Báo Đồng Nai điện tử
En

Người vay tiền qua đời, chủ nợ kiện ai để đòi?

09:03, 21/03/2023

Việc cá nhân vay mượn nợ đến hẹn không trả thì người cho vay có quyền khởi kiện họ ra tòa án để đòi. Tuy nhiên, khi khoản vay chưa được trả mà người vay đột ngột qua đời thì người cho vay không biết kiện ai để đòi.

Việc cá nhân vay mượn nợ đến hẹn không trả thì người cho vay có quyền khởi kiện họ ra tòa án để đòi. Tuy nhiên, khi khoản vay chưa được trả mà người vay đột ngột qua đời thì người cho vay không biết kiện ai để đòi.

Người dân xã Núi Tượng, H.Tân Phú (trái) nhờ tư vấn về nghĩa vụ trả nợ thay cho người đã chết tại buổi tuyên truyền pháp luật do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức. Ảnh: Đ.Phú
Người dân xã Núi Tượng, H.Tân Phú (trái) nhờ tư vấn về nghĩa vụ trả nợ thay cho người đã chết tại buổi tuyên truyền pháp luật do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, nếu người chết có tài sản thì những người hưởng di sản thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ nên người cho vay có thể kiện họ để đòi.

* Khi người vay đột ngột qua đời

Trong quá trình rời quê tỉnh Bến Tre về xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) thuê đất lập vườn, ông N.V.H. có vay mượn của bà N.T.E. (ngụ xã Mã Đà) 50 triệu đồng. Khi ông H. về quê ăn đám giỗ thì đột ngột qua đời, vợ con của ông H. ở quê đến Mã Đà tiếp tục quản lý, sản xuất nông nghiệp trên phần đất ông đã thuê. Khi bà E. gặp vợ con ông H. đòi số tiền đã cho vay mượn thì được trả lời, đó là việc vay mượn giữa chồng họ với bà nên họ không biết và không có trách nhiệm để trả, khiến bà E. rất bức xúc.

Hay như trường hợp ông L.U. (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) có làm giấy vay mượn của ông V.T.Y. (ngụ cùng phường) số tiền 20 triệu đồng, không lãi suất. Trong giấy mượn nợ, ông U. có giao kết 1 tháng sau ngày vay (ngày 10-4-2022) phải trả. Tuy nhiên, tới thời hạn trả thì ông U. bị bệnh không trả được, cho tới ngày 10-2-2023 thì ông qua đời. Tuy nhiên, nhiều lần gặp vợ con ông U. đòi tiền nhưng họ không chịu trả nên ông Y. rất bức xúc.

“Trong giao dịch vay mượn nợ, thời điểm tính lãi suất vay sẽ bị chấm dứt kể từ thời điểm người vay chết. Lãi suất sẽ được tính lại với khoản vay khi có bản án, quyết định có hiệu lực, kể từ thời điểm tòa án buộc người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại mà chậm hoặc không thực hiện” - luật sư CAO SƠN HÀ, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết.

Bà L.H.N. (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) đang lúng túng trong việc đòi 150 triệu đồng đã cho ông L.C. (tạm trú tại H.Long Thành) vay vào ngày 13-12-2022, lãi suất thỏa thuận 1,5%/tháng (tức 18% năm). Theo giấy vay mượn, ông C. cam kết đến ngày 13-12-2023 sẽ trả toàn bộ số tiền gốc và lãi cho bà. Tuy nhiên, đến ngày 6-1-2023 thì ông C. bị bệnh chết. Sau khi gia đình lo ma chay cho ông C. xong, bà N. có tới hỏi về số tiền đã cho vay thì gia đình ông C. thoái thác việc trả nợ.

Với những trường hợp nêu trên, theo luật sư Cao Sơn Hà, các chủ nợ chỉ đòi được số tiền đã cho vay nếu người chết có di sản để lại và di sản đó đã dùng để thanh toán xong các chi phí sau (nếu có): chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng còn thiếu; chi phí cho việc bảo quản di sản; tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; tiền công lao động; tiền bồi thường thiệt hại; thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước theo Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015. Còn khi người chết không có di sản hoặc di sản chỉ đủ thanh toán cho các thứ tự ưu tiên trên thì xem như mất số tiền đã cho vay mượn.

* Cách thức đòi tiền

Để đòi được tiền người vay khi họ qua đời từ người thân còn sống, theo Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Nguyễn Thanh Sơn, tuy có khó khăn nhưng vẫn có căn cứ pháp lý để đòi. Với trường hợp người thân của người qua đời đồng ý trả thay thì không có gì phải bàn. Còn như họ không đồng ý thì người cho vay cần phải xác định xem khi người vay qua đời họ có để lại di sản có giá trị hay không. Một khi di sản có giá trị rất nhỏ, không đủ thanh toán cho các khoản thứ tự theo Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 và nợ vay thì không nên khởi kiện vì rắc rối, tốn kém thêm.

Ngược lại, nếu xác định người chết có để lại di sản là: xe ô tô, đất đai, nhà cửa, tiền tiết kiệm… giá trị thì tiến hành thủ tục khởi kiện người quản lý di sản, người được hưởng thừa kế di sản của người đã qua đời để đòi. Căn cứ để đòi là dựa vào Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015.

“Người cho vay được quyền khởi kiện những người còn sống là người được hưởng thừa kế theo di chúc của người chết có tài sản để lại. Trường hợp người chết không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì khởi kiện tất cả những người hưởng thừa kế cùng hàng (cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi, vợ hoặc chồng, con ruột, con nuôi hợp pháp của người chết); hoặc kiện đích danh người đang quản lý di sản khi tài sản này chưa được chia” - luật gia Nguyễn Thanh Sơn hướng dẫn.

Cũng theo luật gia Nguyễn Thanh Sơn, khi đã xác định được người cần kiện, di sản người bị khởi kiện có, chủ nợ còn phải tính tới các bước tiếp theo như: tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc vay mượn nợ, căn cứ xác định đó là tài sản của người chết, thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết còn hay không. Bởi vì, theo Khoản 3, Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm người có tài sản chết.

Như vậy, trường hợp bà N.T.E. (ngụ H.Vĩnh Cửu) và ông V.T.Y. (ngụ H.Long Thành) muốn khởi kiện vợ và các con ông N.V.H., ông L.U. thì thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm người vay chết đã được quy định khá rõ, cụ thể. Riêng trường hợp bà L.H.N. (ngụ P.Hóa An) muốn khởi kiện vợ và các con ông L.C. cần vận dụng thêm Khoản 3, Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015 (chấm dứt hợp đồng khi cá nhân giao kết hợp đồng chết mà hợp đồng đó do chính cá nhân đó thực hiện). Nghĩa là thời điểm khởi kiện cũng được tính từ thời điểm ông L.C. chết (tức ngày 6-1-2023) chứ không cần chờ tới ngày 13-12-2023 theo cam kết trong giấy vay nợ.                                      

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích