Báo Đồng Nai điện tử
En

Vợ, chồng giận nhau có được quyền tự ý dắt con đi?

08:04, 06/04/2023

Khi vợ chồng mâu thuẫn dễ dẫn tới việc một bên tự ý dắt con nhỏ đi cùng hoặc bỏ mặc con cho người ở lại nuôi dưỡng, chăm sóc. Điều đó vô tình ảnh hưởng tới quyền của bên còn lại và con.

Khi vợ chồng mâu thuẫn dễ dẫn tới việc một bên tự ý dắt con nhỏ đi cùng hoặc bỏ mặc con cho người ở lại nuôi dưỡng, chăm sóc. Điều đó vô tình ảnh hưởng tới quyền của bên còn lại và con.

Cán bộ ấp 5, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) chuẩn bị phương tiện tuyên truyền pháp luật lưu động về phòng chống bạo lực gia đình cho nhân dân trong ấp. Ảnh minh họa: Đ.Phú
Cán bộ ấp 5, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) chuẩn bị phương tiện tuyên truyền pháp luật lưu động về phòng chống bạo lực gia đình cho nhân dân trong ấp. Ảnh minh họa: Đ.Phú

Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) bày tỏ, hành vi ngăn cản vợ/chồng thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với con hoặc bỏ mặc con là trái pháp luật. Cho nên, khi xảy ra xung đột, các bậc làm cha mẹ không được tự ý hành xử như vậy đối với nhau và với con.

* Tự ý dắt con đi khi chưa ly hôn

Sau khi anh T.M.T. (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) đăng đoạn clip ghi lại cảnh con ruột (cháu T.N.A.T., 3 tuổi) có dấu hiệu bị người tình của mẹ là Lê Văn Bậm (44 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) bạo hành và dụ dỗ sử dụng trái phép chất ma túy tại phòng trọ ở xã Bà Điểm (H.Hóc Môn, TP.HCM) thì cơ quan công an đã vào cuộc điều tra dấu hiệu của các tội dụ dỗ, xúi giục người khác sử dụng ma túy và hành hạ, ngược đãi trẻ em đối với Lê Văn Bậm. Điều đáng nói, năm 2021, do mâu thuẫn vợ chồng nên vợ anh T.M.T. là chị N.T.N. (ngụ Q.Tân Bình) dắt theo con bỏ đi và chung sống như vợ chồng với Lê Văn Bậm là đối tượng nghiện ma túy nên đã xảy ra sự việc nêu trên. Hiện tại, anh T.M.T. và vợ vẫn chưa ly hôn.

Khi xem thông tin từ báo chí, dư luận rất phẫn nộ và cho rằng, hành vi của Bậm và chị N. phải bị pháp luật xử lý đích đáng; đồng thời, đặt ra tình huống pháp lý: khi vợ chồng chưa ly hôn, chưa có phán quyết bằng quyết định, bản án có hiệu lực của tòa án về việc ly hôn, giao con cho ai nuôi dưỡng, chăm sóc thì người cha hoặc mẹ có quyền tự ý dắt con bỏ đi nơi khác hay không?

Trao đổi về tình huống này, luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng, đó là hành vi hành xử không đúng pháp luật. Bởi theo Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, con có quyền được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục, phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.

Đồng thời, tại Khoản 1, Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn quy định, cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Do đó, khi vợ chồng ly hôn, chưa ly hôn hay nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà có con chung thì quyền và nghĩa vụ của họ đối với con đều ngang nhau và pháp luật cũng bắt buộc các bậc làm cha mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với con một cách đầy đủ.

Chính vì pháp luật không cho phép vợ hoặc chồng giận nhau thì tự ý dắt con (chưa thành niên) đi nơi khác sinh sống mà không hỏi ý kiến của con, người kia, chưa có phán quyết có hiệu lực của tòa án giao con cho ai chăm sóc, nuôi dưỡng thì không được làm.

* Bảo vệ quyền của trẻ

Việc cha mẹ có hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng hoặc ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau là bạo lực gia đình.

Để bảo vệ người bị bạo lực gia đình, pháp luật cho phép họ hoặc người giám hộ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình; yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình…

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, theo Điều 56 và Điều 59 Nghị định 144/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con (trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án); giữa anh, chị, em với nhau; buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.

“Việc vợ/chồng ngăn cản quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con của nhau, xâm phạm quyền của con, ngoài việc bị xử phạt hành chính với hành vi trên, họ còn phải đối diện với các hình thức xử lý hành chính hay hình sự khác nếu có thêm hành vi như: vi phạm chế độ một vợ một chồng; bạo hành, ngược đãi con…” - luật sư Nguyễn Đức nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Đức khuyến cáo, để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, quản lý con được tốt, cha mẹ khi ly hôn, ly thân cũng cần ngồi lại bàn phương án tốt nhất trong việc giao con cho ai quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trước khi rời đi hoặc chờ tới khi nào có bản án, quyết định giải quyết ly hôn, giao con cho ai nuôi của tòa án. Điều đó mới đảm bảo được quyền của con và quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con.

“Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình có quyền tố cáo, tố giác hành vi bạo lực gia đình với cơ quan chức năng để xử lý người vi phạm. Đồng thời, phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến hành vi bạo lực gia đình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền” - luật sư LƯU HỒNG KHANH (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều