Báo Đồng Nai điện tử
En

Thương nhớ một dòng sông

08:04, 17/04/2023

Tôi sinh ra và lớn lên ở khu dân cư ven dòng sông Buông hiền hòa (thuộc P.Phước Tân, TP.Biên Hòa). 20 năm về trước dòng sông trong vắt (trừ vào mùa mưa lũ từ thượng nguồn đổ về), có nhiều con rạch dẫn nước vào các vườn cây trái, ruộng vườn ven sông.

Tôi sinh ra và lớn lên ở khu dân cư ven dòng sông Buông hiền hòa (thuộc P.Phước Tân, TP.Biên Hòa). 20 năm về trước dòng sông trong vắt (trừ vào mùa mưa lũ từ thượng nguồn đổ về), có nhiều con rạch dẫn nước vào các vườn cây trái, ruộng vườn ven sông. Nước sông trong đến mức có thể nhìn thấy cá bơi dưới sông, rạch. Nhờ đó, nước giếng của những nhà gần sông luôn đầy tràn, trong veo, chỉ cần thả thùng xuống khoảng 1m là có thể múc được nước.

Sông Buông đoạn qua quốc lộ 51, P.Phước Tân, TP.Biên Hòa
Sông Buông đoạn qua quốc lộ 51, P.Phước Tân, TP.Biên Hòa

Tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây, dòng sông trở nên ô nhiễm, nước lúc nào cũng đục ngầu. 2 bên bờ sông bị thu hẹp hơn. Một vài con rạch dẫn nước vào đất vườn cũng bị lấp hẳn để làm đường đi, xây dựng nhà cửa. Hầu hết các giếng nước sinh hoạt của người dân sinh sống ven sông đều ô nhiễm, vàng đục và không thể sử dụng. Do đó, bài báo Những tác nhân gây ô nhiễm sông Buông, đăng trên Báo Đồng Nai ngày 15-4 phản ánh rất đúng về sự ô nhiễm, xuống cấp của chất lượng nước của sông Buông.

 Đáng buồn thay, tác nhân gây ô nhiễm này phần lớn do các hoạt động chăn nuôi của nhiều hộ dân và rửa đá của các cơ sở kinh doanh, chế biến khoáng sản ven sông. Phần lớn các loại chất thải này đều chưa được xử lý và thải trực tiếp ra sông Buông.

Trước chất lượng nước ngày càng xấu của sông Buông, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp “cứu” lấy dòng sông. Trước mắt cần có biện pháp xử lý nghiêm, không để các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động rửa đá, mài đá, kinh doanh vật liệu xây dựng không có giấy phép môi trường; các cơ sở chăn nuôi xả thải trực tiếp ra sông Buông. Song song đó, có biện pháp ngăn chặn tình trạng xây dựng, san lấp mặt bằng lấn sông, lấn các con rạch tự nhiên để đảm bảo dòng chảy thông suốt, tránh tình trạng ngập úng cục bố kéo dài vùng hạ lưu ven sông Buông mỗi khi mùa lũ về.

Sông Buông là sông nội tỉnh, dài hơn 50km bắt nguồn từ TP.Long Khánh chảy qua các địa phương: Thống Nhất, Trảng Bom, Biên Hòa rồi đổ ra sông Đồng Nai. Việc bảo vệ chất lượng nước của sông Buông cũng là bảo vệ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; nguồn thủy hải sản thiên nhiên và tạo cảnh quan đẹp, hữu tình của Đồng Nai.

Thu Uyên (TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều