Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng ngừa con trẻ bị lừa tiền trên mạng xã hội

09:03, 09/03/2023

Thời gian qua, thông tin từ báo chí có một số vụ việc học sinh tự tử có liên quan đến việc mua bán, lừa đảo trên mạng xã hội khiến không ít phụ huynh lo lắng.

Thời gian qua, thông tin từ báo chí có một số vụ việc học sinh tự tử có liên quan đến việc mua bán, lừa đảo trên mạng xã hội khiến không ít phụ huynh lo lắng.

Ngày 3-3, nam sinh  H.Đ.K. (học lớp 10 Trường THPT Tôn Đức Thắng, ngụ xã Phú Lộc, H.Tân Phú) đã nhảy cầu Tà Lài (H.Tân Phú), tử vong. Theo thông tin từ gia đình nạn nhân, K. thực hiện việc mua bán các tài khoản về game online để kiếm thêm tiền tiêu xài. Nhưng sau khi bán xong thì người mua không trả tiền nên K. nghĩ quẩn và nhảy cầu tự tử.

Trước đó, vào ngày 4-2, nữ sinh N.T.H.H. (sinh năm 2004, ngụ xã An Hưng, TP.Hải Phòng) nhảy cầu tự tử. Sau khi H. mất tích, gia đình kiểm tra điện thoại của H. phát hiện em có tham gia mua bán hàng trên mạng xã hội và bị lừa hơn 100 triệu đồng.

Hiện nay, nhiều học sinh được cha mẹ cho sử dụng điện thoại thông minh để liên lạc, học tập và giải trí. Không ít em đã sử dụng điện thoại để chơi game, mua bán các sản phẩm từ game hoặc đặt mua hàng online trên các trang thương mại điện tử (Lazada, Shopee) hoặc trên mạng xã hội (Facebook, Zalo).

Do đó, trong quá trình mua bán online hoặc trao đổi, mua bán các sản phẩm từ game nếu thiếu cảnh giác, trẻ em rất dễ bị đối tượng xấu lừa đảo chiếm dụng tiền. Điều đáng nói là hiện nay, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng internet ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi. Do đó, phụ huynh và nhà trường cần chú ý hướng dẫn học sinh cách đề phòng lừa đảo qua internet; biết cách bảo vệ thông tin cá nhân (tên, tuổi, địa chỉ, trường học, số điện thoại) trên mạng xã hội; không kết bạn, giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội.

Cần hướng dẫn trẻ khi mua bán, giao dịch trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử phải nhờ cha mẹ, người lớn thanh toán giúp, tuyệt đối không tự ý chuyển tiền, gửi tiền cho người khác. Đặc biệt, không gửi hình ảnh nhạy cảm cá nhân cho người khác qua mạng xã hội để phòng ngừa kẻ xấu phát tán ảnh hoặc lợi dụng để uy hiếp tinh thần của trẻ.

Chính sự quan tâm, hỏi han, trò chuyện của cha mẹ hàng ngày sẽ giúp trẻ cởi mở, trao đổi các vấn đề đang gặp phải trên mạng xã hội để có sự định hướng, hỗ trợ kịp thời. Đừng để trẻ một mình với điện thoại thông minh khi chưa đủ kiến thức và kỹ năng để bảo vệ mình trước mặt trái của internet. Hãy đồng hành cùng con trên môi trường mạng là một cách hữu hiệu để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra như những câu chuyện đau lòng nêu trên.

Thu Uyên (TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều