ đặc biệt: vô thanh, loại ngôn ngữ mà chỉ có con người mới có thể sáng tạo, thì bạn sẽ thấy vô cùng thú vị” - GS.TS Woodward nói.
GS. TS Woodward cùng các học viên điếc tại Đồng Nai. |
Dù tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ, nhưng GS.TS Woodward chỉ đúng 2 tuần để làm quen với ngôn ngữ ký hiệu trước khi bắt tay vào giảng dạy - một việc rất khó khăn. Mỗi buổi tối, ông tìm đến những khu phố, quán ăn, câu lạc bộ… mà cộng đồng người điếc hay tụ tập, cố gắng học nhanh nhất có thể cách giao tiếp với người điếc. Ông làm điều này suốt một thời gian dài, kể cả sau khi đã giảng dạy lâu năm ở trường Gallaudet, vì ngoài việc giúp ích cho công việc, ông còn thấy rất vui vì được “va chạm” liên tục với cộng đồng người điếc. Sau này, khi vô tình gặp lại những học viên điếc đầu tiên trong những dịp tình cờ, những người nay đã thành công và có công việc tốt, ông thấy mình như được “trả công” đầy đủ.
Từ 2000-2006 hầu như ông làm việc toàn thời gian ở Việt Nam, từ 2006 đến nay, GS.Woodward bay đi bay về giữa Việt Nam và Hong Kong để tiếp tục điều hành dự án. Trong đó, dự án ở Hong Kong có nhiều nước tham gia, với mong muốn sẽ nhân rộng hơn mô hình này đến các nước khác, như: Myanmar, Srilanka… Và điều thú vị mà GS.Woodward “thu hoạch” được trong hành trình đến thế giới vô thanh chính là người vợ, người đồng sự Việt Nam của ông, người đã cùng ông đồng hành hơn 15 năm nay trong cả cuộc sống riêng tư lẫn công việc: cô Nguyễn Thị Hòa, hiện là người điều hành dự án tại Việt Nam. |
Làm việc cho Galedette được 26 năm, GS.TS Woodward chuyển hướng. Ông muốn mang kho tài sản ngôn ngữ ký hiệu mà ông tích cóp nhiều năm đi xa hơn nữa, đến với cộng đồng người điếc ở những nơi khác, ngoài nước Mỹ. Ông xin chuyển sang làm việc bán thời gian cho trường, nửa thời gian còn lại, ông bắt đầu chương trình của riêng mình: tìm cách phổ biến rộng rãi hơn ngôn ngữ ký hiệu. Bắt đầu từ Hong Kong năm 1991 và Thái Lan năm 1995, ông hỗ trợ thành lập ngôi trường giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu đầu tiên cho người điếc. Rồi trong lần tham dự hội thảo giáo dục ở Philippines, ông đã gặp vài quan chức Bộ Giáo dục Việt Nam và có ý tưởng thành lập một trường dạy cho người điếc tại Việt Nam. May mắn là Quỹ Nippon Foundation đồng ý tài trợ để thành lập trường. Và từ năm 2000, với nhiều hỗ trợ từ chính quyền địa phương và đối tác tại Việt Nam, dự án này ra đời tại Đồng Nai.
Hãy gọi họ là người điếc!
“Nếu bạn là người điếc Mỹ, bạn sang Hong Kong hay Việt Nam, bạn sẽ không giao tiếp được nếu không học ngôn ngữ ở các nơi khác, giống như bạn không thể sang Mỹ mà không biết tiếng Anh. Hệ thống ngôn ngữ ký hiệu giúp cung cấp những cách cơ bản nhất để tiếp cận với các loại ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ra, nét giống nhau căn bản nằm ở chỗ người điếc sử dụng ngôn ngữ cơ thể rất nhiều. Chẳng hạn ở Mỹ, giao tiếp có đụng chạm cơ thể giữa những người điếc sẽ nhiều hơn ở Việt Nam, nhưng Việt Nam lại nhiều hơn ở Hong Kong và một số nước khác… có thể vì lý do khác biệt văn hóa” - James Woodward nói. Ông luôn chú ý học hỏi từng chút để nắm được những cách giao tiếp căn bản trong cộng đồng người điếc ở những quốc gia khác nhau. Ví dụ ở Hong Kong, người điếc sử dụng ngón tay cái nhiều hơn, còn ở Mỹ thì người điếc dùng tay và miệng “khóa” lại để thể hiện mình là người điếc, còn tại Việt Nam thì sử dụng biểu tượng “khóa miệng” thay cho các cử chỉ bằng tay… “Ngay cả trong cách dùng từ, họ sẽ thích bạn gọi họ là người điếc hơn là từ khiếm thính, dù bạn có cho rằng từ khiếm thính có vẻ lịch sự hơn” - ông cười.
Dạy học cho trẻ điếc. |
Cách nhìn và giải quyết vấn đề của người điếc khác với người bình thường. Về chuyên môn, GS.TS Woodward không chỉ dạy các em ngôn ngữ, mà ngược lại, thông qua giao tiếp với các em, kho ngôn ngữ ký hiệu của ông và các đồng nghiệp ngày một dày dạn phong phú hơn, nhiều sáng tạo hơn. Ngôn ngữ nào cũng là một “thực thể” sống, qua giao tiếp, qua thời gian mà hình thành và phổ biến rộng rãi hơn. Các em cũng “dạy” ông sự giản dị, lạc quan, thẳng thắn trong cách đối diện và giải quyết những vấn đề của đời sống.
Ở thời điểm trước năm 2000, phương pháp dùng ngôn ngữ ký hiệu vẫn còn bị cấm đoán vì phương pháp giảng dạy cho người điếc tại Việt Nam vẫn là phương pháp dùng lời nói. Trung tâm đào tạo chương trình học THCS, THPT và đại học cho người điếc đầu tiên giảng dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu tại Việt Nam, hiện đặt tại Trường đại học Đồng Nai. Hiện tại, giáo trình dạy và học ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam do ban biên soạn của dự án tập hợp đã ra được đến tập 3, đi kèm theo sách học là Từ điển Ngôn ngữ ký hiệu và cuốn 4 cũng đang được thực hiện. |
Mọi người thường nhìn người điếc với những cảm xúc quen thuộc: họ khác biệt, họ kiên cường hay dũng cảm… Tuy nhiên, với GS.TS Woodward, ông xem họ là những người bình thường, có em thông minh, có em nhút nhát, có người tích cực hoặc bi quan. Nhưng Woodward cũng nhận xét, ông ấn tượng đặc biệt về những học viên tại Việt Nam, bởi sự nỗ lực và chịu khó hơn hẳn vài nước khác.
Không có giới hạn nào trong con đường học hỏi và tiếp cận tri thức của người điếc. Giới hạn đó, có chăng là do nỗ lực của mỗi người. GS.TS Woodward nói, chỉ có vài ngành nghề trong xã hội mà người điếc bị hạn chế, như phát thanh viên trên radio chẳng hạn, còn lại hầu hết họ đều có thể nỗ lực để trưởng thành. Như em Thủy Tiên, một học viên điếc tại Đồng Nai, hiện đang học thạc sĩ tại Mỹ, và có thể sẽ trở thành tiến sĩ hay giáo sư nếu em mong muốn.
Cùng vợ - người đồng sự trong các dự án dành cho trẻ điếc: Th.S Nguyễn Thị Hòa. |
Người đàn ông trẻ từ chối tham gia cuộc chiến phi nghĩa tại Việt Nam ngày nào giờ đang “tiệm cận” tuổi 70, nhưng chưa từng có ý định dừng lại việc “tiếp xúc” với cộng đồng vô thanh của mình. Dự định sắp tới của GS.TS Woodward vẫn là những việc làm cho cộng đồng đó. Những nơi nào cần và có điều kiện, ông sẽ đến và gầy dựng để ngôn ngữ ký hiệu lan truyền mạnh mẽ hơn, không chỉ từ ông mà còn từ chính những học viên của ông. “Và có thể trong năm tới, nó sẽ bắt đầu từ một hòn đảo hẻo lánh ở Hawaii” - GS.TS Woodward sẻ chia với nụ cười rạng rỡ.
Kim Ngân